MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ở showbiz Hàn, Trung thành-bại của nghệ sĩ do người hâm mộ đóng vai trò cực kỳ quan trọng. Ảnh: xinhua.

Khán giả Hàn, Trung chi tiền cho nghệ sĩ như thế nào để có được quyền lực?

THU HƯƠNG LDO | 15/09/2022 15:11
Ở những nền công nghiệp giải trí lớn như Hàn Quốc, Trung Quốc, người hâm mộ (fan) có vai trò quan trọng ảnh hưởng đến thành - bại của nghệ sĩ. Bởi họ là những người trực tiếp chi tiền, nuôi sống thần tượng mình yêu thích.

Câu chuyện về mối quan hệ giữa nghệ sĩ và công chúng chưa bao giờ hết “nóng” ở bất kỳ nền giải trí nào. Nhưng tại mỗi quốc gia, “quyền lực” của các fandom (cộng đồng người hâm mộ) có tính chất và mức độ khác nhau. 

Những ngày qua, hàng loạt cư dân mạng Việt Nam đặt câu hỏi: “Khi nào nghệ sĩ Việt dính scandal mới bị “phong sát”, tẩy chay triệt để như showbiz Trung, Hàn?”.

Câu hỏi này được hầu hết những fan quay lưng với Lý Dịch Phong sau scandal mua dâm trả lời thế này: “Tôi bỏ tiền ra mua vé xem phim anh ta đóng, mua sản phẩm từ thương hiệu anh ta đại diện, thậm chí fandom tổ chức sinh nhật thật hoành tráng, đặt áp phích quảng cáo khắp nơi… Nhưng cuối cùng chúng tôi bị lừa dối, nên quyết không chi tiền nữa, tẩy chay đến cùng”.

“Chi trả” tạo nên sự ràng buộc và trách nhiệm

Nói đến vai trò, quyền lực người hâm mộ thì điển hình nhất là fandom của các nhóm nhạc Kpop. 

Không phải ngẫu nhiên mà ngành công nghiệp âm nhạc Hàn Quốc trở nên lớn mạnh, những nhóm nhạc Kpop vươn tầm quốc tế, sánh ngang với hàng loạt nghệ sĩ US-UK đình đám. Danh tiếng và tài sản nghệ sĩ có được là nhờ sự ủng hộ, chi trả của fandom. 

Theo thống kê của Circle Chart, trong tháng 7, Kpop có 400 album vật lý (đĩa CD) hàng đầu được bán ra, với lượng tiêu thụ đạt 10.827.324 bản. Lần đầu tiên doanh số bán album Kpop vượt mốc 10 triệu bản 1 tháng, kể từ năm 2010. Các fandom ngày càng đầu tư, chi nhiều tiền cho thần tượng.

BTS, nhóm nhạc Hàn Quốc thành công nhất hiện nay (cũng có thể là thành công nhất mọi thời đại), ghi nhận doanh số album tương xứng với độ nổi tiếng.

BTS dẫn đầu Top nghệ sĩ Kpop bán được nhiều album nhất trong vòng 1 thập kỷ qua (2011-2021), với 32,7 triệu bản.

Các concert của BTS liên tục "cháy vé".

Album “Born Pink” của Blackpink đạt hơn 800.000 bản đặt trước trên Ktown4u (tính đến 14.9), cao nhất lịch sử nền tảng này, dù ngày 16.9 mới chính thức phát hành. Tour diễn toàn cầu của Blackpink cũng đang tẩu tán vé nhanh chóng ở mỗi địa điểm mở bán. 

Live Nation thực hiện một nghiên cứu cho thấy, việc được xem trực tiếp thần tượng biểu diễn đối với người hâm mộ trung thành là trải nghiệm thú vị.

Fan sẽ cảm thấy phấn khích gấp 5 lần so với theo dõi thần tượng biểu diễn qua truyền hình hay các nền tảng số. Đây là lý do fan Kpop thường xuyên bỏ tiền mua vé xem các concert trực tiếp.

Vì vậy, khi đại dịch COVID-19 bùng phát, nhiều nhóm nhạc Kpop vừa và nhỏ buộc tan rã vì không thể tổ chức đêm nhạc, không có tiền duy trì hoạt động.

Hay ở Trung Quốc, việc người hâm mộ chi tiền cho thần tượng rất phổ biến. Những diễn viên nổi tiếng với lượng fan đông đảo luôn được các thương hiệu “chọn mặt gửi vàng”, vì fan của họ sẵn sàng bỏ tiền ra mua sản phẩm thần tượng của mình làm gương mặt đại diện.

Tất nhiên không thể tránh khỏi biến tướng như fan “cuồng”, fan “ngáo quyền lực”. Nhưng chưa bàn đến vấn đề đó, vì trước hết để có được sự ràng buộc chặt chẽ, đủ ảnh hưởng đến thái độ hoạt động, trách nhiệm của nghệ sĩ, công chúng phải chịu bỏ tiền mua sản phẩm nghệ thuật.

 Fan Trung luôn sẵn sàng chi tiền cho thần tượng.

Khi fan không trực tiếp nuôi sống nghệ sĩ

Một ca sĩ/diễn viên muốn thành công thì bài hát phát hành phải tốt, diễn xuất phải hay, đây là điều cốt lõi. Nhưng khán giả cũng cần chi trả xứng đáng với giá trị của sản phẩm nghệ thuật. 

Ở Việt Nam, số đông khán giả thích xem phim, nghe nhạc miễn phí. Các web phim lậu tràn lan, cứ web này sập web khác lại mọc lên… vì nhu cầu “xem chùa” của khán giả rất lớn. 

Hàng nghìn người có thể đứng xem buổi biểu diễn miễn phí của ca sĩ Tuấn Hưng, hay chen lấn đi xem một show ca nhạc không thu phí trên phố đi bộ. Nhưng để bỏ ra vài trăm nghìn mua vé một đêm nhạc chưa chắc họ gật đầu.

Nghệ sĩ Việt chẳng mấy khi phát hành album/đĩa CD vì có làm cũng ế. Mua album nhạc đối với khán giả Việt vẫn là điều xa xỉ.

Những ngôi sao dính scandal như Ngô Diệc Phàm, Trịnh Sảng, Lý Dịch Phong gần như “thân bại danh liệt”, không thể quay trở lại giới giải trí vì bị cơ quan chức năng cấm sóng, fan ngừng chi tiền ủng hộ.

Nhưng loạt nghệ sĩ Việt dính bê bối vẫn quay lại hoạt động dù bị phản ứng.

 Trịnh Sảng không còn đường trở lại sau scandal.

Nhiều ý kiến cho rằng, khán giả Việt còn dễ dãi, chưa triệt để tẩy chay nghệ sĩ dính scandal. Một phần cũng là vì, khi chưa chi tiền nuôi sống nghệ sĩ, khán giả Việt sẽ chưa trải qua cảm xúc thấy mình bị “lừa dối”, “phản bội” như những fan Hàn, fan Trung.

Câu nói “khách hàng là thượng đế” khi áp dụng vào nghệ thuật giải trí được hiểu rằng, khán giả muốn nghe một ca khúc hay, xem một bộ phim hấp dẫn, hoặc muốn nghệ sĩ mình yêu thích toàn diện về mọi mặt… thì buộc phải chi trả xứng đáng.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn