MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Hướng tới Hội nghị Văn hoá toàn quốc: Đưa văn học Pháp đến gần với độc giả

Mai Hương (Thực hiện) LDO | 23/11/2021 16:31

TS.Trần Văn Công - Trưởng Khoa tiếng Pháp, Trường Đại học Hà Nội - đã chia sẻ với Lao Động về vị trí, vai trò của văn học Pháp tại Việt Nam nhân dịp hướng đến Hội nghị Văn hoá toàn quốc.

Vào tháng 5 vừa qua, TS.Trần Văn Công - Trưởng Khoa tiếng Pháp, Trường Đại học Hà Nội - vinh dự được Đại sứ quán Pháp trao Huân chương Hiệp sĩ Nghệ thuật và Văn học của Bộ Văn hóa Pháp.

Với 30 năm gắn bó với hoạt động truyền bá ngôn ngữ và văn hóa Pháp, TS.Trần Văn Công đã có những đóng góp trong hành trình lan toả văn hoá, nghệ thuật Pháp ở Việt Nam.

Hướng tới Hội nghị Văn hoá toàn quốc, Báo Lao Động đã có cuộc phỏng vấn riêng với TS.Trần Văn Công để hiểu thêm về vị trí, vai trò của văn học Pháp tại Việt Nam.

- Thưa TS. Trần Văn Công, với tư cách là một nhà nghiên cứu văn học Pháp, một dịch giả văn học, ông có thể chia sẻ suy nghĩ của mình về con đường đưa văn học Pháp đến với Việt Nam?

Pháp là một trong những đất nước có nền văn học nghệ thuật phát triển rực rỡ hàng đầu, cống hiến cho nhân loại nhiều tác phẩm kinh điển, những trào lưu, tư tưởng có sức lan tỏa, ảnh hưởng rộng khắp trên toàn thế giới. Quá trình thuộc địa hóa Đông Dương của Pháp đã để lại những dấu ấn rõ rệt trên nhiều lĩnh vực: Kiến trúc, nghệ thuật, ngôn ngữ, văn học và phong cách sống.

Nhiều người trong thế hệ học sinh “trường Tây” cũng trở thành những dịch giả đầu tiên chuyển thể các tác phẩm văn học kinh điển từ tiếng Pháp sang tiếng Việt. Sự ra đời của những tờ báo như Đông Dương Tạp chí và Nam Phong Tạp chí… vào đầu thế kỷ 20 đã tạo một sự chuyển biến rõ rệt trong đời sống tinh thần của giới trí thức Việt Nam thời kỳ đó. 

Có thể kể đến các tác giả thời Phục hưng như Ronsard, các tác giả Cổ điển như Descartes, Boileau, Corneille, Molière, La Fontaine, các tác giả Khai sáng như Montesquieu, Diderot, Rousseau, các tác giả Lãng mạn như Hugo, các tác giả Hiện thực như Maupassant, Balzac…

TS.Trần Văn Công - Trưởng Khoa tiếng Pháp, Trường Đại học Hà Nội. Ảnh: HANU

Qua đó, độc giả Việt Nam được biết đến các nhà văn đương đại như Albert Camus, Jean-Paul Sartre, André Gide, Françoise Sagan, André Maurois, Saint-Exupéry… Không những thế, văn học Pháp được biết đến rộng rãi nhờ những bài viết về Nathalie Sarraute, Michel Butor, Sartre, Camus, Alain Robbe Grillet… được đăng trên báo.

- Như vậy, văn học Pháp đã thâm nhập vào đời sống văn hóa tinh thần của người Việt Nam không chỉ trong thời kỳ thuộc địa mà cả những năm sau này. Vậy văn học Pháp đã có tác động như thế nào đến sự chuyển biến của văn học Việt Nam?

Có thể nói, việc dịch và giới thiệu các tác phẩm văn học Pháp đã giúp độc giả Việt Nam khám phá một lối viết mới khác lạ, những hệ tư tưởng triết học hợp với xu thế phát triển của xã hội. Qua đó, độc giả Việt Nam cũng được làm quen với tiểu thuyết, một thể loại ít được biết đến vào đầu thế kỷ 20. Bản dịch tiểu thuyết "Tê-lê-mạc phiêu lưu ký của Fénélon", "Bá tước Mông-xích-tô" và "Truyện ba người ngự lâm pháo thủ" của Dumas, "Những sự bí mật của thành Ba Lê" của Eugène Sue được coi như một phát hiện quan trọng trong đời sống sáng tác văn học ở Việt Nam.

Sau đó, bản dịch nhiều cuốn tiểu Pháp lần lượt được giới thiệu với khán giả Việt Nam như "Truyện miếng da lừa" của Balzac, "Những kẻ khốn nạn" của Hugo… Việc tiếp xúc với văn học Pháp đã góp phần tạo ra một thế hệ nhà văn viết tiểu thuyết mới.

Như vậy, văn học Pháp có thể được coi như tác nhân tạo sự chuyển mình trong văn xuôi và thơ ca Việt Nam thế kỷ 20. Chỉ trong một thời gian ngắn, văn xuôi và thơ ca Việt Nam đã mang tính hiện đại cả về nội dung và hình thức.

- Theo ông, văn học đương đại Pháp có ảnh hưởng đến văn học Việt Nam như trước kia hay không?

Kể từ khi Việt Nam thực hiện chính sách mở cửa, các nền văn học trên thế giới du nhập mạnh mẽ hơn, trong đó có văn học Pháp đương đại với nhiều nhà văn nổi tiếng như Patrick Modiano, Marguerite Duras, Michel Houellebecq, Laurent Gaudé, Anna Gavalda, Muriel Barbery, Daniel Pennac, Eric-Emmanuel Schmitt… Những nhà văn best-seller như Marc Lévy, Guillaume Musso… thậm chí còn tạo nên những cơn sốt đối với độc giả Việt Nam mỗi khi một tác phẩm mới của họ được dịch và xuất bản bằng tiếng Việt.

Tuy nhiên, các nhà văn Pháp từ cuối thế kỷ 20 đến nay thường thể hiện cái tôi văn học riêng của mình, khiến cho việc xếp họ theo những trào lưu, trường phái gần như là điều không thể. Do đó khó có thể nói nhà văn đương đại nào của Pháp, trào lưu văn học đương đại nào của Pháp có ảnh hưởng đến các nhà văn Việt Nam.

- Sự hiện diện mạnh mẽ hơn của văn học Pháp tại Việt Nam đòi hỏi cần có những giải pháp như thế nào trong giai đoạn hiện nay và trong thời gian tới, thưa ông?

Tôi cho rằng trong bối cảnh toàn cầu hóa, việc giao lưu văn học nghệ thuật là điều cần thiết để các nền văn hóa bổ sung và làm giàu cho nhau. Trong những năm qua, nhiều nhà xuất bản Việt Nam đã tìm cách “đón đầu” những tác phẩm văn học Pháp để dịch và giới thiệu với công chúng. Tuy nhiên, số lượng các tác phẩm được dịch sang tiếng Việt vẫn còn khá khiêm tốn so với sách văn học dịch từ tiếng Anh, tiếng Trung, tiếng Nhật…

Để văn học Pháp hiện diện hơn nữa, cần có một đội ngũ thường xuyên theo dõi thị trường sách văn học Pháp để kịp thời phát hiện và giới thiệu sách cho nhà xuất bản. Mặt khác, đội ngũ dịch giả cũng cần được đào tạo chuyên nghiệp hơn, bài bản hơn để các bản dịch đủ sức thuyết phục và lôi cuốn độc giả Việt Nam. Có như thế, độc giả mới chờ đón những bản dịch mới và văn học Pháp mới có dịp được tôn vinh đúng với giá trị của nó.

- Xin cảm ơn ông!

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn