MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bố già của Trấn Thành. Ảnh: ĐPCC

Khi “Bố già” không già như đời

ngọc dủ LDO | 11/03/2021 06:30
Thành công của phim web drama “Bố già” chính là động lực để Trấn Thành đầu tư làm phiên bản điện ảnh. Phim được xây dựng mới mẻ hơn, đời hơn nhưng liệu có phải là tác phẩm xuất sắc như mong đợi và ca ngợi?

Ăn điểm nhờ kịch bản hướng về gia đình hay...

Chỉ trong 4 ngày chiếu sneakshow (chiếu sớm), “Bố già” của Trấn Thành đã lập kỷ lục khi là phim Việt đầu tiên cán mốc 100 tỉ đồng nhanh nhất mọi thời đại. Thành công này đến từ nhiều yếu tố.

Phim mang lại cho người xem về câu chuyện về ba Sang (Trấn Thành) “gà trống nuôi con”. Họ sống trong một con hẻm chật chội và ngập nước ở TPHCM. Nhưng bù lại, xung quanh toàn tình thân với đủ kiểu người trong xã hội.

“Bố già” được xây dựng đúng nghĩa là một bộ phim hướng về gia đình. Chính vì thế, phim khai thác triệt để những mâu thuẫn, xung đột của các thành viên trong gia đình để đánh vào tâm lý người xem - đây là mô tuýp không mới của màn ảnh Việt.

Trong “Bố già”, Trấn Thành là người giữ vai là “linh hồn” của tác phẩm. Anh cho thấy bản thân có sự tiến bộ trong diễn xuất, không phải chỉ tập trung vào những mảng miếng hài quen thuộc mà còn có những khoảng lặng khiến khán giả xúc động. Bên cạnh Trấn Thành, gương mặt trẻ Tuấn Trần cũng để lại ấn tượng không kém. Khi đóng chung với Trấn Thành lẫn các đàn anh, đàn chị, nam diễn viên không bị lép vế mà vẫn tạo được điểm nhấn. Anh và Trấn Thành cũng có những phân đoạn đẩy cảm xúc của khán giả lên cao qua các phân đoạn mâu thuẫn, cãi vả. Trong dàn diễn viên phụ, những nghệ sĩ giàu thực lực như Ngọc Giàu, Lan Phương, La Thành... đều làm tròn vai và mang lại cảm giác tự nhiên.

Ngoài ra, phim “Bố già” thành công một phần không thể không kể đến yếu tố “thiên thời địa lợi nhân hòa”. Nói một cách khác, ngoài sức hút của một sao đang hot hàng đầu showbiz hiện nay là Trấn Thành thì tác phẩm “Bố già” chọn điểm rơi rất đúng thời điểm. Bởi phim ra mắt vào dịp không có bom tấn Hollywood và nhiều phim Việt cạnh tranh ngoài rạp (ngoại trừ Gái già lắm chiêu V). Bên cạnh đó, sau thời điểm khó khăn vì dịch bệnh, khán giả thích xem những tác phẩm hài hước nhưng đề cao tính gia đình và “Bố già” đã làm được điều đó.

Sau cùng phải khen đến cách làm truyền thông của ê-kíp “Bố già” khi tạo được hiệu ứng mạnh mẽ: Dàn nghệ sĩ showbiz nhiệt tình ủng hộ, những đoạn cắt, hình ảnh phim được bàn luận rôm rả trên mạng xã hội khiến dù muốn hay không khán giả cũng sẽ tò mò, chú ý.

Và còn tiếc nhiều điểm...

Không thể phủ nhận được sự thông minh, biến hóa của Trấn Thành nhưng khi xem “Bố già”, người ta thấy nhân vật ba Sang cũng anh lại thiếu sự từng trải và chất đời. Nếu như Quắn của Tuấn Trần ghi điểm khi nhập vai rất ngọt thì Trấn Thành lại mang đến cảm giác khiên cưỡng và đang cố “già” người để đóng một người đàn ông trung niên, trải đời.

Thực chất mà nói, vai ba Sang của Trấn Thành chưa đủ độ sâu. Có lúc, người ta thấy Trấn Thành đang “diễn” hơn là đang thực sự “sống” với hình ảnh ba Sang của mình trong phim. Có lẽ vì tuổi đời của Trấn Thành còn trẻ nên dù có kinh nghiệm diễn xuất nhưng sự từng trải của anh ở vai một người cha là chưa đủ thuyết phục. Nói cách khác, Trấn Thành “chưa đủ già”, đủ trải đời để vào vai một gã đàn ông trung niên và từng trải.

Trong “Bố già” có một điểm nhấn đáng chú ý là nhiều câu thoại rất đời. Nhưng việc lạm dụng thoại quá nhiều thay cho việc bộc lộ qua ánh mắt, nét mặt đã khiến tác phẩm chưa thoát được “chất” web - drama hay truyền hình.

Trong đó điển hình là việc đạo diễn xây dựng nhân vật ông Sang - với một người cha từng trải, đôi khi chỉ cần những hành động nhỏ như cái nhíu mày, cái vỗ vai cũng đủ khiến người ta hiểu được ý đồ nhân vật, không cần phải nói bộc lộ cảm xúc của mình ra bằng ngôn ngữ. Và khi lạm dụng quá nhiều lời thoại và đặt trong bối cảnh xóm lao động nghèo khiến “Bố già” trở nên ồn ào và thiếu tinh tế.

Không thể phủ nhận rằng, “Bố già” có kịch bản tốt nhưng việc ôm quá nhiều tình tiết, các mâu thuẫn chưa giải quyết triệt để gây cảm giác bức bối và bị lê thê, không gãy gọn. Trong khi một số tình tiết khác lại diễn ra quá nhanh, không đọng lại được điều gì cho người xem. Trong đó, điển hình là giai đoạn nhân vật Quắn của Tuấn Trần trở thành ngôi sao.

“Bố già” của Trấn Thành mang đến câu chuyện gia đình với những chất liệu thuần Việt. Tác phẩm dù có nhiều tình tiết mới và cố gắng tạo cho khán giả những câu chuyện rất đời trong cuộc sống. Nhưng so với những ông bố trên màn ảnh, ba Sang của Trấn Thành chỉ khác ở việc nói nhiều hơn, hài hước hơn, năng động hơn. Đây được xem là bản chất thật của Trấn Thành và như thể nhân vật này được anh bê nguyên từ đời thường vào phim.

Nhìn chung, “Bố già” là một sản phẩm đáng xem đến từ Trấn Thành và ê-kíp sản xuất dù phim vẫn còn nhiều lỗi trong nội dung, cách diễn xuất của các diễn viên. Với bối cảnh phim Việt đang rơi vào tình trạng “thoi thóp” vì dịch COVID-19 thì việc trở lại của “Bố già” được xem là “nước cờ” dũng cảm của Trấn Thành. Và với những người yêu thích thể loại phim gia đình thì có lẽ “Bố già” vẫn là một lựa chọn hợp lý.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn