MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Hướng dẫn viên du lịch giới thiệu về di tích Văn Miếu Quốc Tử Giám. Ảnh: NGUYỄN NAM

Hướng dẫn viên du lịch vượt khó mùa dịch

NGUYỄN HỒNG LDO | 22/04/2020 06:53

Du lịch Việt là một trong những ngành chịu ảnh hưởng nặng nề từ tác động mùa dịch bệnh COVID-19, nhiều hoạt động ngừng trệ đồng nghĩa với việc hướng dẫn viên du lịch (HDVDL) phải đối mặt với quá nhiều khó khăn.

Thu nhập 0 đồng…

Chưa bao giờ ngành Du lịch thế giới lại rơi vào khủng hoảng, sụt giảm và tổn thất như đầu năm 2020. Ước tính trong 3 tháng, ngành Du lịch Việt Nam sẽ thiệt hại khoảng 5,9 đến 7 tỉ USD. Tuy nhiên, con số này chỉ là dựa vào số liệu thiếu hụt khách nhân với mức chi tiêu bình quân, còn thực tế phải cao hơn nhiều do không tính được hết các thiệt hại liên quan. 

Hoạt động ngừng, các doanh nghiệp du lịch cắt giảm nhân sự, cho nhân viên tạm nghỉ không lương để giảm phần nào chi phí. Đặc biệt, HDVDL đa phần hoạt động theo mùa vụ phải đối mặt với nhiều khó khăn. Theo thống kê, 90% trong tổng số HDVDL hoạt động hiện nay với gần 27.000 người là hoạt động tự do, không thuộc sự quản lý của bất cứ đơn vị lữ hành nào.

Ông Lại Văn Quân - một HDVDL có thâm niên - cho hay, tour cũ đã hủy, tour mới chưa biết đến khi nào khởi động lại đồng nghĩa với việc hầu hết các HDVDL rơi vào cảnh thất nghiệp. “Vì là hoạt động tự do nên đa phần HDVDL không đóng bảo hiểm, vì vậy nguồn thu nhập trong vài tháng không có, đa phần mọi chi tiêu sinh hoạt phí đều dựa trên chính tiền tích lũy dành cho tuổi già của mình” - ông Quân ngậm ngùi nói.

Vào mùa cao điểm như dịp lễ Tết, nhiều HDVDL có thể kiếm một khoản thu nhập tương đối từ tiền lương, tiền tips của khách và phần trăm từ đơn vị kinh doanh du lịch… Thế nhưng hơn 3 tháng qua, nhiều HDVDL có chung cảnh ngộ với các lao động tự do khác, ngắc ngoải với nguồn thu là con số 0. Để có thể tồn tại, một số phải xoay muôn vàn cách “vượt khó”. Có người lựa chọn trở về quê sống để tiết kiệm, số khác chuyển hướng làm việc “tay trái” như bán hàng online, chạy Grab giao hàng…

Có trường hợp khá đặc biệt, như anh Đoàn Xuân Hiệp, một HDVDL trẻ tuổi đã xung phong vào khu cách ly Pháp Vân - Tứ Hiệp (Hoàng Mai, Hà Nội) để hỗ trợ phiên dịch cho những người mắc bệnh COVID-19. “Là một HDVDL tự do, công việc của tôi dừng từ khi dịch bệnh diễn biến nghiêm trọng. Ở nhà mãi cũng chán nên khi đọc được thông tin Sở Ngoại vụ Hà Nội kêu gọi những HDVDL tình nguyện vào khu cách ly tập trung để phiên dịch cho người nước ngoài, tôi đăng ký ngay vì nghĩ rằng mình có thể giúp được gì đó cho xã hội” - Đoàn Xuân Hiệp chia sẻ. 

Ở lại khu cách ly tới 19 ngày để đồng hành và hỗ trợ cho việc phiên dịch, anh Hiệp chỉ về khi những người nước ngoài cuối cùng được công bố an toàn để rời khu cách ly Pháp Vân - Tứ Hiệp. Cũng theo anh Đoàn Xuân Hiệp, công việc làm phiên dịch tại khu cách ly tập trung ngoài việc hỗ trợ phần nào cho những bệnh nhân ngoại quốc và y bác sĩ, HDVDL còn có thêm cơ hội trau dồi kỹ năng, bổ sung kiến thức, tăng vốn ngoại ngữ nhằm phục vụ khách du lịch được tốt hơn sau này.

Và mong mỏi vào chính sách hỗ trợ

Dịch bệnh kéo dài chưa biết đến khi nào ngành Du lịch mới có thể phục hồi, nhiều HDVDL đều có chung mong mỏi nhận được phần nào chính sách hỗ trợ để có thể bảo đảm cuộc sống tối thiểu trong giai đoạn khó khăn. 

Ngày 9.4.2020, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 42/NQ-CP về các biện pháp hỗ trợ cho 6 nhóm đối tượng, trong đó có nhóm người lao động làm việc theo chế độ hợp đồng lao động buộc phải nghỉ việc không hưởng lương từ 1 tháng trở lên do các doanh nghiệp gặp khó khăn trong mùa dịch, được hỗ trợ với mức 1,8 triệu đồng/tháng.

Theo ông Lại Văn Quân, bản thân ông may mắn hơn các HDVDL khác khi thuộc diện lao động có hợp đồng, tức là sẽ được nhận gói hỗ trợ 1,8 triệu đồng/tháng. Thế nhưng sau khi thực hiện mọi thủ tục cần thiết, ông vẫn chưa biết khi nào việc hỗ trợ triển khai và nhận được tiền. Với những HDVDL không có hợp đồng việc làm, không nằm trong bất cứ nhóm đối tượng thụ hưởng nào để nhận hỗ trợ, trong văn bản góp ý mới đây của Văn phòng Chính phủ cho dự thảo thực hiện Nghị quyết số 42 đã đề xuất Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội xem xét bổ sung các HDV tham gia Hội HDVDL vào nhóm đối tượng cần được hỗ trợ.

Ông Đặng Thanh Tùng - GĐ Cty CP Du lịch Tân Thế giới (New World Travel) - có quan điểm rằng, nhiều văn bản, quy định yêu cầu HDVDL phải ký hợp đồng việc làm với các công ty lữ hành hay trung tâm HDVDL nhưng đa số vẫn lựa chọn hoạt động tự do. “HDVDL là đối tượng bị ảnh hưởng trực tiếp và nặng nề khi thất nghiệp vào mùa dịch bệnh nên việc đưa vào nhóm lao động cần hỗ trợ là điều cấp thiết. Hiện tất cả mới chỉ dừng lại ở đề xuất, chưa được triển khai và lúc nào thực hiện, điều đầu tiên là nên cân nhắc tinh gọn, giản lược mọi thủ tục để người lao động tự do nhận gói trợ cấp kịp thời và nhanh chóng” - ông Tùng ý kiến.  

Ngày 20 và 21.4, Chi hội Hướng dẫn viên du lịch TPHCM (HTGA) đã phối hợp cùng Hiệp hội Du lịch TPHCM, Cty CP Dịch vụ du lịch và thương mại TST và Hội doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao gửi tặng 200 phần quà cho 100 HDV và 100 HDV không thuộc Hội viên HTGA. TPHCM có khoảng 5.000 HDV, mới chỉ có 514 HDV đăng ký tham gia, một số ít ký hợp đồng với các công ty lữ hành còn lại gần như là tự do. HTGA vẫn tiếp tục khuyến khích HDV tự do đăng ký tham gia sinh hoạt với hội để có thể giao lưu, trao đổi nghiệp vụ đồng thời nhận hưởng các quyền lợi khác.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn