MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Cần đầu tư nhiều hơn cho văn hoá. Ảnh: Đình Hải

Ít thời kỳ nào mà văn hoá lại được quan tâm như nhiệm kỳ này

Tùng Xâm LDO | 01/04/2023 07:00

“Có lẽ ít thời kì nào mà văn hoá lại được quan tâm như nhiệm kì này. Đầu nhiệm kì là Hội nghị văn hoá toàn quốc, tiếp đến Quốc hội, Chính phủ, nhiều Bộ, ngành, địa phương cũng đã tổ chức nhiều hội nghị chuyên đề về văn hoá” - Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại buổi làm việc tại Bộ VHTTDL ngày hôm qua (31.3).

Vẫn còn biểu hiện coi văn hóa chỉ là cờ, đèn, kèn, trống

Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng - cho biết, trong thời gian qua, hoạt động của ngành VHTTDL đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng thẳng thắn nhìn nhận ngành VHTTDL vẫn phải đối mặt với không ít thách thức, khó khăn. Trong đó, sự chuyển biến nhận thức về văn hóa chưa mạnh, chưa đều. Đảng, Nhà nước ta luôn quan tâm đến lĩnh vực văn hóa, luôn coi văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, là mục tiêu, động lực phát triển của đất nước. Các Nghị quyết Đại hội Đảng, Nghị quyết chuyên đề của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư... đều khẳng định quan điểm này. Tuy nhiên trong quá trình tổ chức thực hiện các Nghị quyết của Đảng, nhận thức chung của một số cấp ủy, cấp chính quyền về các nội dung này chưa thật sự sâu sắc và quán triệt, chưa đồng bộ. Biểu hiện có dấu hiệu lệch lạc, coi văn hóa chỉ là cờ, đèn, kèn, trống.

“Ở một số địa phương, đầu tư cho văn hóa còn nhỏ giọt. Ở những địa phương có nguồn lực tốt, sự quan tâm, đầu tư cho văn hóa đã có nhiều khởi sắc. Nhưng với những địa phương đang cân đối ngân sách, chi cho văn hóa còn nhiều hạn chế trong khi đầu tư cho văn hóa là đầu tư cho sự phát triển lâu dài. Rất nhiều năm, chúng ta mong muốn, nỗ lực để mức chi cho văn hóa là 1,8% tổng chi ngân sách nhưng chưa bao giờ chúng ta làm được”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng trăn trở.

Bộ trưởng nêu thêm, huy động các nguồn lực tập trung phát triển lĩnh vực VHTTDL đang bị rào cản bởi một số bộ luật. Trong đó, phải xác định đầu tư công giữ vai trò vốn mồi, là cơ sở kích thích các nguồn lực xã hội. Hợp tác công tư cần được đẩy mạnh, tháo gỡ khó khăn thông qua việc phá bỏ các rào cản pháp lý.

Cần hoàn thiện các thể chế về văn hoá 

Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ đây là buổi làm việc nhằm rà soát lại các vấn đề về thể chế, chính sách pháp luật nhằm đáp ứng yêu cầu hoàn thiện, đồng bộ thể chế trong lĩnh vực văn hóa để triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, các nghị quyết, kết luận của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, kết quả Hội thảo Văn hóa năm 2022 với chủ đề “Thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hóa” và công tác phối hợp chuẩn bị các nội dung được phân công tổ chức Hội nghị Nghị sĩ trẻ toàn cầu lần thứ 9.

Chủ tịch Quốc hội cũng đánh giá trong thời gian qua, ngành đã có nhiều chuyển biến trong đó đáng chú ý là chuyển từ tư duy làm văn hoá sang quản lý nhà nước về văn hoá để kiến tạo cho việc chấn hưng, phát triển văn hoá.

Chủ tịch Quốc hội đánh giá, có lẽ ít thời kỳ nào mà văn hoá lại được quan tâm như nhiệm kỳ này. Đầu nhiệm kỳ là Hội nghị văn hoá toàn quốc, tiếp đến Quốc hội, Chính phủ, nhiều Bộ, ngành, địa phương cũng đã tổ chức nhiều hội nghị chuyên đề về văn hoá. Từ sự quan tâm đó, công tác đào tạo bồi dưỡng lực lượng cán bộ chất lượng cao của ngành Văn hoá được quan tâm, rà soát; chú trọng hơn đến công tác bố trí nguồn lực, nhân lực, tổ chức nhiều hoạt động tại các thiết chế văn hoá, thể thao; nhiều di sản văn hoá Việt Nam đã được UNESCO ghi danh, nhiều giá trị văn hoá truyền thống của dân tộc được phát huy…

Để văn hoá phát huy sức mạnh, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Bộ VHTTDL cần tiếp tục chủ động đề xuất trình Chính phủ, Quốc hội hoàn thiện về thể chế. Trong lĩnh vực văn hoá, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, để thực hiện Kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hoá toàn quốc năm 2021 và kết quả Hội thảo Văn hoá do Quốc hội tổ chức tại tỉnh Bắc Ninh năm 2022, cần tiếp tục rà soát, có thể bổ sung thêm một số nhiệm vụ lập pháp ngoài Kế hoạch số 81. Bên cạnh đó, một số lĩnh vực trước đây dự kiến xây dựng pháp lệnh nhưng trong tình hình hiện nay cần thiết phải điều chỉnh bằng luật hay lĩnh vực chưa có pháp luật điều chỉnh (như văn học)... cũng cần được rà soát thật kĩ lưỡng.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn