MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Giàn phong linh 54 bộ thể hiện nét văn hóa đặc trưng của 54 dân tộc được các nghệ nhân thực hiện trong gần 1 năm qua. Ảnh: Phương Linh

Khánh Hoà: Công bố sản phẩm được chế tác trong dịch COVID-19

Phương Linh LDO | 02/04/2022 17:57

Khánh Hoà- Trong đại dịch COVID-19 các nghệ nhân ở Khánh Hoà đã không ngừng sáng tạo để cho ra đời nhiều tác phẩm đặc trưng mang hơi thở xứ Trầm hương.

Chào mừng 47 năm ngày giải phóng Nha Trang – Khánh Hòa (2.4.1975-2.4.2022), ngày 2.4, Làng nghề Trường Sơn (P.Vĩnh Nguyên, TP.Nha Trang) tổ chức công bố các sản phẩm được nhiều nghệ nhân Khánh Hoà chế tác trong đại dịch COVID-19.

Đàn guitar thùng đầu tiên được nghệ nhân chế tác guitar Lưu Hoàng Quí thực hiện thủ công tại làng nghề Trường Sơn với nguyên liệu là gỗ Teak và gỗ gõ đỏ. Ảnh: Phương Linh

Theo đó, 6 sản phẩm mới được các nghệ nhân, người lao động thực hiện tại làng nghề Trường Sơn thời gian qua gồm: Đàn guitar thùng với nguyên liệu là gỗ Teak và gỗ gõ đỏ, được chế tác thủ công; Giàn phong linh 54 bộ thể hiện nét văn hóa đặc trưng của 54 dân tộc; Đàn Chimkram cộng hưởng có nguồn gốc từ Tây Nguyên lần đầu được làm thành công tại Khánh Hòa; bộ tranh cát 12 con giáp có kích thước lớn nhất do nghệ nhân Trần Thị Thu và các công sự thực hiện; Tượng gốm chị Tư Hậu - một nhân vật lịch sử của vùng đất Ninh Hòa - Khánh Hòa do nhà điêu khắc Đoàn Xuân Hùng thực hiện; tranh thư hoạ chân dung do họa sĩ Lê Vũ thực hiện.

Bộ tranh cát 12 con giáp có kích thước lớn (bắt đầu từ năm Dần) đang tiếp tục thực hiện đến năm Thìn. Mỗi bức tranh được thực hiện trong khoảng 1-2 tháng, dự kiến sẽ hoàn thành vào Tết nguyên đán năm 2023. Ảnh: Phương Linh

Tại buổi lễ, Liên hiệp các hội KHKT tỉnh Khánh Hòa cũng đã công bố danh sách các sản phẩm quà lưu niệm gồm: đàn guitar, gốm, tranh thư pháp đan, in, thêu, dệt… được nghệ nhân Làng nghề Trường Sơn chế tác trong những tháng ngày đại dịch. Đây là những sản phẩm đặc trưng của văn hoá Khánh Hoà được chính thức quảng bá, giới thiệu đến với du khách trong và ngoài nước.

Tranh thư họa chân dung được họa sĩ Lê Vũ và các cộng sự phát triển trên nền móng tranh thư họa trong thời gian dịch bệnh COVID-19 được đông đảo người dân và du khách đón nhận. Ảnh: Phương Linh

 Đi vào hoạt động từ năm 2012 đến nay làng nghề Trường Sơn đang trồng và lưu giữ hơn 1.000 loại cây, hoa được trồng theo mùa. Đặc biệt đây còn là không gian sáng tạo nghệ thuật, một bảo tàng nghề thu nhỏ quy tụ nhiều nghệ nhân đang giữ các nghề đặc trưng của Việt Nam như gốm Lưu Cấm, tranh cát, thư họa, đan mỹ nghệ, đan nón lá, thêu, chế tác gỗ… Làng nghề Trường Sơn cũng là nơi duy nhất đang lưu giữ không gian trưng bày 10 kỷ lục Việt Nam về văn hóa, thủ công mỹ nghệ.

Cùng với nhiều sản phẩm mỹ nghệ khác, những trái bầu được trồng ở làng nghề sau khô được các nghệ nhân chạm khắc thành sản phẩm lưu niệm độc đáo, thân thiện môi trường. Ảnh: Phương Linh

Theo ông Nguyễn Sỹ Khánh- Chủ tịch UBND TP.Nha Trang: Trong dịch bệnh các nghệ nhân, người lao động của làng nghề vẫn không ngừng nỗ lực để tạo ra những sản phẩm đặc trưng đáp ứng nhu cầu phục hồi sau đại dịch. Việc phát huy giá trị văn hoá truyền thống trong đó có các nghề đặc trưng để không chỉ bảo tồn mà còn góp phần phát triển du lịch văn hoá là điều chúng ta đang thiếu và yếu. Trong chiến lược phát triển của TP. từ nay đến năm 2030 tầm nhìn 2045, Nha Trang sẽ phát triển du lịch- dịch vụ bền vững. Và điểm đến làng nghề Trường Sơn sẽ là điểm đến văn hoá góp phần cùng những điểm đến văn hoá lâu nay của thành phố đưa Nha Trang- Khánh Hoà vươn ra thế giới bằng con đường văn hoá.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn