MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Thiết kế album Gieo do Duy Đào thực hiện. Ảnh: Nghệ sĩ cung cấp

Khi nghệ sĩ Việt được đề cử Grammy, và lọt vào danh sách rút gọn của Oscar

Liên Phương LDO | 07/12/2023 06:01

Thông tin ban nhạc Ngọt cùng album “Gieo” được đề cử giải thưởng danh giá Grammy 2024 gây sốt trong giới âm nhạc. Trước đó, đầu năm 2023, bộ phim tài liệu “Những đứa trẻ trong sương” của đạo diễn Hà Lệ Diễm lọt vào đến danh sách rút gọn của Oscar.

Grammy là giải thưởng do Học viện Ghi âm Mỹ trao tặng nhằm ghi nhận những thành tựu xuất sắc trong ngành công nghiệp âm nhạc.

Bước đột phá

Theo Los Angeles Time, “Gieo” được đề cử ở hạng mục Boxed or Special Limited-Edition Package (Thiết kế album đẹp nhất) của Grammy. Cùng tranh hạng mục này còn có “The Collected Works of Neutral Milk Hotel” do Jeff Mangum, Daniel Murphy & Mark Ohe làm giám đốc nghệ thuật, “For the Birds: The Birdsong Project” của Jeri Heiden & John Heiden, “Inside: Deluxe Box Set” của Bo Burnham & Daniel Calderwood và “Words & Music, May 1965” - Deluxe Edition.

Duy Đào là người Việt đầu tiên được đề cử ở một trong những giải thưởng âm nhạc lớn nhất hành tinh. Đây là bước đột phá với không chỉ cá nhân Duy Đào mà với cả ngành âm nhạc.

Đặc biệt, trong bối cảnh, điện ảnh và âm nhạc (trong khối các ngành biểu diễn) đang được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xác định nằm trong 12 ngành mũi nhọn của công nghiệp văn hóa.

Khi bộ phim tài liệu “Những đứa trẻ trong sương” của đạo diễn trẻ Hà Lệ Diễm vượt qua 143 tác phẩm đến từ khắp các quốc gia trên thế giới và lọt danh sách rút gọn Top 15 hạng mục Phim tài liệu dài xuất sắc ở Oscar 2023 cũng gây nức lòng với khán giả.

Khán giả kỳ vọng những gương mặt trẻ, tài năng sẽ đủ sức làm thay đổi cục diện của ngành âm nhạc, điện ảnh.

Câu chuyện của những “cánh én nhỏ”

Nhìn nhận trực diện sẽ thấy, một vài cánh én nhỏ, sẽ khó làm nên cả mùa xuân. Thành tích của Duy Đào hay Hà Lệ Diễm là những tín hiệu tích cực cho ngành công nghiệp giải trí, tuy nhiên, chỉ một vài cá nhân phát sáng sẽ chưa đủ để vực dậy cả nền âm nhạc hay điện ảnh đang còn tồn đọng nhiều hiện trạng nan giải.

Boxed or Special Limited-Edition Package là hạng mục được trao cho giám đốc nghệ thuật của album chiến thắng. Tức người được vinh danh ở đề cử năm nay là giám đốc nghệ thuật Duy Đào, không phải ban nhạc Ngọt. Đồng nghĩa, đề cử này chưa phản ánh việc âm nhạc của Ngọt nói riêng và Vpop nói chung đã đến với khán giả quốc tế.

Trước đó, nhạc Việt từng có ca khúc “See tình” tạo cơn sốt ở nhiều quốc gia châu Á. Nhưng SCMP nhận định, sức nóng của một bài hát nếu có chỉ dừng ở một nền tảng, nhanh đến nhanh đi.

Khoảng cách của nhạc Việt với các thị trường lân cận như Thái Lan, Hàn Quốc là quá lớn chứ chưa kể tới Mỹ. Hàn Quốc đã phải mất rất nhiều năm thăm dò thị trường quốc tế, chấp nhận thất bại của BoA, Seven, Wonder Girls, sau đó mới có hiện tượng “Gangnam Style”, và bùng nổ với thành công của Blackpink, BTS.

Nhưng ngay cả thế, theo báo cáo do công ty phân tích thị trường âm nhạc toàn cầu Luminate công bố vào tháng 8 năm nay, âm nhạc bằng tiếng Hàn chỉ xếp thứ 3 về độ phổ biến với tỉ lệ rất thấp là 0,9%. Trong Top 10.000 bài hát được nghe nhiều nhất trên nền tảng âm nhạc Mỹ nửa đầu năm nay theo ngôn ngữ, tiếng Anh chiếm tới 88,3%.

Điều đó cho thấy, một vài thành tích nhỏ bé chỉ là bước khởi đầu và âm nhạc, điện ảnh Việt còn phải đi chặng đường rất dài.

Trao đổi với phóng viên Lao Động về đề tài này, đạo diễn Nguyễn Quang Dũng nói: “Kể cả chúng ta có phim đoạt Oscar đi nữa, đó cũng chỉ là một cá nhân nhỏ lẻ. Muốn công nghiệp hóa phim ảnh, âm nhạc, hay cả nền văn hóa giải trí, sẽ cần đến rất nhiều người tài ở nhiều khâu khác nhau. Đi kèm với nguồn lực nhiều tài năng ở nhiều khâu, chúng ta còn cần thêm chính sách hỗ trợ từ Nhà nước, sự tham gia đầu tư của các doanh nghiệp, cần cả một thị trường sôi động để hoạt động thương mại diễn ra chuyên nghiệp”.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn