MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Vở opera “Công nữ Anio” đánh dấu cột mốc kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Nhật Bản được chuẩn bị trong 3 năm. Ảnh: Ban tổ chức

Khó khăn của hành trình quảng bá văn hóa ra thế giới

Huyền Chi LDO | 02/10/2023 11:11

Năm 2021, Chiến lược Phát triển Văn hóa đến năm 2030 (sau đây viết tắt là Chiến lược) được ban hành. Nhìn lại hành trình phát triển, Việt Nam đã có những bước tiến đáng ghi nhận trong công cuộc quảng bá văn hóa với bạn bè quốc tế.

Những thách thức khi quảng bá văn hóa ra quốc tế

Trong Chiến lược Phát triển Văn hóa đến năm 2030, Việt Nam đã đề ra hệ thống gồm những nhiệm vụ và giải pháp để mở rộng hợp tác, giao lưu văn hóa.

Tổng kết quá trình Nghị quyết 22-NQ/TW của Bộ Chính trị về hội nhập quốc tế, Việt Nam đã ký hơn 100 văn bản, điều ước quốc tế trong lĩnh vực văn hóa và du lịch. Từ năm 2021 đến nay, sau khi Chiến lược được đưa vào thực hiện, chúng ta đã ký 24 điều ước, thỏa thuận quốc tế.

Cục Hợp tác Quốc tế đã tham mưu để Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành kế hoạch chủ động triển khai các hoạt động văn hóa đối ngoại. Năm vừa qua, các Tuần văn hóa, lễ hội văn hóa đã được tổ chức. Trong đó, 7 Tuần văn hóa đã diễn ra tại các địa phương trọng điểm; kỷ niệm quan hệ hợp tác với Lào, Campuchia; 50 năm quan hệ ngoại giao với Ấn Độ; 30 năm quan hệ ngoại giao với Hàn Quốc; Tuần văn hóa Nga tại Việt Nam…

Bên cạnh đó, Việt Nam đã thể hiện sự chủ động trong hợp tác văn hóa khi ứng cử làm thành viên của Ủy ban liên Chính phủ Công ước 2005 về bảo vệ và phát huy sự đa dạng các biểu đạt văn hoá, thành viên của Ủy ban liên Chính phủ Công ước 2003 về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể của UNESCO; thành viên điều hành của nhiều liên đoàn, các cơ quan văn hóa và biểu diễn nghệ thuật quốc tế.

Và bài toán kinh phí

Trong năm 2023, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tổ chức nhiều chương trình nghệ thuật, triển lãm, tuần phim, chương trình nhạc cổ điển hỗ trợ trong các hoạt động ngoại giao.

Bà Nguyễn Phương Hòa - Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế - chia sẻ: “Những hoạt động đó thể hiện sự quan tâm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước trong việc giới thiệu văn hóa Việt Nam đến bạn bè quốc tế, đồng thời cũng đặt ra những áp lực đối với những người làm công tác hợp tác quốc tế. Tất cả những nhiệm vụ chính trị đối ngoại này đều không có kinh phí, thời gian gấp rút, công tác chuẩn bị nhiều khó khăn”.

Câu hỏi đặt ra là làm thế nào để có thể tăng sự hiện diện của Việt Nam trên trường quốc tế. Để làm được điều đó, các chuyên gia cho rằng, cần có sự đầu tư về kinh phí của Nhà nước, không thể trông chờ vào nguồn vốn xã hội hóa.

Tới đây, Việt Nam sẽ tham gia EXPO 2025 (Triển lãm thế giới), trong đó kinh phí Nhà nước chiếm 70% và xã hội hóa là 30%.

“Quả thực, 30% kinh phí để tham gia hoạt động ở nước ngoài là rất lớn trong bối cảnh các doanh nghiệp Việt Nam không mặn mà với việc đồng hành cùng các hoạt động văn hóa ở nước ngoài. Ở trong nước, các sự kiện văn hóa có thể dễ thu hút doanh nghiệp đầu tư nhưng nếu ra nước ngoài, các doanh nghiệp chưa có nhiều quyền lợi để đồng hành”.

Tại các tuần phim, hầu hết là các phim tư nhân. Vì vậy, nếu muốn mang những bộ phim đó ra quốc tế, việc xin bản quyền rất khó khăn vì họ vẫn đang khai thác. Những phim Nhà nước đặt hàng thời trước cũng không còn hấp dẫn để giới thiệu với bạn bè thế giới. Việt Nam lần đầu tiên có gian hàng riêng ở Liên hoan phim Cannes từ năm 2017. Nhưng từ đó đến nay, chúng ta không đặt chân đến Cannes thêm một lần nào. Các hãng phim tư nhân đều rất muốn đưa phim đến Liên hoan phim Cannes để quảng bá điện ảnh nước nhà.

“Thế nhưng, họ cần có người “cầm cờ” để tiên phong, và không ai khác, Nhà nước phải là người đứng ra đóng vai trò người đi đầu”, TS Ngô Phương Lan - Chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến phát triển Điện ảnh Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận, Phê bình Văn học, Nghệ thuật Trung ương - nhận định.

Mặt khác, Chiến lược chưa có đề án và kinh phí cụ thể để các nhà hoạt động văn hóa triển khai. Khi Nhà nước dành nguồn lực cụ thể, lúc đó mới có thể làm tuần phim, đưa những tác phẩm hội họa, nghệ thuật, dịch sách văn học ra nước ngoài; xây dựng những trung tâm văn hóa Việt Nam ở nước ngoài.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn