MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Phim “Gái già lắm chiêu 5” có nhiều cảnh quay tại Huế. Ảnh chụp lại từ trailer của phim

Huế mộng, điểm đến mơ ước của các nhà làm phim

Việt Văn LDO | 17/11/2021 11:24

Xứ Huế mộng mơ đẹp như một bài thơ với “nét dịu dàng pha lẫn trầm tư” là nguồn cảm hứng của biết bao nhà văn, nhà thơ, họa sĩ và dĩ nhiên không thể nào bị các nhà làm phim bỏ quên. Có nhiều bộ phim hay làm về đất Thần Kinh và tại Liên hoan phim Việt Nam (LHPVN) lần thứ 22 này, điều thú vị là cả ba mảng phim truyện, phim tài liệu, hoạt hình đều có những phim có câu chuyện, bối cảnh tại Huế.

Ký ức trở về

Khó có thể kể ra hết những phim truyện, phim tài liệu hay về Huế, chỉ xin điểm qua vài bộ phim truyện điện ảnh lưu lại đậm nét trong ký ức của khán giả.

Còn nhớ phim “Cô gái trên sông” của đạo diễn, NSND Đặng Nhật Minh (một người Huế) giành giải Bông sen bạc, còn diễn viên, NSND Minh Châu đạt giải nữ diễn viên chính xuất sắc nhất tại LHPVN lần thứ 8 năm 1988, mang tính đột phá về nội dung tư tưởng và nghệ thuật thể hiện. 

Phim được quay trên dòng sông Hương (Huế) với nhân vật chính là Nguyệt cô gái giang hồ đã cứu thoát một cán bộ cách mạng khỏi sự vây ráp của kẻ thù trong chiến tranh. Miền Nam giải phóng, cô tìm lại cố nhân nhưng người cán bộ đã phũ phàng quay mặt… Đạo diễn Đặng Nhật Minh cho biết cô gái trong phim chính là hình ảnh cô gái sông Hương trong bài thơ của nhà thơ Tố Hữu. Và ông đã mời nhạc sĩ Trịnh Công Sơn cũng là một người con xứ Huế làm nhạc cho phim. Phim xuất hiện thời điểm đó như một “quả bom” vì hiếm hoi mới có một phim nói về sự phản bội của anh cán bộ cách mạng. Phim lúc đầu bị nhiều người lên án, quy kết vì cho là bôi nhọ chiến sĩ cách mạng nhưng sau đó được thừa nhận như là một tác phẩm dũng cảm, khẳng định đường lối đổi mới văn nghệ của Đảng ta. Ngay cảnh”nóng” trên sông hồi đó cũng được coi như sự dũng cảm và đạo diễn rồi quay phim phải thuyết phục mãi diễn viên chính mới chịu mà cũng chỉ “nóng” ở liều lượng cho phép.

“Cô gái trên sông” đã trở thành một trong những tác phẩm xuất sắc nhất của đạo diễn Đặng Nhật Minh.

Phim “Trăng nơi đáy giếng” của Đạo diễn, NSƯT Vinh Sơn đã đoạt Bông Sen Bạc, và nữ diễn viên xinh đẹp Hồng Ánh đã nhận giải nữ diễn viên chính xuất sắc nhất tại LHPVN lần thứ 16 năm 2009. Dựa theo truyện ngắn của nhà văn Trần Thùy Mai, bộ phim là tiếng thở dài xót xa cho thân phận người phụ nữ hy sinh vì chồng để rồi hạnh phúc trôi qua, sống một mình chỉ biết lấy văn hóa tâm linh làm điểm tựa - qua nhân vật cô giáo Hạnh…

Những góc máy quay tĩnh trong một nhịp phim chầm chậm trôi qua một cách chủ ý, khán giả ngồi lặng đi và chìm đắm trong một câu chuyện buồn. Đạo diễn Vinh Sơn đã sử dụng nhiều chi tiết ẩn dụ và kết hợp khá nhuần nhuyễn giữa hình ảnh, âm nhạc và mỹ thuật để tạo nên một bộ phim thâm trầm, tinh tế mà nhiều nhà phê bình cho là gần với phong cách đạo diễn nổi tiếng Nhật bản Ozu. Hình ảnh cô giáo Hạnh lần lượt đóng từng cánh cửa như tự giam mình trong thế giới riêng cách biệt hẳn với bên ngoài như vết dao cứa vào lòng khán giả.

Trong phim, những nét văn hóa, kiến trúc Huế được thể hiện ở ngôi nhà rường cũng như đặc tính của người phụ nữ Huế bộc lộ rõ qua những cử chỉ chăm sóc tinh tế của Hạnh với chồng từ việc ướp sen, dậy sớm pha trà cho chồng uống, lo cho chồng đánh răng, rửa mặt rồi ăn sáng… Nhiều yếu tố văn hóa tâm linh và tín ngưỡng của người Huế nói riêng và người Việt nói chung cũng xuất hiện trong phim khá đậm nét.

Trước đó, năm 1989, Tuổi thơ dữ dội” - bộ phim đầu tay cũng của đạo diễn Vinh Sơn dựa trên tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Phùng Quán, lấy bối cảnh phim là chiến trường Huế những năm 40, khi những cậu bé 9, 10 tuổi không được đến trường mà phải lăn lộn trong cuộc chiến. Sự hồn nhiên và lòng yêu nước của những cậu bé làm người xem nhớ mãi… Bộ phim giành nhiều giải thưởng điện ảnh lớn như Giải Bông sen Bạc năm 1990, Giải Đạo diễn xuất sắc nhất và Giải Nam diễn viên chính xuất sắc nhất tại Liên hoan phim VN năm 1990….

Và hình ảnh Huế tại LHPVN lần thứ 22

Phim truyện dự thi LHP 22 có bối cảnh quay tại Huế có ba tác phẩm “Mắt biếc”, “Kiều” và “Gái già lắm chiêu 5”. Ngay sau khi phát hành, “Mắt biếc” của đạo diễn Victor Vũ đã gây cơn sốt tại Huế và những điểm quay tại Huế nơi diễn ra mối tình Ngạn và Hà Lan ngày càng “hot” trở thành những điểm check-in lý tưởng của các bạn trẻ ngay từ quán cà phê “Mắt biếc” ở Bao Vinh. Và những khung cảnh lãng mạn của Huế được đưa lên phim rõ ràng đã đem lại hiệu ứng tích cực, nó giống như khách du lịch đến Phú Yên tăng lên sau bộ phim “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” của cùng đạo diễn tài hoa Victor Vũ.

 “Kiều” của đạo diễn Mai Thu Huyền với gần 70% bối cảnh quay tại Huế vì thế đoàn làm phim cũng có buổi giao lưu với khán giả tại Huế và nhận được sự tán thưởng về nỗ lực của đoàn dù về chất lượng nghệ thuật còn nhiều tranh cãi.

“Gái già lắm chiêu 5: Những cuộc đời vương giả” của cặp đạo diễn Bảo Nhân - Nam cito - 1 phim “cung đấu” với bối cảnh xa hoa, “sang chảnh” của chị em nhà Lý gia được quay nhiều điểm tại Huế như Cung An Định, Lầu Ngũ Phụng, Ngọ môn, Duyệt Thị Đường, cầu Dã Viên, Lăng Minh Mạng… Những lăng tẩm, cung điện, đền đài mang màu sắc hoàng tộc, sang trọng, uy nghi và cũng nhuốm màu thời gian với nhiều trầm tích văn hóa, trong đó, quần thể di tích Đại Nội Huế đã được UNESCO công nhận Di sản Văn hóa Thế giới, địa điểm diễn ra nhiều cảnh quay quan trọng của phim.

Phim tài liệu năm nay cũng có nhiều phim có đề tài hoặc bối cảnh quay tại Huế có nội dung và chất lượng tốt. Từ phim tài liệu nghệ thuật - Tài liệu dàn dựng (như chữ dùng của đoàn làm phim) “Đại thi hào Nguyễn Du” của đạo diễn Nguyễn Văn Đức quy tụ hơn 50 diễn viên và hơn 1.000 diễn viên quần chúng, được sản xuất theo phương thức xã hội hoá, với kinh phí khoảng 15 tỉ đồng. Đến các phim như “Trong bóng áo dài”, “Vũ điệu phượng hoàng”, “Xứ Huế và Áo dài”, đều không phải phim Nhà nước đặt hàng.

Sự trở lại của nhà quay phim, NSND Nguyễn Hữu Tuấn với phim thứ hai “Trong bóng áo dài” làm về Đạo diễn, NSƯT Xuân Phượng. Bà Xuân Phượng sinh năm 1929 ở Huế, năm nay 93 tuổi, là đạo diễn các phim tài liệu “Việt Nam và chiếc xe đạp” (1974), “Khi tiếng súng vừa tắt” (1975), “Khi những nụ cười trở lại” (1976), “Hai tiếng quê hương” (1978), “Tôi viết bài ca hồi sinh” (1979)… và tác giả cuốn hồi ký “Gánh gánh gồng gồng” được bà viết lại từ cuốn hồi ký “Áo dài” đã xuất bản bằng tiếng Pháp năm 2001 và sau đó được in lại tiếng Anh ở một số quốc gia. Cuốn hồi ký của đạo diễn Xuân Phượng đã đoạt giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam và giải của Hội Nhà văn TP.Hồ Chí Minh năm 2020.

Mảng phim hoạt hình 3D “Mảnh ghép của rồng” của họa sĩ Nguyễn Quang Trung là một phim tôn vinh những giá trị văn hóa truyền thống ở Huế. Nhân vật Rồng trong phim, được tác giả sử dụng phù điêu rồng ở đền Đức Thánh Trần sau đó đối chiếu với tượng Rồng bằng đồng bên ngoài nhà hát Duyệt Thị Đường để xây dựng thành nhân vật. Đặc biệt hình ảnh vảy của Rồng là sự kết hợp giữa chất liệu những chiếc đĩa sứ trang trí lăng Kiên Thái Vương và một số nguồn tư liệu khác.

Đây là phim  Nguyễn Quang Trung vừa là biên kịch - đạo diễn, vừa là họa sĩ tạo hình - họa sĩ diễn xuất lại vừa làm dựng phim - âm thanh.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn