MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Hy vọng các nhà điện ảnh có nhiều tác phẩm xứng đáng với sự nghiệp Đổi mới

Việt Văn LDO | 15/03/2023 14:26
Ngày 15.3, lễ kỷ niệm 70 năm Điện ảnh Cách mạng Việt Nam (15.3.1953 - 15.3.2023) diễn ra trang trọng tại Nhà hát Lớn Hà Nội.

Trong bài phát biểu tại lễ kỷ niệm, ông Nguyễn Trọng Nghĩa - Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương - nhấn mạnh: "Kể từ dấu mốc lịch sử - ngày 15.3.1953 ấy, ngành Điện ảnh Việt Nam sinh ra từ Cách mạng, phụng sự lý tưởng của Đảng và gắn bó mật thiết với nhân dân đã không ngừng lớn mạnh, có nhiều đóng góp xuất sắc cho sự nghiệp cách mạng và nền văn học nghệ thuật nước nhà, đồng thời xác lập nên vị thế của một nền điện ảnh tiến bộ, nhân văn trên thế giới, đi đầu trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc và vì lẽ sống cao đẹp của con người.

Có thể nói, lịch sử điện ảnh cách mạng Việt Nam gắn liền với cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Trong thời gian chiến tranh, bám sát mũi nhọn của cuộc chiến đấu vì độc lập, tự do, điện ảnh tài liệu đã thực hiện hàng nghìn bộ phim thời sự, phóng sự và tài liệu có giá trị hiện thực sâu sắc về cuộc kháng chiến anh dũng của quân và dân ta, thức tỉnh nhân dân thế giới xuống đường ủng hộ Việt Nam kháng chiến".

Ông Nguyễn Trọng Nghĩa - Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương - phát biểu tại buổi lễ. Ảnh: Việt Văn

Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương đã khái quát những thành tựu điện ảnh cách mạng Việt Nam trong thời gian chiến tranh, thời kỳ hòa bình thống nhất đất nước…

Ông Nguyễn Trọng Nghĩa cũng chỉ ra những khó khăn, lúng túng, thậm chí có lúc rơi vào trì trệ của ngành điện ảnh sau này: “Sự giảm dần bao cấp nhà nước cùng tác động của cơ chế thị trường khiến nhiều cơ sở sản xuất và phổ biến - phát hành phim một thời gian dài phải lao đao tìm cách tồn tại; khâu đào tạo nhân lực cũng chậm thích ứng để đáp ứng yêu cầu chuyên nghiệp hóa của ngành.

Sự nhập cuộc ồ ạt của hoạt động sản xuất phim bằng nguồn đầu tư ngoài nhà nước khiến sản phẩm điện ảnh tăng nhanh; nhưng cũng làm cho sáng tác điện ảnh không tránh khỏi xu hướng thương mại hóa. Các tác phẩm phản ánh những vấn đề quan thiết của đời sống, có sức lay động và dẫn hướng quần chúng đến với lý tưởng và khát vọng cống hiến cao đẹp không còn xuất hiện nhiều như giai đoạn trước đó.

Gần đây, việc cổ phần hóa các cơ sở văn hóa có phần nóng vội, chưa bảo đảm quy trình như đã xảy ra với Hãng phim truyện Việt Nam đã gây hệ lụy tiêu cực mà đến nay còn chưa khắc phục được…”.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Trọng Nghĩa nhấn mạnh: “Để kịp thời chấn hưng điện ảnh dân tộc, ngành Điện ảnh đã xây dựng và được Chính phủ phê duyệt Quy hoạch và chiến lược phát triển điện ảnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.

Quy hoạch và chiến lược phát triển này và gần đây là Luật Điện ảnh (sửa đổi) bước đầu đã tạo lập hành lang pháp lý thông thoáng cũng như động lực có tính thúc đẩy cho bước phát triển mới của điện ảnh Việt Nam, hướng tới xây dựng một nền công nghiệp điện ảnh hiện đại”.

Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương nêu rõ, năm 2025 tới đây là năm của nhiều sự kiện lớn: 50 năm Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, 80 năm thành lập nước, 135 Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh và 50 năm Văn học nghệ thuật cách mạng Việt Nam từ khi đất nước thống nhất đến nay.

Hướng đến những mốc kỷ niệm quan trọng này và giai đoạn tới, ngành Điện ảnh cần phát huy truyền thống vẻ vang, tăng cường đoàn kết, huy động tiềm năng sáng tạo của đội ngũ, tranh thủ tối đa các nguồn lực xã hội để cùng sự hỗ trợ của Nhà nước xây dựng thành công một nền công nghiệp điện ảnh Việt Nam theo hệ tiêu chí cơ bản dân tộc, hiện đại, nhân văn, hội nhập.

Ông Nguyễn Trọng Nghĩa hy vọng, “trong thời gian tới, các nhà điện ảnh bằng cả năng lực và tâm huyết của mình sẽ phấn đấu làm nên nhiều tác phẩm lớn xứng đáng với sự nghiệp Đổi mới vĩ đại, có tác dụng sâu sắc xây dựng con người, văn hóa Việt Nam và góp phần khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc như Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII chỉ hướng”.

Trong bài phát biểu của PGS. TS Đỗ Lệnh Hùng Tú - Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam, sau khi tóm tắt những thành tựu điện ảnh cách mạng Việt Nam 70 năm qua, ông nhắc lại về câu chuyện cổ phần của Hãng phim truyện Việt Nam - tại đơn vị từng được coi như “cánh chim đầu đàn” của ngành Điện ảnh.

Tới hôm nay, số phận và tương lai của Hãng phim truyện Việt Nam vẫn là vấn đề nổi cộm nhức nhối chưa được giải quyết dứt điểm, khiến nhiều nghệ sĩ thuộc đơn vị đã và đang phải chịu biết bao thiệt thòi khi không hề có lương hàng tháng, không có bảo hiểm xã hội, nhiều cán bộ đến tuổi nghỉ hưu chỉ được hưởng chế độ thấp...

Do đó, toàn ngành Điện ảnh cùng khẩn thiết mong muốn các cấp có thẩm quyền sớm quan tâm giải quyết dứt điểm những tồn tại của Hãng phim truyện Việt Nam.

NSND, diễn viên Trà Giang kể lại kỷ niệm với Bác Hồ với câu nói đầy ý nghĩa của Bác: "Văn hóa nghệ thuật cũng là một mặt trận. Anh chị em là chiến sĩ trên mặt trận ấy".

NSND, diễn viên Trà Giang cũng bày tỏ nỗi xót xa khi chứng kiến cảnh hoang tàn, đổ nát của Hãng phim truyện Việt Nam hôm nay - một thời là “cánh chim đầu đàn” của điện ảnh nước nhà. Bà khóc và mong muốn lãnh đạo Đảng và Nhà nước quan tâm cụ thể, cứu lấy hãng phim.

Một số hình ảnh tại lễ kỷ niệm:

Mở đầu là màn biểu diễn văn nghệ với việc trình diễn các bài hát nổi tiếng được sử dụng trong các bộ phim như “Hà Nội mùa chim làm tổ”, “Đất phương Nam”… Ảnh: Việt Văn
Diva Thanh Lam thể hiện xuất sắc ca khúc “Bài ca không quên”. Ảnh: Việt Văn 
Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông tặng hoa cho NSND Trà Giang. Ảnh: Việt Văn  

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn