MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Khám phá tục thờ chó đá của người dân làng Địch Vĩ

HOA LÊ LDO | 14/02/2018 09:51

Người dân trong làng đi qua kính cẩn, có nỗi oan khuất hay ấm ức đều chắp tay khấn cầu trước “Ngài chó đá” để được giải tỏa. Đó là tục thờ chó đá gắn liền với tín ngưỡng của người dân làng Địch Vĩ, xã Phương Đình (Đan Phượng, Hà Nội) từ bao đời nay.

Về làng Địch Vĩ những ngày cuối năm, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên, tò mò về một gò đất cao ở đầu làng, tiếp giáp với ngôi của cổ có một bệ thờ chó đá được tạc bằng đá xanh trang nghiêm. Người dân Địch Vĩ nói: “ Chúng tôi thờ phụng quan Hoàng Thạch có lịch sử từ 400 năm nay rồi”.

Ông Nguyễn Chí Cương, Phó ban quản lý di tích đình làng Địch Vĩ kể, tương truyền, ngày xưa ở vùng cửa sông Hát có 2 anh em nhà nọ. Anh trai tên là Ngọc Tri, quan viên triều đình còn em trai là Hoàng Thạch. Một lần anh trai ra trận đánh giặc, giao lại nhà cửa, ruộng đồng cho người em trai ở nhà trông nom cùng với chị dâu ở nhà. Sau khi đánh giặc tan, anh trai về thấy vợ có thai nên đem lòng ghen tức. Lòng ghen tức lên tới đỉnh điểm, người anh trai giận dữ tột độ nên chém chết em trai. Sau đó, người anh mang xác vứt xuống sông.

Thời gian sau, người vợ sinh ra một “quái thai”, người em báo mộng về cho anh là bị oan. Về phần người em, sau khi chết, xác hóa thành khối đá. Tượng chó đá trôi đến địa phận làng Thọ Xuân, nằm đối diện làng Địch Vĩ, được ngăn cách bởi con sông Hồng.

Dân làng Thọ Xuân đổ ra xem pho tượng lạ. Vốn là tượng quý nên người Thọ Xuân cử hàng trăm người ra khiêng về thờ nhưng không thể. Kì lạ thay chỉ có mấy người làng Địch Vĩ hò nhau ra khiêng thử thì pho tượng nhẹ bẫng. Biết là báu vật linh thiêng, làng Địch Vị mang về hạ ở đầu chùa, bảo vệ khu đình, chùa và cho cả làng.

Tượng chó đá được thờ tại thôn Địch Vĩ, xã Phương Đình, huyện Đan Phượng.

Người dân Địch Vĩ hương khói thờ phụng và sau này tôn làm quan lớn Hoàng Thạch, thờ cúng cho đến nay. Tượng thờ “Ngài chó đá” được đặt trang nghiêm tại gò đất cao ở đầu làng, tiếp giáp ngôi chùa cổ. Ngồi giữa là chó lớn, cao 1,4m, quây quần hai bên là đàn chó nhỏ gồm 16 con kích cỡ khác nhau, rất sinh động. Nhóm chó đá này được đặt trang nghiêm trên một bệ thờ xây bằng gạch, rộng 10m2, xung quanh bệ thờ có tường bao quanh.

“Ngày rằm, mùng 1, ngày tết chúng tôi đều hướng nhang phụng thờ. Đôi mắt tượng được dựng hướng về Hát Môn vì lẽ tưởng nhớ quê hương của quan Hoàng Thạch. Trước đây, làng Hát Môn và làng Địch Vĩ kết nghĩa anh em. Tết khai hạ các cụ đều rước lên Hát Môn lấy nước về đình làng Địch Vĩ sau đó mới tổ chức tế lễ”, ông Nguyễn Chí Cương nói.

Ở làng Địch Vĩ, tượng chó đá rất linh ứng. "Ngài chó đá" phù hộ cho dân làng Địch Vĩ làm ăn ngày một ấm no, thịnh vượng. Có những trường hợp gia đình có nhiều uẩn khúc đều ra làm lễ, cầu để giải tỏa trong tư tưởng.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn