MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Cảnh trong phim "Đất rừng phương Nam". Ảnh: Nhà sản xuất

Khi phim Đất rừng phương Nam trở thành đề tài được bàn luận nhiều ở Quốc hội

Mi Lan LDO | 08/11/2023 16:56

Điện ảnh nói riêng và công nghiệp văn hóa nói chung đang được quan tâm hơn bao giờ hết khi những vấn đề xoay quanh bộ phim “Đất rừng phương Nam” trở thành đề tài được bàn luận nhiều ở kỳ họp Quốc hội lần này.

Giới làm phim những ngày này bày tỏ sự ngạc nhiên bởi rất hiếm khi một bộ phim được mang ra bàn luận nhiều như ở Quốc hội lần này.

Khi chủ đề điện ảnh vào nghị trường Quốc hội

Sáng 8.11, tại phiên chất vấn đối với lĩnh vực văn hóa – xã hội trong khuôn khổ họp Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, câu chuyện về trách nhiệm kiểm duyệt phim của các cơ quan chức năng được đặt ra nhìn từ trường hợp “Đất rừng phương Nam”.

Theo đó, đại biểu Trịnh Xuân An - Ủy viên chuyên trách Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội (Đoàn Đồng Nai) cho rằng, bộ phim được Hội đồng kiểm duyệt ngày 29.9 bảo đúng, tới ngày 15.10 thì đề nghị sửa "sau khi lắng nghe dư luận". Đại biểu cho rằng, như vậy chất lượng kiểm định và trách nhiệm của Cục Điện ảnh là chưa cao.

Đại biểu Trịnh Xuân An cũng đưa góc nhìn, đây là hình thức biểu hiện trạng thái ý thức của xã hội rất bình thường. Dư luận thì có dư luận đúng, dư luận sai, có cái tốt, có cái xấu, không phải ý kiến nào được nêu ra cũng là để "đánh cho ai đó chết" mà là để góp ý, nêu quan điểm để làm cho mọi thứ rõ ràng, tốt đẹp hơn.

Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng trả lời tại phiên chất vấn về các vấn đề văn hóa, trong đó có liên quan đến phim “Đất rừng phương Nam“. Ảnh: Phạm Đông

Đại biểu Trịnh Xuân An tranh luận với ý kiến của Bộ trưởng Bộ Văn hoá - Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng khi chiều 7.11 bộ trưởng cho rằng, phim “Đất rừng phương Nam” không vi phạm Luật Điện ảnh, chuyện dư luận cho rằng có “biểu hiện này, biểu hiện khác” thì đó là những dư luận chưa thật chuẩn xác, cũng cần xem xét, tính toán để xử lý theo quy định nếu như có vấn đề xúc phạm, bôi xấu.

Trước đó, ngày 24.10 trong khuôn khổ buổi thảo luận tại tổ, đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hoá-Giáo dục của Quốc hội, cũng đưa ý kiến về doanh thu của phim “Đất rừng phương Nam” và làm phép đối sánh với những bộ phim lịch sử do Nhà nước đặt hàng thường khô cứng, khó tiếp cận thị trường.

Điện ảnh và công nghiệp văn hóa được quan tâm

Từ trường hợp của bộ phim “Đất rừng phương Nam”, nhiều vấn đề đã được đặt ra, được bàn luận tại kỳ họp Quốc hội lần này, từ khâu kiểm duyệt, dư luận tranh cãi dữ dội quanh nội dung phim, có hay không sự “bắt nạt” trên mạng xã hội đối với bộ phim này đến chuyện doanh thu, làm cách nào để bán vé, thu lời khi phim ảnh kỳ vọng kiếm ra tiền cho GDP trong những năm tới.

Bên cạnh đó, nhiều vấn đề văn hóa cũng được bàn đến, đặc biệt xoay quanh dự thảo Chương trình mục tiêu quốc gia chấn hưng, phát triển văn hóa với 350.000 tỉ đồng của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Nhiều ĐBQH tham gia đóng góp ý kiến để định hướng phát triển văn hóa nói chung, điện ảnh nói riêng.

Trong chiến lược công nghiệp hóa văn hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045, điện ảnh là một trong 12 ngành mũi nhọn được kỳ vọng sẽ kiếm ra tiền, đóng góp cho GDP.

Nhưng thực tế cho thấy, điện ảnh Việt đang tồn tại muôn vàn bất cập và khó khăn khi bàn đến chiến lược công nghiệp hóa.

Hiện, hầu hết phim Việt đang trong tình trạng chất lượng thấp, ra rạp không bán được vé, năm 2022 được xem là năm thua lỗ đáng báo động khi gần 40 phim ra rạp đều thất bại về doanh thu.

Nhiều vấn đề về điện ảnh được bàn luận tại Quốc hội lần này, nhìn từ trường hợp phim Đất rừng phương Nam. Ảnh: Nhà sản xuất

Việc phim Nhà nước đặt hàng luôn nặng tính tuyên truyền, khô cứng, cũ mòn, không ai xem, cũng gây nhức nhối trong nhiều thập kỷ, nhưng đến nay vẫn kéo dài, chưa có dấu hiệu chấm dứt.

Câu chuyện trường quay cũng gây tranh cãi bất tận, khi giới làm phim cho rằng cần một phim trường đẳng cấp để quay phim, nhưng trường quay Cổ Loa đổ tiền tái dựng lại bỏ không, không đoàn phim nào đến.

Từ điện ảnh, bàn xa hơn đến các lĩnh vực văn hóa, PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ - nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương cho rằng, chúng ta cần một đề án có tầm nhìn, cụ thể, chi tiết, đánh giá đúng trọng tâm đầu tư, để từ đó chi tiền có hiệu quả.

Đầu tư cho văn hóa, cho những ngành tiềm năng như điện ảnh đang được Nhà nước quan tâm, được đặt ra cấp thiết, nhưng làm thế nào để “hiện thực hóa giấc mơ” lại là câu hỏi còn bỏ ngỏ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn