MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
PGS.TS Phạm Minh Tuấn - Phó Tổng biên tập Tạp chí Cộng sản, Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Thoại Kha

Hợp tác phát triển ngành xuất bản ở các quốc gia Đông Nam Á

AN NGUYÊN LDO | 15/09/2023 17:40

Hội nghị thường niên Ban Chấp hành Hiệp hội Xuất bản Đông Nam Á - ABPA tập trung thảo luận, đề xuất các hướng thúc đẩy hợp tác và phát triển ngành xuất bản ở khu vực.

Ngày 15.9, Hội Xuất bản Việt Nam phối hợp UBND TPHCM tổ chức Hội nghị Ban chấp hành Hiệp hội Xuất bản Đông Nam Á (ASEAN Book Publishers Association - ABPA) tại Trung tâm báo chí TPHCM.

Tham dự hội nghị có đoàn các nước thành viên ABPA gồm đại diện những người làm xuất bản trong khu vực Đông Nam Á; đại diện các cơ quan, đơn vị trong nước như Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông…

PGS.TS Phạm Minh Tuấn - Phó Tổng biên tập phụ trách Tạp chí Cộng sản, Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam, Chủ tịch luân phiên ABPA chia sẻ: "Hiệp hội bước đầu đáp ứng được các nhu cầu giao lưu, hợp tác giữa các nước thành viên, trở thành một kênh trao đổi thông tin, chia sẻ những chính sách mới của ngành xuất bản mỗi nước cũng như chia sẻ kinh nghiệm, cách làm hay thúc đẩy phát triển văn hóa đọc.

Qua đó, các thành viên có cơ hội học hỏi lẫn nhau, tùy chỉnh áp dụng cho phù hợp với hoàn cảnh cụ thể của từng nước”.

Trong 2 năm đảm nhiệm vai trò Chủ tịch luân phiên ABPA, Hội Xuất bản Việt Nam đã đóng góp tích cực vào sự nghiệp ngoại giao của nhân dân và việc nâng cao vị thế Việt Nam trên trường quốc tế.

Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Thoại Kha

Các hoạt động do Hội Xuất bản Việt Nam tổ chức hướng đến mục tiêu chung ASEAN, đặc biệt là "Duy trì và thúc đẩy hòa bình, an ninh và ổn định; tăng cường hơn nữa các giá trị hướng tới hòa bình trong khu vực và nâng cao khả năng tự cường khu vực thông qua đẩy mạnh hợp tác chính trị, an ninh, kinh tế và văn hóa xã hội".

Tại Hội nghị, Ban chấp hành Hiệp hội Xuất bản Đông Nam Á tập trung vào 3 nhóm chủ đề chính, bao gồm: Rà soát thực trạng ngành xuất bản các nước thành viên ABPA; đề xuất các hướng thúc đẩy hợp tác nội khối; thảo luận và quyết định nước nào sẽ đảm nhận vai trò Chủ tịch luân phiên ABPA nhiệm kỳ 2024-2025.

Theo đó, ngành xuất bản của các nước ASEAN đang trong giai đoạn phục hồi sau khó khăn của dịch COVID-19 và suy giảm kinh tế toàn cầu. Xuất bản Việt Nam cũng như các quốc gia Đông Nam Á như Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Philippines… đang cho thấy những dấu hiệu tích cực.

Báo cáo từ thành viên ABPA cho thấy, các nước đang nỗ lực đa dạng hoá hoạt động phát triển văn hóa đọc, thành lập trung tâm giao dịch bản quyền, tăng cường hiện diện tại các hội sách quốc tế, tổ chức các giải thưởng sách quốc gia, thúc đẩy sử dụng học liệu điện tử…

Giữa tình trạng chung, ABPA hướng tới việc thúc đẩy hợp tác nội khối. Với tư cách Chủ tịch luân phiên ABPA nhiệm kỳ 2022-2023, Hội Xuất bản Việt Nam đã đưa ra 3 đề xuất chính.

Đầu tiên là tiếp tục nghiên cứu thực hiện sáng kiến “One ASEAN”, thông qua Hiệp hội thúc đẩy quan hệ giao lưu hợp tác giữa nhà xuất bản của các nước.

Thứ hai là thành lập trung tâm bản quyền trực thuộc ABPA nhằm giới thiệu sách của các nhà xuất bản thuộc các hiệp hội thành viên.

Thứ ba là giải thưởng sách ASEAN với nguyên tắc, quy chế và tiêu chí lựa chọn sách viết về chủ đề ASEAN.

Thứ tư là tổ chức Hội chợ sách quốc tế ở TP.HCM vào tháng 4.2024.

Ngoài việc thảo luận nước nào đảm nhiệm vai trò Chủ tịch luân phiên ABPA nhiệm kì 2024-2025, hội nghị cũng trao tặng giấy chứng nhận cho một số thành viên kì cựu và trao giấy chứng nhận cho đại diện tất cả các đoàn tham dự Hội nghị.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn