MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Huế đang là nơi thấp thoáng những bí ẩn cần sự khám phá. Ảnh: Nguyễn Hữu Thông

Huế đang là nơi thấp thoáng những bí ẩn cần khám phá

Nguyễn Hữu Thông LDO | 28/10/2020 15:13
Phải công bằng mà nhận xét, người Huế mến mộ và yêu chiều quá khứ, nên họ sẵn sàng phản đối những gì làm xô lệch hiện trạng, nhất là điểm gắn một cách máu thịt với những gì lưu lại bởi thời gian, thuở hoàng kim của dải đất kinh kỳ.

Huế đang cạnh tranh bằng sở đoản

Việc thừa nhận theo thói quen để đánh giá sự phát triển của một đô thị, từ nhiều lý do, chúng ta thường bị lệch chuẩn bởi sự hào nhoáng của nhiều cao ốc, phương tiện dân sinh, ánh sáng, màu sắc và tính đổi thay đến choáng ngợp trong mắt nhìn so sánh theo chiều thời gian với hình ảnh cũ… Điều này không sai, nhưng, nếu Huế cứ chen chúc xây đựng bất chấp ở khu trung tâm bằng cách giành giựt những khoảng không gian trống; hoặc triệt giải những kiến trúc cổ thời thuộc địa để thay vào đó bằng những dự án cao ốc nhằm đổi mới Huế, thì vô tình, chúng ta đang lấy sở đoản của mình cạnh tranh. Hoặc bị cuốn vào “cuộc chơi” sở trường của những thành phố trẻ.

Theo tôi, Huế sẽ trở thành một vùng đất khó quên khi ghé đến, một điểm hút đối với du khách mỗi lần dừng chân, nếu chúng ta tập trung sự quan tâm một cách chí tình và khoa học trong 3 vấn đề sau:

Cảnh quan: Mỗi quyết sách tô điểm không gian thiên nhiên cho Huế phải được phân tích bằng một hệ lý thuyết được xây dựng trên những luận chứng về khoa học cảnh quan (cây xanh, hoa, chiếu sáng, lề đường, công viên...), để từ đó có thể tôn tạo những nét đẹp vốn có và rất đặc thù của thành phố này một cách hợp lý, chứ không phải là những quyết định mang chất cảm tính hay dễ dãi đáp ứng với những gì mình vốn có sẵn.

Di tích văn hoá: Dù muộn nhưng chúng ta phải bắt đầu đến với di tích bằng quan niệm đó không chỉ là kiến trúc và khuôn viên độc lập cho chính nó. Mỗi di tích đều là một “thành viên” liên quan không chỉ làm đẹp chính mình mà phải đặt nó trong mối liên kết với một tổng thể hoàn chỉnh và đúng nghĩa của một thành phố di sản. Vì vậy, trong quy hoạch tổng thể phải giữ cho được một Huế yên tĩnh, trong lành cổ kính và một Huế khác lộng lẫy sôi động ở khu đô thị mới.

Con người và văn hoá Huế: Tại sao Huế hiện hữu một cách phong phú và tràn ngập trong nhiều áng văn chương, thơ, nhạc… từ các nghệ sĩ khắp nơi khi đến Huế, chứ không riêng gì cư dân tại chỗ? Hẳn nhiên, không chỉ do cảnh sắc Huế đẹp mà tính cách con người ở đây đã đóng một vai trò không nhỏ. Những gì làm nên tính cách người Huế, lễ nghĩa, thong thả, thâm trầm, nền nếp... đã từng lan toả khắp mọi nơi, nay đang lặng lẽ mất dần để thay vào đó là sự hoà tan một cách đáng tiếc vào những xu thế của lối sống thực dụng, vội vã và cứ luôn bị ám ảnh sợ bị tụt hậu so với kẻ khác...

Thấp thoáng bí ẩn cần khám phá

Tôi thì hoàn toàn không có ý phản đối, nhưng thật lòng không hào hứng với những phong trào “vực Huế dậy” “đánh thức Huế” “làm mới Huế” bằng những logo rất kêu như “Huế: kinh đô áo dài” “Huế: kinh đô ẩm thực” “Huế: thành phố không còi xe” “Huế: thành phố không khói thuốc” “Huế: thành phố bốn mùa hoa”... Huế trong tôi luôn khiêm tốn ẩn chứa một sự kiêu hãnh ngầm. Huế trong tôi luôn bí ẩn và buộc mọi người phải khám phá. Huế trong tôi thâm trầm, từ tốn và không bị cuốn vào một cách vội vã mọi xu hướng nhất thời. Huế không mặc cảm vì nghèo, mà chỉ nuối tiếc điều sang trọng ẩn tàng trong hệ ứng xử đang dần bị đánh mất. Đó chính là cái riêng và chất thu hút không cùng của thành phố này.

Một mâm cơm nguyên liệu đạm bạc nhưng không ai dám coi thường đó là một bữa ăn bình dân; chiếc áo dài không chỉ là thân thể với y phục mà còn là dáng điệu, phong thái hoà hợp một cách tuyệt vời với người mặc nó; khu vườn Huế mới nhìn qua tưởng như vườn tạp hay vườn rừng, nhưng nó ẩn chứa cả một triết lý nhân sinh và cách đối đãi của chủ nhân và thiên nhiên nơi mình sinh sống; lời thưa, tiếng dạ không phải là sự khép nép, khiêm cung và tuỳ ngữ cảnh có khi đó là một sự phủ định, từ chối nghiêm khắc và quyết liệt.

Rồi tự nó sẽ toả sáng và Huế tự nó sẽ tạo nên hấp lực, bên cạnh những điều giới thiệu mình một cách khiêm tốn nhưng không phải không ẩn chứa niềm kiêu hãnh. Tất cả những điều ấy bộc lộ cái “tĩnh” của Huế bên cạnh cái “sâu” của Hà Nội và cái “động” của Sài Gòn. Những gì riêng có đầy ấn tượng của Huế chính là các “mảnh ngọc bích” đang bị vỡ vụn trong không gian lẫn thời gian, chúng ta nhất thiết phải tìm lại nếu chúng đã mất, phải nuôi dưỡng nếu chúng đang trên đà mai một và phải phát triển những gì chúng đang được duy trì.

Tôi muốn được nhấn mạnh một lần nữa, giữ gìn giá trị của những nền nếp cũ không phải là động thái quay lại ngưỡng mộ quá khứ, mà là một cách dọn đường đầy trí tuệ để xác lập cái riêng trên nền dự phóng tương lai. Tất nhiên, chúng ta không quên tận hưởng những giá trị đương đại để bồi đắp cho những gì vốn có trở nên hoàn hảo nhất trong điều kiện có thể. Nếu không từng chứng kiến, không có ký ức, kỷ niệm về những giá trị mà chúng ta đã từng thủ đắc, thì hãy cùng nhau tìm lại, đọc lại, nghe lại... để biết mình đã bỏ rơi khỏi tầm tay những gì đáng quý lúc nào và tại sao... Để từ đó biết tiếc nuối, biết tự hào và cùng nhau khôi phục lại bằng nhiều cách.

Điểm hấp dẫn của du lịch, ấn tượng về nét đặc trưng văn hoá, suy cho cùng, đó là sự khác biệt mang tính tích cực… Và Huế đang là nơi thấp thoáng những bí ẩn cần sự khám phá…

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn