MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Hàng ngàn người dân đến vui chơi, tham quan di tích Tây Sơn thượng đạo. Ảnh TXAK

Khám phá nét đẹp lịch sử ở Tây Sơn thượng đạo

THANH TUẤN LDO | 24/10/2021 15:48

Gia Lai - Khi chưa có dịch bệnh COVID-19 xảy ra, hằng năm khu Di tích lịch sử văn hóa Quốc gia Tây Sơn thượng đạo tại thị xã An Khê, tỉnh Gia Lai có hàng ngàn lượt khách tham quan. Trong xu thế phát triển kinh tế du lịch, chính quyền tỉnh Gia Lai kêu gọi đầu tư để tạo chuỗi liên kết du lịch Bình Định – Gia Lai, 2 địa bàn có rừng và biển liền kề. 

Tây Sơn thượng đạo là vùng đất khởi nghiệp, căn cứ kêu gọi nông dân dấy binh khởi nghĩa chống lại Chúa Nguyễn ở Đàng Trong của 3 anh em Nguyễn Huệ (Vua Quang Trung) - Nguyễn Nhạc – Nguyễn Lữ vào năm 1771.

Căn cứ của nghĩa binh Tây Sơn đóng trên địa hạt của An Khê, Kbang, Kông Chro và Đăk Pơ, vùng núi rộng lớn có địa thế hiểm trở, có dòng sông Ba che chở, đặc biệt có nguồn lâm sản, đất đai trù phú để nuôi binh, luyện võ.

Tượng Vua Quang Trung - Nguyễn Huệ tại Di tích Tây Sơn thượng đạo. Ảnh TXAK

Tại di tích Tây Sơn thượng đạo hiện còn lưu giữ nhiều công trình kiến trúc, cổ vật quý từ thời Tây Sơn cuối thế kỷ 18. Năm 2021, tròn 30 năm Tây Sơn thượng đạo được cấp bằng Di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia gồm 6 cụm với 17 di tích liên quan đến cuộc khởi nghĩa. Trong đó có An Khê Đình, An Khê Trường, An Khê Lũy, Gò Chợ là trung tâm của quần thể di tích.

Tại đây còn có Bảo tàng Tây Sơn thượng đạo được xây dựng với kinh phí 11 tỉ đồng trên diện tích 43ha. Hiện nay Bảo tàng đang lưu giữ 140 hiện vật chủ yếu là tranh, ảnh chụp các di tích, một ít vật dụng sản xuất, cồng chiêng, ché của đồng bào Ba Na.

Thời gian qua, chính quyền thị xã An Khê cũng đã tiếp nhận nhiều hiện vật có giá trị từ những cá nhân, tập thể.  Hiện tầng 3 nhà trưng bày những hình ảnh về người tối cổ, những mảnh tước, mảnh thiên thạch và các loại rìu tay, công cụ ghè lâu đời.

Di tích Tây Sơn thượng đạo đã được trùng tu, tôn tạo với 7 hạng mục gồm, cổng và lối vào khu di tích, quảng trường trung tâm, cải tạo ao nước (An Khê trường), nhà thờ Tam Kiệt, vườn mai Tam Kiệt, hồ sen, trùng tu di tích An Khê đình và các hạng mục phụ trợ với tổng dự toán trên 27,7 tỉ đồng.

Năm 2021 là kỷ niệm tròn 250 năm khởi nghĩa nông dân Tây Sơn và 30 năm quần thể di tích lịch sử Tây Sơn thượng đạo được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa Quốc gia. UBND thị xã An Khê hy vọng việc tổ chức các lễ hội, tiếp nhận hiện vật, việc du khách ghé tham quan di tích sẽ hiểu biết thêm truyền thống yêu nước, chống giặc ngoại xâm của thế hệ cha ông.

Nhà Tây Sơn tồn tại từ năm 1778-1802, đã có nhiều chiến thắng hiển hách bậc nhất trong lịch sử đánh giặc ngoại xâm của dân tộc. Trong đó có cuộc chiến chấm dứt sự chia cắt đất nước ngót 200 năm thời Trịnh- Nguyễn phân tranh và mở rộng lãnh thổ đất nước. Quân Tây Sơn dưới sự chỉ huy của anh hùng áo vải Nguyễn Huệ (Vua Quang Trung) với những chiến dịch quân sự thần tốc đã đánh bại các cuộc xâm lược Đại Việt của quân Xiêm La từ phía Nam và quân Mãn Thanh ở phương Bắc, bảo vệ nền độc lập của nước nhà.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn