MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Du khách trên hành trình trekking và chụp ảnh lưu niệm cùng nhóm bạn tại núi Cấm (An Giang). Ảnh: Phong Linh

Khai thác tài nguyên bản địa gắn với phát triển kinh tế du lịch ĐBSCL

PHƯƠNG ANH - PHONG LINH LDO | 16/11/2023 14:54

ĐBSCL không chỉ biết đến là vựa lúa, vựa trái cây của cả nước mà còn là một trong những vùng trọng điểm về du lịch. Nhờ hệ sinh thái tự nhiên đặc trưng đồng bằng, biển đảo, sông nước, cây trái bốn mùa trĩu quả và lễ hội dân gian truyền thống mang bản sắc văn hóa độc đáo đã tạo nên những sản phẩm du lịch đặc trưng cho vùng đất chín rồng.

Phát huy văn hóa bản địa

Ông Trần Minh Lý - Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Sóc Trăng - cho biết: Sóc Trăng có 93 ngôi chùa Khmer mang đậm nét kiến trúc độc đáo. Ngoài ra, các lễ hội như cúng Phước Biển, Lễ hội Thác Côn (lễ hội Cúng dừa), Oóc Om Bóc - Đua ghe Ngo... hằng năm đón khoảng 100.000 lượt khách xem trực tiếp.

Trong phát triển kinh tế, tỉnh xác định du lịch là một trong những trụ cột kinh tế của địa phương, phấn đấu đến năm 2025, du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng, đến năm 2030 trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh Sóc Trăng.

An Giang hiện cũng là một trong những tỉnh có sản phẩm văn hóa du lịch đặc trưng nhiều nhất trong vùng kinh tế trọng điểm ĐBSCL, khá sinh động từ văn hóa lịch sử, tâm linh tín ngưỡng, sinh thái rừng, sông nước và du lịch nông nghiệp. Đặc biệt, những năm gần đây, xu hướng du lịch xanh đang được hình thành, nhiều mô hình trekking (đi bộ đường dài) tại Núi Cấm, camping (cắm trại ngoài trời) đang phát triển mạnh mẽ cho thấy sức hút của du lịch xanh ở An Giang, qua đó giúp du khách tìm lại sự hài hòa giữa con người và cảnh sắc đặc trưng của vùng ĐBSCL.

Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư tỉnh An Giang Lê Trung Hiếu thông tin: Hiện An Giang tận dụng lợi thế sẵn có như rừng tràm Trà Sư, chợ nổi Long Xuyên, làng Chăm và các điểm tham quan thuộc dãy Thất Sơn... để tập trung phát triển du lịch thông minh, du lịch sinh thái kết hợp trải nghiệm, nghỉ dưỡng.

Xây dựng sản phẩm du lịch đặc trưng

Trong những năm qua, các tỉnh ĐBSCL không ngừng nghiên cứu xây dựng các sản phẩm đặc thù về du lịch nhằm tránh trùng lặp, tạo ra nét riêng vốn có của từng địa phương. Để làm điều này, ĐBSCL đang định hình không gian du lịch, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm và tận dụng phát huy vai trò của các điểm mấu chốt.

ĐBSCL hiện chia không gian du lịch thành hai vùng: phía Đông và phía Tây. Phía Đông gồm 6 tỉnh Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long, Đồng Tháp và Trà Vinh với định hướng khai thác sản phẩm du lịch đặc trưng, gồm: nghiên cứu đời sống sông nước, miệt vườn, tham quan làng nghề, các di tích lịch sử cách mạng, lưu trú tại nhà dân. Trong đó, TP Mỹ Tho (Tiền Giang) là trung tâm của không gian du lịch phía Đông, đồng thời là trung tâm phụ trợ của vùng ĐBSCL.

Không gian du lịch phía Tây bao gồm 7 tỉnh, thành: TP Cần Thơ, An Giang, Kiên Giang, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu và Cà Mau. Trong đó, Cần Thơ và đảo Phú Quốc (Kiên Giang) được xác định là trung tâm du lịch, có nhiệm vụ điều phối khách cho toàn vùng. Định hướng chung cho không gian du lịch phía Tây là khai thác sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng trải nghiệm, đời sống sông nước, chợ nổi, nghiên cứu tìm hiểu văn hóa di tích lịch sử, lễ hội.

Ông Trần Văn Lâu - Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng - cho biết: Tỉnh sẽ tiếp tục phát huy thế mạnh du lịch tâm linh, văn hóa lễ hội, du lịch sinh thái; nâng cao tầm vóc của các sự kiện lễ hội độc đáo của 3 dân tộc Kinh - Hoa - Khmer; đa dạng hóa, nâng cao chất lượng các loại hình dịch vụ du lịch gắn với kêu gọi đầu tư về du lịch để phát triển cơ sở hạ tầng trên cơ sở khai thác tiềm năng, thế mạnh về du lịch.

Còn theo ông Lê Trung Hiếu - Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư tỉnh An Giang: Trong quy hoạch từ năm 2025 - 2030, An Giang định hướng Châu Đốc là thành phố lễ hội, từ đó tạo nên những sản phẩm mới, đặc trưng riêng cho khu vực này.

ĐBSCL có bờ biển dài 700km, hệ thống kênh rạch dài hơn 28.000km; 3 khu dự trữ sinh quyển, 5 vườn quốc gia, 3 khu bảo tồn tự nhiên, 3 khu bảo tồn loài, 7 khu bảo vệ sinh cảnh và 1 khu rừng nghiên cứu thực nghiệm khoa học. Đây là những tài nguyên du lịch sinh thái hết sức quý báu của vùng cũng như của cả nước.

Bên cạnh đó, ĐBSCL còn là nơi sinh sống, giao thoa của các dân tộc Kinh, Hoa, Khmer, Chăm - là nền tảng quan trọng để hình thành và phát triển hệ thống tài nguyên du lịch nhân văn với những giá trị bản địa đặc sắc, độc đáo.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn