MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tác phẩm “Chai Sạn” của Nguyễn Công Hoài 120x145cm x 3 bức sơn dầu trên vải 2019.

Khai phá, tìm kiếm gương mặt cá nhân

Việt Văn LDO | 11/07/2020 14:33

Liên tục ra các triển lãm nhóm trong mấy năm gần đây và tránh không lặp lại mình là một nỗ lực đáng khen của nhóm họa sĩ “Đa diện”, gồm hầu hết là các cây cọ trẻ đang độ sung sức nhất.

18h ngày 16.7 tới, tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam (66 Nguyễn Thái Học, Hà Nội), nhóm “Đa diện” khai mạc triển lãm lần thứ tư với nhiều sắc thái mới.

Hơi thở mới từ 3 họa sĩ quốc tế

Đáng chú ý, “Đa diện 4” có sự các tác phẩm của 3 nghệ sĩ quốc tế, gồm Igors Gaivoronskis (Latvia), Helidon Haliti (Albania) và Besnik Xhemaili (Kosovo). Khi được hỏi, vì sao lần này có các họa sĩ quốc tế và tiêu chí để mời tham gia, họa sĩ Nguyễn Minh (Phố) - điều hành triển lãm cho biết: Các nước đang đóng cửa biên giới vì dịch COVID-19, nghệ thuật nói chung và hội họa nói riêng là sợi dây gắn kết mọi người gần nhau vì nghệ thuật là không biên giới. Việc mời các nghệ sỹ quốc tế còn thể hiện khát vọng của “Đa diện” ngày càng vươn xa hơn, hội nhập mạnh mẽ với thế giới. 3 nghệ sĩ lần này do nhà sưu tập Phong Lê giới thiệu đều là hoa sĩ chuyên nghiệp và từng tham gia triển lãm màu nước quốc tế tổ chức tại Việt Nam.

Tham gia “Đa diện 4” ngoài 12 cái tên quen thuộc đã tham gia các triển lãm trước của nhóm như Nguyễn Minh (Minh Phố), Nguyễn Mạnh Hùng (Hùng rô), Chu Viết Cường, Dương Tuấn, Nguyễn Công Hoài, Nguyễn Minh (Minh béo), Doãn Hoàng Lâm, Tào Linh… còn có khách mời là thầy giáo, họa sĩ Trần Huy Oánh. 

Nguyễn Minh (Phố) cho biết thêm: Thời gian giãn cách xã hội vừa qua đã có tác động rất nhiều đến đời sống và sáng tác của các nghệ sĩ. Nhưng các họa sĩ, vốn đã quen làm việc riêng lẻ, dịch bệnh dù không ảnh hưởng nhiều đến thói quen làm việc cũng giúp họ có quãng lùi để nghiền ngẫm, suy tính nhiều hơn về việc thực hành hội họa. Đây cũng là quãng thời gian khám phá lại bản thân của các họa sĩ nhóm Đa diện.

Tìm kiếm gương mặt bản thân

Cuộc hành trình tìm kiếm gương mặt hay dấu vân tay cá nhân của mỗi họa sĩ bao giờ cũng gian nan. Không thể một sớm một chiều để định hình một phong cách hay thay đổi một gu và thói quen thẩm mỹ. 50 tác phẩm sẽ trưng bày tại triển lãm lần này mà phóng viên Lao Động được xem trước một số cho thấy nỗ lực khai phá, vượt ra khỏi cái bóng của mình trước đó, còn thành quả đến đâu phải do khán giả, đặc biệt là các nhà sưu tập, nhà phê bình mỹ thuật nhận thức, đánh giá. Dĩ nhiên dù vùng vẫy trong bể sáng tạo mênh mông, phần lớn các họa sĩ vẫn trung thành với chất liệu và thể loại sáng tác, có mới ở chỗ đi vào khai phá sâu hơn, đào bới kỹ hơn chủ đề ưa thích.

Tào Linh vẫn ám ảnh bởi nỗi cô đơn như anh bộc bạch: “Dãn cách xã hội là một trải nghiệm thú vị khi ta buộc phải đối mặt với bản thân nhiều hơn khi cuộc sống dường như chậm lại, mọi khoảng cách dường như giãn ra. Dấu vết đó tạo nên những khoảng trống vô cùng trên mặt tranh như một ẩn dụ về nỗi cô đơn mơ hồ mà con người phải gánh chịu”. Tranh của anh là những cuộc độc thọai xoáy sâu vào những câu hỏi muôn thuở: Con người, chúng ta là ai, chúng ta từ đâu đến và chúng ta đi về đâu?

Đi vào dạng tranh trừu tượng, mang nghĩa triết học, họa sĩ Nguyễn Huân chọn “Ranh giới” làm đề tài xuyên suốt trong quá trình sáng tác. Anh muốn so sánh sự khác nhau giữa vật chất và tinh thần, tâm lý con người với con người, động vật với động vật, tế bào với tế bào. Ranh giới còn là giới hạn tư duy, cảm xúc của con người là sự thăng hoa hay bế tắc của nghệ sĩ, là sự gào thét hay dịu dàng, điên loạn hay lãng mạn...

Xu hướng vẽ tranh bán trừu tượng và trừu tượng có vẻ khá thịnh hành gần đây với các họa sĩ, ngoài Nguyễn Huân có những Phạm Tuấn Phong, Nguyễn Mạnh Hùng… Có thể nói nhiều họa sĩ giờ đây đã không còn bằng lòng với việc mô tả hay biểu đạt hiện thực kiểu tả thực nữa mà đi tìm những ẩn dụ thị giác khác.   

Nguyễn Minh (phố) đắm mình vào không gian phố nhưng độ phiêu của anh đã bay bổng hơn với những ký hiệu nghệ thuật trừu tượng. Anh lần đầu đưa khối lập phương vào tranh như khối đa diện, khối rubic để diễn tả sự chứa đựng bên trong các di sản, các dấu tích của văn hóa nói chung. Anh muốn người xem phải tự vấn mình, đó là “hóa thạch về nền văn hóa hay hóa thạch về chứng tích của các di sản?” và tự hỏi: Chúng ta cần làm gì để bảo tồn các di sản?

Doãn Hoàng Lâm vẫn tôn sùng vẻ đẹp khỏa thân (nude) của người đàn bà nhưng tranh anh lần này mang màu sắc và đường nét ám ảnh hơn. Một số chân dung của Nguyễn Công Hoài thể hiện chính sự vật vã của con người đi tìm kiếm bản ngã của mình.

Hội họa trước hết vẫn phải là ấn tượng thị giác rồi mới đến thông điệp chuyển tải của nghệ sĩ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn