MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Khi nào dưa muối, bánh chưng ở Việt Nam sẽ xuất khẩu nhờ phim?

Mi Lan LDO | 16/10/2022 06:50
Trong cuộc trò chuyện với phóng viên Lao Động về nền công nghiệp văn hóa hái ra tiền của Hàn Quốc, ông Suk Jin Young - Giám đốc Trung tâm Văn hóa Hàn Quốc – cho rằng, Hàn Quốc làm như vậy vì đã có cả một chiến lược đầu tư bài bản.

Việc biến phim ảnh thành công cụ quảng bá văn hóa, ẩm thực, hàng tiêu dùng... đã được chính phủ Hàn Quốc tính toán ngay từ đầu khi họ lên kế hoạch phát triển ngành công nghiệp văn hóa.

Quan điểm của Hàn Quốc, văn hóa và các ngành giải trí là “sức mạnh mềm” có thể giúp hình ảnh quốc gia thăng hạng, đồng thời xuất khẩu khi văn hóa, ẩm thực trở thành thương hiệu.

Xuất khẩu từ bột ớt, nước sốt đến kim chi

Ông Suk Jin Young chia sẻ, Hàn Quốc từng là quốc gia bán đảo nghèo, quy mô dân số, lãnh thổ có hạn, tài nguyên thiên nhiên không dồi dào, bởi vậy, họ buộc phải nghĩ đến xuất khẩu ở nhiều ngành nghề.

“Hàn Quốc đã bị đặt vào hoàn cảnh thực tế là không có cách nào khác ngoài việc khuyến khích xuất khẩu. Tôi nghĩ rằng, có lẽ, bên trong người Hàn Quốc có tồn tại loại DNA tâm niệm rằng việc bước ra thế giới là vì mục tiêu sinh tồn và phát triển, đó không phải là lựa chọn mà là bắt buộc” – ông Suk Jin Young nói.

Chính vì điều này, họ đã tìm cách xuất khẩu từ món kim chi (một dạng dưa muối) trở đi. Dựa vào phim ảnh, những món ăn bình dân nhất của Hàn Quốc như kim chi, tokbokki, mì gói... đến những gia vị đặc trưng như bột ớt, nước sốt cũng có thể xuất khẩu.

Ẩm thực, văn hóa Hàn Quốc được quảng bá hiệu quả qua phim ảnh. Ảnh: CMH

Trong khi đó, phim Việt chưa từng có kế hoạch quảng bá cho văn hóa, ẩm thực một cách bài bản. Chỉ 5 năm trở lại đây, phim Việt mới ý thức hơn về việc quảng bá du lịch nội địa nhờ phim ảnh. Những bộ phim “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh”, “Mắt biếc”... với những thước phim đẹp như mơ đã tạo cơn sốt du lịch cho Phú Yên và Huế. Những bộ phim ngoại quay tại bối cảnh Việt Nam như “Kong: Skull Island” (Mỹ) quay tại Ninh Bình năm 2017 cũng giúp thu hút lượng lớn khách du lịch đổ về đây.

Tuy nhiên, ý thức về việc quảng bá du lịch của phim Việt cũng rất manh mún, xuất hiện lác đác trong vài phim có bối cảnh đẹp và quay phim chắc tay. Việc có cả một chiến lược đặt ra cho tất cả dự án phim, việc yêu cầu phim phải gánh trách nhiệm quảng bá du lịch, văn hóa hay ẩm thực Việt - hiện chưa có.

Ẩm thực Việt xuất hiện trên phim sơ sài. Những cảnh quay ăn uống chỉ xuất hiện cho có, thậm chí còn dùng đạo cụ bằng nhựa để mô phỏng. Một con gà quay bằng nhựa được sử dụng từ phim nọ sang phim kia. Diễn viên đi quay phim có cảnh ăn uống về đến nhà kêu trời vì ăn phải thức ăn ôi thiu, mất vệ sinh...

Bộ phim Kong: Skull Island từng giúp Ninh Bình thu hút được du lịch. Ảnh: CMH

Khi Việt Nam lên kế hoạch xây dựng chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa, việc phối hợp giữa các ngành nghề trở nên quan trọng hơn bao giờ hết.

Chưa kể, du lịch, ẩm thực và điện ảnh đều là những mũi nhọn hàng đầu của chiến lược công nghiệp văn hóa ở Việt Nam đến 2030. Sự phối hợp giữa điện ảnh và du lịch, ẩm thực sẽ phát huy tối đa tiềm lực của mỗi ngành.

Bài học từ Hàn Quốc

Trước câu hỏi, khi nào công nghiệp văn hóa ở Việt Nam có thể kiếm được tiền cho GDP quốc gia như Hàn Quốc, khi nào dưa muối, dồi lợn, bánh cuốn, bánh chưng... cũng có thể xuất khẩu nhờ phim Việt, ông Suk Jin Young cho rằng, điều đó phải cần thời gian và sự đồng lòng của nhân lực các ngành kết hợp. Quảng bá văn hóa, ẩm thực qua phim ảnh là một cách làm đạt hiệu quả cao.

Theo ông Suk Jin Young, những món ăn bản địa cũng giống như văn hóa bản địa có sức hút riêng biệt, “món ăn và văn hóa quốc gia này ngay lập tức chưa thể trở nên hấp dẫn đặc biệt với người dân quốc gia khác”.

Để ẩm thực, văn hóa bản địa có tính toàn cầu, có thể bước ra thế giới với nét riêng biệt đặc thù, phải cần đến những câu chuyện có tính phổ quát.

Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh, Mắt biếc... từng thu hút được khách du lịch cho Phú Yên, Huế. Ảnh: NSX

“Ví dụ, trong trường hợp của các bộ phim truyền hình hay phim điện ảnh Hàn Quốc lấy bối cảnh thời kỳ lịch sử Joseon, do nội dung này khá xa lạ với người dân ở các quốc gia khác ngoài Hàn nên rất khó để nhận được sự đồng cảm, yêu thích nếu chỉ bằng riêng chất liệu đó.

Tuy vậy, bởi vì những bộ phim đó được lồng ghép một cách thời thượng và thú vị những câu chuyện phổ biến có thể dễ dàng nhận được sự đồng cảm của tất cả người dân trên thế giới, nên các nội dung văn hóa của Hàn Quốc mới có thể nhận được nhiều tình yêu mến từ người dân ở khắp mọi nơi trên thế giới như vậy.

Vượt qua thời gian và không gian, mỗi quốc gia đều có sự khác biệt ít nhiều nhưng luôn có những câu chuyện đầy thú vị để kể về tình yêu, tham vọng thành công, âm mưu và sự phản bội” – ông Suk Jin Young nói.

Theo ông Suk Jin Young, để văn hóa, ẩm thực bản địa bước ra thế giới – giống như phim Hàn đã từng làm, đó là khoác lên mỗi món ăn, mỗi loại thực phẩm một câu chuyện đầy cảm xúc, đầy tính thông điệp – mà ai xem, dù ở bất kỳ quốc gia nào, cũng thấy mình trong đó.

Ông Suk Jin Young - Giám đốc Trung tâm Văn hóa Hàn Quốc tại Việt Nam. Ảnh: NVCC

Xem một câu chuyện tình yêu đầy cảm động, khán giả sẽ đi ăn món ăn mà cô gái hay chàng trai trong mối tình ấy vẫn thích ăn.

Nói cách khác, văn hóa hay ẩm thực bản địa – cần những câu chuyện hay, thú vị, hấp dẫn, có tầm nhìn, vượt qua mọi ranh giới quốc gia – để bước ra thế giới.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn