MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Cảnh hậu trường phim "Đào, Phở và Piano". Ảnh do Cục Điện ảnh cung cấp

Khó đoán ngôi vương ở giải Cánh diều 2024

Việt Văn LDO | 01/09/2024 06:20

Mùa thứ ba của giải Cánh diều - Hội Điện ảnh Việt Nam được tổ chức ở thành phố biển xinh đẹp Nha Trang. Năm nay, số lượng và chất lượng phim dự thi khá hùng hậu và bao giờ cũng thế, phim truyện điện ảnh là lĩnh vực được quan tâm nhất.

Mảng đề tài năm nay khá phong phú. Từ đề tài lãnh tụ như “Vầng trăng thơ ấu” (Công ty Cổ phần phim Giải phóng), đề tài lịch sử, chiến tranh như “Hồng Hà nữ sĩ” (HongNgat Film), “Đào, Phở và Piano” (Công ty CP phim truyện 1), đến đề tài tâm lý xã hội - “Móng vuốt”, “Fanti” (Công ty CP Hoan Khuê), "Mai" (Công ty CP TNHH Trấn Thành Town và Công ty CJ HK) “Bà già đi bụi” (Công ty CP phim truyện 1), hay kinh dị - “Quỷ cẩu” (Công ty 98S Group)…

Đây còn là cuộc đấu của các thế hệ đạo diễn từ lão làng như Hồ Ngọc Xum, Phi Tiến Sơn, trung niên có bề dày thành tích như Bùi Tuấn Dũng, Nguyễn Đức Việt đến những gương mặt trẻ như Phạm Ngọc Lân, Khương Ngọc… và cả những “ông vua” phòng vé như Trấn Thành. Tiếc là một đạo diễn triệu đô khác là Lý Hải lại không tham gia “Lật mặt 7: Một điều ước”.
Dĩ nhiên, trong số các ứng viên vượt trội không thể không nhắc đến “Mai” của Trấn Thành, “Đào, Phở và Piano” của Phi Tiến Sơn.

Ngay khi gia nhập thị trường điện ảnh Việt, Trấn Thành đã thắng lợi rực rỡ ngay từ phim đầu tiên với “Bố già” và tiếp đến là “Nhà bà Nữ” và đặc biệt “Mai” đã tạo nên một cột mốc kỷ lục doanh thu phim Việt với trên 22 triệu USD (gần 540 tỉ đồng). “Gãi trúng chỗ ngứa” của khán giả bình dân, “Mai” với một câu chuyện nhiều gia vị ái - ố - hỉ - nộ cùng diễn xuất duyên dáng của Phương Anh Đào và Tuấn Trần đã khẳng định tài năng của Trấn Thành như là một trong những ông vua của phim thương mại.

Trong bối cảnh Việt Nam đang phát triển công nghiệp Điện ảnh, Mai hứa hẹn sẽ là ứng cử viên hàng đầu. Đối thủ hùng mạnh có thể “đánh đổ” “Mai” chính là “Đào, phở và piano” của Phi Tiến Sơn - Một bộ phim lịch sử bi tráng, từng tạo nên cơn sốt khán giả ở hệ thống rạp chiếu và trên mạng xã hội. Đây cũng là phim nhà nước đặt hàng duy nhất đạt doanh thu cao trong những năm gần đây, tạo ra động lực, cú huých quan trọng cho các nhà làm phim Việt Nam vốn đau đáu với đề tài lịch sử, chiến tranh, cách mạng.

Một màu sắc mới - “Bà già đi bụi” của Trần Chí Thành là câu chuyện tình yêu giàu cảm xúc, nối dài từ quá khứ đến hiện tại, là điểm tựa để con người ta sống vui trong những năm tháng thu tàn của đời người. “Bà già đi bụi” cũng cho thấy một sự đổi mới trong cách khai thác và thể hiện đề tài tâm lý xã hội của Hãng phim truyện I.

Một ứng cử viên khác, “Cu li không bao giờ khóc” của đạo diễn trẻ Phạm Ngọc Lân, với “vốn liếng” là giải thưởng tại LHP Berlin và Liên hoan phim Đà Nẵng (DANAFF).

Đóng góp cho sự đa dạng của giải Cánh Diều năm nay là “Fanti” của đạo diễn Andy Nguyễn và “Live - phát trực tiếp” của đạo diễn Khương Ngọc là những mảng màu sống động về đời sống của lớp trẻ với cách nghĩ và những hành động phá cách, thể hiện cái tôi của mình. Tuy nhiên, cách thể hiện của hai phim này chưa thật thuyết phục người xem.

“Quỷ cẩu” của đạo diễn Lưu Thành Luân là một trong những bộ phim kinh dị có thể coi là tốt nhất trong những năm gần đây (cùng với “Kẻ ăn hồn”). Với thông điệp về luật nhân quả thông qua một câu chuyện hấp dẫn, giàu kịch tính, bộ phim đã đạt được doanh thu cao tại các phòng chiếu và hoàn toàn có thể nhắm tới một giải thưởng năm nay.

Khai thác đề tài nghệ thuật truyền thống, bộ phim “Sáng đèn” của đạo diễn Hoàng Tuấn Cường lấy bối cảnh năm 1994, khi nhiều đoàn cải lương miền Tây bắt đầu tan rã. Thông qua nỗ lực thay đổi để tồn tại của một đoàn ca cổ trong cơ chế thị trường, bộ phim khắc họa được tình nghệ sĩ, có trước có sau của các thành viên trong gánh hát. Nhiều trích đoạn cải lương nổi tiếng như “Tiếng trống Mê Linh”, “Quân vương và thiếp”, “Đức vương Ngô Quyền”… đã kéo người xem trở về một thời vàng son của nghệ thuật cải lương truyền thống.

Bộ phim “Đóa hoa mong manh” cho thấy sự tâm huyết, kiên trì theo đuổi con đường nghệ thuật của một nữ diễn viên - doanh nhân - đạo diễn Mai Thu Huyền dù chưa đạt được doanh thu phòng vé như mong đợi.

So với năm ngoái, giải Cánh diều năm nay sẽ là cuộc đua khốc liệt hơn, với những mảng màu đa dạng hơn và chắc chắn, Ban giám khảo sẽ phải đau đầu để tìm ra không chỉ phim đạt giải Vàng mà còn cả những vị trí tiếp theo. Bản lĩnh nghề nghiệp và sự cân đối trong một cái nhìn tổng thể về sự phát triển thị trường Điện ảnh Việt Nam sẽ là yếu tố quan trọng để lựa chọn thứ tự giải thưởng.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn