MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Phút thư giãn của công nhân Công ty Synztec (Hải Phòng) tại tủ sách Công đoàn. Ảnh: Đăng Luân

Khai thác sức mạnh từ dòng văn học cho người lao động

Mỹ Linh LDO | 21/12/2022 10:09

Vừa qua, Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương phối hợp với Tỉnh ủy Hà Nam đã tổ chức Hội thảo khoa học toàn quốc: Nhìn lại 15 năm thực hiện Nghị quyết 23-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa X) “Về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học - nghệ thuật thời kỳ mới”. 

Hội thảo đã thu hút 153 tham luận của các Giáo sư, tiến sĩ, các nhà khoa học đầu ngành quan tâm, đánh giá về việc xây dựng và phát triển VHNT thời kỳ mới trong 15 năm qua. Và việc tổ chức hội thảo lần này là bước chuẩn bị quan trọng, có tính tổng kết để tư vấn, tham mưu cho Bộ Chính trị, Ban Bí thư nhìn lại 15 năm thực hiện Nghị quyết 23-NQ/TW, từ đó, nhìn nhận, đánh giá, góp phần bổ sung và hoàn thiện một bước đường lối, quan điểm của Đảng về phát triển VHNT; việc thể chế hóa, cụ thể hóa bằng chính sách, pháp luật của Nhà nước phát triển VHNT thời kỳ chấn hưng nền văn hóa dân tộc, đẩy mạnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, thực hiện văn hóa số, văn nghệ số, truyền thông số, xã hội số và hội nhập sâu rộng, tích cực với thế giới.

Tại Hội thảo, Bí Thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa nhấn mạnh, văn học nghệ thuật là lĩnh vực rất quan trọng, đặc biệt tinh tế của con người, là một trong những động lực to lớn trực tiếp góp phần xây dựng nền tảng tinh thần của xã hội và sự phát triển toàn diện của con người Việt Nam.

Sau khi ghi nhận những đóng góp của văn học - nghệ thuật trong suốt 15 năm qua, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa thẳng thắn đánh giá: “Các tác phẩm xuất hiện nhưng chất lượng chưa tương xứng với số lượng, còn ít những tác phẩm có giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật”.

Ông Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội bày tỏ: “Bác Hồ đã từng nói: “Văn hóa soi đường quốc dân đi” hay “Văn hóa nghệ thuật là một mặt trận, anh chị em văn nghệ sĩ là những chiến sĩ trên mặt trận đó” như một sự minh chứng cho vai trò của văn học, nghệ thuật trong việc định hướng sự phát triển đất nước, tạo tâm thế, cảm hứng cho nhân dân để thực hiện tốt hơn mọi công việc, trong đó có những việc cao cả, quan trọng như chiến đấu giành chiến thắng cho dân tộc”. Song, ông Bùi Hoài Sơn cũng nói thêm: “Chúng ta không thiếu tài năng sáng tạo, không thiếu vốn văn hóa nhưng chúng ta chưa hình thành được một môi trường phù hợp, hỗ trợ cho sự sáng tạo để giúp quảng bá văn hóa dân tộc, cũng như giúp các tài năng sáng tạo của đất nước toả sáng”.

Từ đánh giá chung ấy, nhìn về dòng văn học dành cho người lao động, rõ ràng, cũng không tránh khỏi bất cập. Đây là mảng đề tài rộng, nhưng những năm gần đây, chưa thực sự được đầu tư và cũng chưa có nhiều tác phẩm có giá trị phản ánh được những vấn đề của công nhân, của người lao động hiện nay.

Nghị quyết 23-NQ/TW đưa ra quan điểm chỉ đạo: “Chăm lo phát hiện, bồi dưỡng, quý trọng và phát huy các tài năng văn học, nghệ thuật là trách nhiệm của toàn xã hội, trước hết là của Đảng, Nhà nước và của các tổ chức trong hệ thống chính trị các cấp. Tôn trọng, bảo đảm quyền tự do sáng tạo, tạo điều kiện thuận lợi phát huy tính độc lập, khơi dậy mọi nguồn lực sáng tạo của văn nghệ sĩ. Văn nghệ sĩ, người chiến sĩ xây dựng và phát triển nền văn nghệ tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, cần phát huy lòng yêu nước nồng nàn, gắn bó máu thịt với nhân dân, nêu cao trách nhiệm công dân, sáng tạo nên nhiều tác phẩm có giá trị phụng sự đất nước và dân tộc”.

Chính bởi vậy, việc Tổng LĐLĐ Việt Nam, Hội nhà văn Việt Nam tổ chức, Báo Lao Động là đơn vị thực hiện Cuộc thi sáng tác văn học về đề tài công nhân - công đoàn trong giai đoạn 2021-2023 chính là thực hiện Nghị quyết 23-NQ/TW nhằm khơi dậy sức mạnh từ dòng văn học cho công nhân, người lao động để văn học gần gũi hơn với nhu cầu và nguyện vọng của nhân dân trong đó có động đảo lực lượng người lao động, từ đó, giúp người dân thêm tin yêu vào Đảng và Nhà nước, tạo ra bầu không khí tích cực cho sự phát triển đất nước, tạo điều kiện giúp đất nước nhanh chóng đạt được những mục tiêu đã đề ra trong việc thực hiện khát vọng xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc từ chính sức mạnh của văn hóa, nghệ thuật.

Cuộc thi sáng tác văn học về đề tài công nhân, Công đoàn (do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam chủ trì, Báo Lao Động phối hợp với Hội Nhà văn Việt Nam trực tiếp tổ chức thực hiện) tiếp tục mời các cây viết chuyên và không chuyên trong cả nước tham gia. Thể lệ cuộc thi xin mời quét mã QR code.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn