MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Lễ phục Hoàng tử - Phò mã - Công chúa của hoạ sĩ Nguyễn Văn Nhân. Ảnh: Tường Minh

Khi Phò mã chỉ là cái bóng của các công chúa triều Nguyễn

Tường Minh LDO | 04/07/2021 10:00

Chồng của các công chúa triều Nguyễn được phong là Phò mã Đô uý, vào hàng quan tam phẩm. Tuy nhiên Phò mã là chức danh không có thực quyền và chỉ là cái bóng của công chúa.

Chúng ta thường nghe "công chúa hạ giá", nghĩa là công chúa lấy chồng. "Hạ" ở đây là hạ mình khiêm tốn; "giá" là lấy chồng.

Công chúa thuộc hàng cao quý, cành vàng lá ngọc, không có người môn đăng hộ đối để kết duyên nên phải khiêm tốn hạ mình để lấy chồng, dù chồng có là con quan lớn trong triều.

Chồng của công chúa sẽ được phong làm "Phò mã Đô uý", vào hàng quan tam phẩm. Đó là một vinh hàm, được hưởng trợ cấp nhưng không có thực quyền.

Phò mã được cấp 50 lính hầu đặt dưới sự chỉ huy của một đội trưởng. Tuy nhiên, đặc quyền này chỉ có từ thời vua Tự Đức trở về trước.

Đáng nói, làm Phò mã tuy danh giá, nhưng lại chịu rất nhiều thiệt thòi trong xã hội đa thê. Bởi theo quy định, Phò mã không được lấy vợ lẽ, ngoài trừ trường hợp công chúa không thể sinh con.

Về mặt danh phận, người ta cũng không bao giờ nói "đến phủ Phò mã" mà chỉ nói là "đến phủ của bà chúa....".

Các con của Phò mã cũng được gọi là "Mệ". Nhưng người ta lại không gọi là "Mệ X con của Phò mã Y..." mà nói là "Mệ X con của bà chúa H".

Tóm lại, Phò mã dưới triều Nguyễn chỉ là cái bóng mờ bên cạnh một bà vợ cành vàng lá ngọc. Điều này còn được minh chứng bằng việc mỗi khi trong cung có yến tiệc, bà chúa thì được mời còn Phò mã thì không bao giờ!

Tuy vậy dưới triều Nguyễn, cũng có những Phò mã có tài, ra làm quan văn võ và lập nhiều công trạng lớn.

Tiếng tăm trong lịch sử, có thể kể đến Chưởng Hậu quân Hoài Quốc Công Võ Tánh, em rể vua Gia Long, tử tiết ở thành Bình Định năm 1801.

Hay Phò mã Nguyễn Lâm, con trai của Nguyễn Tri Phương, tử trận khi thành Hà Nội thất thủ vào tay người Pháp năm 1873.

Và Hoàng Kế Viêm (Hoàng Tá Viêm), con rể vua Minh Mạng, chồng của công chúa Hương La (Nguyễn Phúc Quang Tĩnh), đồng thời cũng là danh tướng, đại thần các triều Tự Đức, Kiếm Phúc, Hàm Nghi, Đồng Khánh....

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn