MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Huế đã và đang có những bước đi cơ bản để biến di sản thành tài sản phục vụ phát triển. Ảnh: Tường Minh

Huế với mục tiêu biến di sản thành tài sản

Tường Minh LDO | 08/06/2023 06:52

Huế sở hữu nhiều di sản và đã, đang thực hiện các bước để “biến di sản thành tài sản”, “biến tiềm lực thành nguồn lực” để phục vụ phát triển theo như chỉ đạo mới nhất của Thủ tướng Chính phủ.

7 di sản được UNESCO vinh danh

Tại Thông báo số 137 của Văn phòng Chính phủ về kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế mới đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế bảo vệ và phát huy di sản văn hóa, giá trị văn hóa truyền thống, đặc trưng của các dân tộc và con người Thừa Thiên Huế; “biến di sản thành tài sản”, “biến tiềm lực thành nguồn lực” để phục vụ phát triển.

Chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ dựa trên cơ sở hiện nay, tỉnh Thừa Thiên Huế đang sở hữu và đồng sở hữu 7 di sản được UNESCO vinh danh; gần 1.000 công trình được kiểm kê, trong đó có 3 di tích cấp quốc gia đặc biệt, 89 di tích cấp quốc gia, 94 di tích cấp tỉnh và 3 di sản đã được Bộ VHTTDL đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đồng thời, Huế đang xây dựng và phát huy giá trị thương hiệu “Huế - Kinh đô áo dài”, “Huế - Thành phố của lễ hội”, “Huế - Kinh đô ẩm thực”, “Festival bốn mùa” nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Theo ông Hoàng Việt Trung - Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, thời gian qua, công cuộc bảo tồn, trùng tu di tích Huế, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể, tôn tạo cảnh quan môi trường tại khu di sản Huế luôn được chú trọng và gắn liền với việc đẩy mạnh trao đổi hợp tác quốc tế, ứng dụng thành tựu khoa học bảo tồn và phát triển nguồn nhân lực.

Đây là một trong những lĩnh vực hoạt động mà Huế đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, công cuộc vận động quốc tế do UNESCO phát động đã đem lại cho di sản văn hóa Huế những giúp đỡ thiết thực và hiệu quả: Hơn 10 Chính phủ, 30 tổ chức phi Chính phủ, 10 tổ chức quốc tế đã có quan hệ và tài trợ về kĩ thuật cho di tích Huế. Trong giai đoạn 2017 - 2021, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đã tiến hành triển khai thực hiện 103 dự án tu bổ, tôn tạo, phục hồi di tích với quy mô đầu tư là 913,28 tỉ đồng.

Tiếp tục “cuộc di dân lịch sử”

Cũng theo ông Hoàng Việt Trung, đối với di sản văn hóa phi vật thể, Trung tâm đã tập trung nghiên cứu, bảo tồn và phát huy hiệu quả các giá trị đối với 3 di sản tư liệu thế giới: Châu bản triều Nguyễn, Mộc bản triều Nguyễn; Thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế. Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế cũng đã chủ động phối hợp với các cơ quan hiện đang lưu trữ Mộc bản, Châu bản để tổ chức các đợt triển lãm, trưng bày các di sản tư liệu trên tại không gian của Hoàng cung Huế. Hợp tác với UNESCO đổi mới và mở rộng các hình thức quảng bá, tuyên truyền nhằm giới thiệu đến với công chúng trong và ngoài nước tiếp cận, hiểu được giá trị nội dung, ý nghĩa của tư liệu.

Giới thiệu đến du khách trong và ngoài nước về những giá trị di sản đặc sắc của Nhã nhạc, còn tổ chức nhiều đợt biểu diễn tại các thành phố lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và nhiều tỉnh thành trong cả nước nhân dịp các sự kiện lớn của quốc gia và địa phương. Tham gia các festival và chương trình giao lưu nghệ thuật tại một số quốc gia châu Âu (như Pháp, Bỉ, Thụy Sĩ, Ý, Tây Ban Nha, Đức, Áo…) và châu Á (Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Lào…) đã để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp.

Đặc biệt, tỉnh Thừa Thiên Huế tiếp tục thực hiện giai đoạn 2 của “cuộc di dân lịch sử” khi xúc tiến việc mở rộng phạm vi đề án “Di dời dân cư, giải phóng mặt bằng khu vực 1 di tích Kinh thành Huế thuộc quần thể di tích cố đô Huế”.

Theo ông Nguyễn Văn Phương, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, các khu vực di tích được giải phóng mặt bằng tới đây bao gồm: Trấn Hải Thành, chùa Thiên Mụ, Văn Miếu, Võ Miếu, Hổ Quyền, Điện Voi Ré, Lăng Dục Đức, Đàn Nam Giao, lăng Tự Đức, lăng Đồng Khánh, điện Hòn Chén, lăng Thiệu Trị, lăng Khải Định, lăng Minh Mạng, lăng Gia Long, lăng Cơ Thánh, lăng Trường Cơ, lăng Vạn Vạn, Quốc Tử Giám... thuộc địa bàn 10 xã, phường trên địa bàn thành phố Huế.

Phạm vi thực hiện các khu vực khoảng 62,8 ha, với tổng số hộ khoảng 1.239 hộ (413 hộ chính và 826 hộ phụ), tổng số nhân khẩu khoảng 3.717 khẩu. Dự kiến đề án này sẽ triển khai vào cuối năm 2023 sau khi được Chính phủ cho phép áp dụng khung chính sách để thực hiện.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn