MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Khán giả và “bẫy” phim!

Việt Văn LDO | 08/08/2022 08:00

Bộ phim “Dân chơi không sợ con rơi” của đạo diễn Huỳnh Đông do công ty của diễn viên hài Thu Trang đứng ra sản xuất, với các diễn viên Tiến Luật, Ngô Kiến Huy, Lâm Vĩ Dạ, Vân Trang…  theo Box Office Việt Nam sáng 6.8 đã thu về trên 23 tỉ đồng. Thậm chí, doanh thu ngày cuối tuần còn vượt cả một số phim “đình đám” của ngoại quốc như “Thám tử lừng danh Conan: Nàng dâu Halloween”, “Liên minh siêu thú DC”… Doanh thu cao chưa hẳn là phim hay, nhưng tuyệt nhiên không thể là phim quá dở. Nó phải đáp ứng được nhu cầu thưởng thức của một bộ phận công chúng nào đó.

Còn nhớ bạn tôi là một nhà phê bình phim có hạng khi đọc trên truyền thông, phim “Đêm tối rực rỡ” có doanh thu rất cao, đã đi xem và ngạc nhiên vì trong rạp phần lớn là khán giả trẻ 9X, trong đó có nhiều du học sinh và họ bàn luận rất say sưa khi kết thúc phim. Bạn tôi bảo phim đó về nghề (ngôn ngữ điện ảnh) không có gì đặc biệt, thậm chí khó nói là hay, thế nhưng phim được giới trẻ đón nhận và rõ ràng khoảng cách về thế hệ khi xem phim là rất rõ ràng.

Trở lại phim “Dân chơi không sợ con rơi” kể trên, trên mạng, nhiều báo khen, nhưng luôn có một vài trang mạng (đông người xem) chê tơi bời ngay từ phim mới ra mắt. Thường thì phim mới ra rạp, ít ai chê ngay và cũng không được tiết lộ nội dung phim. Nhưng giờ đây nguyên tắc bất thành văn đó bị gạt đi. Nhiều phim Việt trước đó khi vừa ra rạp cũng bị  chê “phủ đầu” dữ dội bởi một số người viết bài, thậm chí họ liệt kê ra các chi tiết phim, nêu cả cái kết bất ngờ của phim mà chỉ cần “chua” một câu đầu bài: Bài viết có tiết lộ một phần nội dung phim!

Việc khen chê là thị hiếu của mỗi người, tuy nhiên hãy khen chê trên tinh thần xây dựng, thay vì cố tình “ném đá” vì những mục đích này khác. Một đạo diễn điện ảnh có tên tuổi từng than thở với tôi rằng chỉ vì bỏ ra chưa đủ tiền quảng cáo mà phim anh bị “đánh” tàn bạo quá, nên chết yểu...

Chuyện bỏ ra 1 khoản tiền nhất định để thuê ai đó tổ chức thực hiện loạt bài quảng bá cho một bộ phim nào đó, không phải là chuyện lạ. Vấn đề là nó tạo ra sự hỗn loạn làm khán giả nhiều khi mơ hồ rơi vào “thập diện mai phục” không biết đâu là phim hay, đâu là phim dở. Thế nên mới có chuyện khán giả mua vé hỏi người bán: Phim này hay không cô?!

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn