MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Đình làng Hiền Sỹ (xã Phong Sơn, huyện Phong Điền, Thừa Thiên - Huế) - nơi bị kẻ cắp đột nhập trộm đi cổ vật thời vua Tự Đức. Ảnh: T.H

Huế: Báo động nguy cơ mất trộm cổ vật đình chùa

PHÚC ĐẠT LDO | 21/01/2020 07:53

Nhiều cổ vật có tuổi thọ hàng thế kỷ, quý hiếm vì giá trị lịch sử văn hóa, nghệ thuật, kiến trúc hiếm hoi và được dân làng, chùa chiền trên địa bàn Thừa Thiên - Huế luôn xem là báu vật đang đứng trước nguy cơ bị trộm cắp…

Thực trạng đáng báo động

Ngày 18.12.2019, Công an TP. Huế bắt giữ đối tượng Nguyễn Viết Tuấn (SN 1988, trú xã Phú Mậu, huyện Phú Vang) vì hành vi trộm cắp 12 bức liễng bằng gỗ có giá trị tại đình làng Xuân Hoà (số 86 đường Nguyễn Phúc Nguyên, phường Hương Long, TP.Huế). Trước đó, ngày 13.10.2019, kẻ gian cạy cửa hông của đình làng Hiền Sỹ (700 năm tuổi, xã Phong Sơn, huyện Phong Điền) trộm đi hiện vật thời Vua Tự Đức, đặt ngay giữa đình làng. 2 cổ vật bị kẻ trộm lấy đi được xác định là lọ lục bình với đường kính 40cm và ché cổ được làm bằng sứ cao 60cm.

Không chỉ ở đình làng Hiền Sỹ hay Xuân Hòa, tình trạng các hiện vật, cổ vật bị mất cắp từng xảy ra ở nhiều đình, chùa trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế. Quốc tự Diệu Đế (cạnh sông Gia Hội, 100 Bạch Đằng, TP.Huế) cũng bị kẻ gian lẻn vào lấy đi pho tượng quý có tên là Nữ Long Bồ Tát, chùa Ba Đồn (phường An Tây, TP.Huế) cũng bị đột nhập “cuỗm” đi 2 quả chuông cổ...

Điều này chỉ ra thực trạng công tác quản lý, bảo vệ các cổ vật tại nhiều đình, chùa vẫn còn rất lỏng lẻo. Đa số các di tích, dù từng bị trộm đột nhập hoặc chưa, có chung đặc điểm là hệ thống tường rào cửa, khóa còn mang tính tạm bợ, cho có. Việc bảo vệ, trông coi thường được giao cho một vài người nên rất khó kiểm soát. Trước tình hình thực tế và nguy cơ nhìn thấy, nhiều đình, chùa đã phải chọn cách “gửi” cổ vật đi nơi khác để trông giữ vì lo sợ bị mất trộm, sau khi có những cảnh báo.

Những năm gần đây, thị trường buôn bán cổ vật vẫn diễn ra âm thầm. Do nhu cầu sưu tầm cổ vật ngày càng cao đã khiến tình trạng dòm ngó, trộm cắp cổ vật rất phức tạp, khi đồ thờ cúng được định giá kinh tế cao. Nhiều đình, chùa cũng phải lên kế hoạch bảo vệ bằng cách “gửi” nhờ ở nhà một người nào đó uy tín trong làng, và chỉ khi có lễ hội, sự kiện mới dám đem ra.

Là một trong những nhà sưu tập cổ vật có tên tuổi ở Huế, anh Nguyễn Hữu Hoàng cho biết, tình trạng mất trộm cổ vật ở các đình, chùa, nhà thờ họ tộc trong những năm gần đây diễn ra rất phổ biến. Trong sự nghiệp của mình, anh Hoàng từng được nhiều nhà thờ họ tộc, đình làng nhờ đi tìm lại những cổ vật bị mất cắp.

Anh Hoàng kể năm 2008, nhà thờ họ Nguyễn phái thứ 3 của làng Dương Nổ (huyện Phú Vang) bị mất một cặp liễn bằng gỗ khảm trai vô cùng giá trị. Qua rất nhiều đầu mối, cuối cùng anh Hoàng cũng tìm được dấu tích của cặp liễn từ một người sưu tầm khác, và người này kể rằng đã mua được từ một nhóm thanh niên. Sau đó, đại diện nhà thờ họ Nguyễn phái thứ 3 đã đến xin chuộc lại, người mua tự nguyện trả và chịu mất phần tiền đã mua từ những kẻ ăn trộm.

Một trong số 12 bức liễng quý bằng gỗ mà đối tượng Nguyễn Viết Tuấn ăn trộm tại đình làng Xuân Hoà (số 86 đường Nguyễn Phúc Nguyên, phường Hương Long, TP.Huế). Ảnh: CA cung cấp

Cần có phương án bảo tồn, bảo quản

TS. Trần Đình Hằng - Phân viện trưởng Phân viện Văn hóa nghệ thuật Quốc gia tại Huế cho hay, gia tộc và làng xã là 2 môi trường có tính chất, vai trò nền tảng trong việc định hình nên cơ sở luân lý và pháp lý của xã hội Việt Nam truyền thống. Điều đó càng đặc biệt nổi bật ở vùng kinh sư Huế, bởi những tác động mạnh mẽ, trực tiếp của triều đình.

Chính nhờ vậy mà đồ tự khí, hương hỏa, tam bảo luôn được bảo vệ và nâng niu trong tính nhân văn của lòng người, tính nghiêm minh của luật pháp và nhất là tính thiêng của đời sống tư tưởng, trao truyền qua bao thế hệ và trở thành những cổ vật quý giá đi cùng lịch sử gia tộc, làng xã. Một khi gia tộc và làng xã không còn là đơn vị xã hội căn bản nữa thì những hàng rào bảo vệ từ lòng người, luật pháp cho tới tính thiêng sẽ dễ bị phá vỡ, tổn thương nghiêm trọng và hoàn toàn không còn điều kiện để bảo vệ di sản đặc biệt này trước vô vàn những mối nguy cơ đe dọa từ bên trong, lẫn bên ngoài.

Điểm khó là hiện nay là các di sản đang rơi tự do, chưa được ngành văn hóa thống kê đánh giá và có phương án bảo tồn, bảo quản phù hợp mà hoàn toàn tùy thuộc vào hoàn cảnh, điều kiện mỗi gia đình, làng xã. Đáng lo ngại là với tình trạng  săn lùng và đi kèm là trộm cắp hiện nay, cổ vật càng có nguy cơ bị mất.

Vấn đề đặt ra hiện nay là khi ngành văn hóa chưa có điều kiện thì tự thân các gia tộc và làng xã có thể mời chuyên gia thẩm định sơ bộ, từ đó có ý thức và cách bảo quản, bảo vệ phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh. Thậm chí, cũng hoàn toàn có thể công bố, đăng ký bộ sưu tập với ngành văn hóa để chính thức có sự chứng nhận quyền sở hữu để tránh nguy cơ bị trộm cắp”, TS. Hằng nhấn mạnh.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn