MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
“Làng nghề đúc gang” của Nguyễn Đặng Việt Cường - TP Hồ Chí Minh - Huy chương Đồng Festival Nhiếp ảnh trẻ 2023. Ảnh do CMTNA & TL cung cấp

Khát vọng, thực trạng và giải pháp cho ảnh nghệ thuật Việt Nam

trần Việt (lược thuật) LDO | 20/11/2023 13:45

Tọa đàm “Giải pháp nào để có nhiều tác phẩm ảnh nghệ thuật chất lượng cao” do Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam tổ chức diễn ra tại Hà Nội ngày 18.11.2023 với mong muốn xác định được hướng đi đúng, những việc cần phải làm để nhiếp ảnh Việt Nam tiếp tục phát triển trong những yêu cầu mới của đất nước.

Trong tham luận “Khát vọng về tác phẩm đỉnh cao” của bà Trần Thị Thu Đông - Chủ tịch Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam (Hội NSNAVN) có nêu ý kiến cá nhân, thay vì cách nói “Chúng ta chưa có tác phẩm đỉnh cao” hay “Chúng ta chưa có tác phẩm xứng tầm thời đại” nên dùng cách nói giản dị hơn, cụ thể hơn để các nghệ sĩ dễ hình dung và phấn đấu hơn như “Chúng ta chưa có nhiều những tác phẩm phản ánh được sâu sắc, chân thực, sinh động cuộc sống, xứng tầm với sự phát triển của đất nước”.

Theo bà Đông, thực sự đã có những tác phẩm nghệ thuật khiến chúng ta phải xúc động, phải ngẫm nghĩ, thậm chí ám ảnh. Tuy nhiên sẽ khó rạch ròi để trả lời đó đã là nghệ thuật đỉnh cao chưa? Trong số 5 giải pháp bà đưa ra, trước hết phải là đổi mới tư duy, suy nghĩ, đổi mới cách đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực.

Ông Hồ Sĩ Minh - Phó Chủ tịch Thường trực Hội NSNAVN - nêu lên thực trạng công tác giám khảo hiện nay phải chịu nhiều áp lực, với dư luận hay ít hơn là không hay. Những khó khăn của giám khảo là hầu hết các nghệ sĩ không ai được đào tạo để làm giám khảo; lại không phải là nghề mà chủ yếu làm mùa vụ nên thiếu sự chuyên nghiệp... Một số giám khảo luôn tự đổi mới, năng động cập nhật các xu hướng sáng tác mới nhưng không ít giám khảo vẫn duy trì quan điểm cũ kỹ.

Nhiều giám khảo không được trang bị kiến thức lý luận phê bình nhiếp ảnh nên bị hạn chế trong phân tích ảnh nghệ thuật, biết chọn ảnh nhưng lại lúng túng không lý giải được cái hay, cái đẹp, cái dở… Chưa kể còn hiện tượng giám khảo hiểu biết hạn chế hoặc thiếu công tâm bênh học trò, người nhà... làm ảnh hưởng đến chất lượng cuộc thi.

Nghệ sĩ nhiếp ảnh Lê Nguyễn - Phó Chủ tịch Hội NSNAVN, Chủ tịch Hội đồng Nghệ thuật nhìn nhận, về chất lượng ảnh qua các cuộc thi nêu rõ những nhược điểm của ảnh đơn và ảnh bộ.

Với ảnh đơn, không ít tay máy trẻ thiếu vốn sống, kinh nghiệm thực tiễn đã lạm dụng các thủ thuật, phần mềm xử lý ảnh nhằm tăng độ tương phản, độ nét, độ bão hòa màu sắc quá mức… làm bức ảnh lòe loẹt, diêm dúa quá mức không đúng với thực tế khách quan. Hoặc lạm dụng kỹ thuật xử lý hậu kỳ chắp ghép ảnh vô lý, làm méo mó, sai lệch bản chất chân thật của nhiếp ảnh. Ảnh bộ thì khi gửi dự thi mỗi người trình bày market theo một hình thức khác nhau từ tiêu đề, co chữ, phông chữ... không thống nhất theo một quy cách, tiêu chuẩn nào. Ông đề nghị Hội đưa ra một cách chấm ảnh bộ thống nhất có thang điểm chặt chẽ, rõ ràng.

Nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Phong (Gia Lai) nói về lối mòn trong sáng tác như chụp cảnh cũ, vật cũ, người cũ theo một mô típ cũ thậm chí gửi cả ảnh cũ dự thi.

Ông dẫn ra có tác phẩm đoạt huy chương ở một cuộc thi toàn quốc 7 năm sau lại lấy ra thi lại, hy vọng giám khảo quên, nào ngờ giám khảo vẫn nhớ và loại ra. Đặc biệt là chuyện chụp lại theo mô típ tác phẩm đã đoạt giải hoặc triển lãm, chuyện chụp những file ảnh na ná nhau, chỉ khác nhau 1 chút về động tác gửi đi gửi lại...

Ông Trần Phong cũng đề cập tới lối mòn trong thẩm định ảnh và giám khảo nhiều khi quá nặng về sở thích và cái gu cá nhân khi chấm ảnh...

Nhà nghiên cứu lý luận phê bình nhiếp ảnh Vũ Đức Tân (Hà Nội) đặt vấn đề: Làm sao để có tác phẩm hay. Ông nhấn mạnh trước hết người chụp phải có đầu óc sáng tạo. Làm nghệ sĩ thì sở thích phải đi kèm với lao động và mục đích sống mới có tác phẩm hay. Về chính sách Nhà nước phải quan tâm đến lưu trữ hơn, cần có bảo tàng nhiếp ảnh số, chú ý khuyến khích các gallery, các nhà sưu tập cá nhân.

Bàn về tác động của trí tuệ nhân tạo (AI) với nhiếp ảnh nghệ thuật có hai tham luận của nghệ sĩ Lý Hoàng Long (Đà Lạt) và nhà nghiên cứu lý luận phê bình Trần Quốc Dũng (TP Hồ Chí Minh).

Theo ông Long “AI đang được sử dụng để nâng cao chất lượng hình ảnh, độ chi tiết, độ sắc nét tạo ra hình ảnh sống động với ngành đồ họa quảng cáo”. Còn với ông Dũng “AI mang vai trò quyết định trong việc tạo ra hình ảnh chắp ghép nhưng tuân thủ các quy luật ngặt nghèo, khắt khe về ánh sáng, thời gian, không gian… giống như thật”.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn