MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Khoe để tồn tại

Việt Văn LDO | 13/06/2024 05:30

Bạn từ khi về hưu chăm lên Facebook hẳn và ham kể chuyện, hết chuyện này đến chuyện khác. Ngày nào cũng lên mấy “tút” hết chuyện ăn, uống, đi chơi thì chuyện con, cháu, chỉ không thấy khoe “sư tử Hà Đông” ở nhà.

Bạn viết ngắn, duyên, lại biết bám “trend” nên số người theo dõi đông dần lên. Và cuộc sống của bạn thấy rộn ràng hẳn lên, ngày đếm like, xem “còm” cũng vui.

Chả bù cho dạo đi làm, lúc đầu bạn còn bị kêu là “âm lịch” khi không có trang Facebook cá nhân, mà chỉ có Zalo để bàn công việc. Đến vài năm cuối trước khi hạ cánh, bạn mới nhờ con gái lập cho, nhưng cũng rụt rè rất ít lên, rất ít “còm” vào bài người khác, chỉ âm thầm dõi theo xem đời sống bà con quen biết, lên xuống ra sao.

Bạn mới rồi khoe đi lên Tây Bắc xa xôi, cảnh sắc mê hồn, nên check in nhiều điểm, đủ “cúng” FB cả tháng. Hôm rồi, bạn phàn nàn có ý trách móc cậu A chơi thân từ xưa mà dạo này chả thấy thả tim hay like vào bài bạn, chả biết có ý gì đây.

Anh hỏi bạn thế ông có like, có còm vào bài A không, bạn ngớ ra. Đúng là hồi đầu bạn cũng hay vào trang của A, thả like, thả tim tá lả, sau bận chăm chút cho trang Facebook của mình nên lâu cũng không dạo qua “nhà” cậu ấy. Nghe anh hỏi, bạn vào xem và thấy A dạo này lên “tút” cũng tơi tới, ngày mấy lần, từ chuyện vệ sinh ngõ xóm đến chuyện môi trường thế giới, từ chuyện chữa lành tinh thần đến chuyện uống rượu sao cho lâu say.

Bạn xem xong thắc mắc: Sao A nhiều lời thế, trước đây có thấy đăng gì đâu, hay giống tôi nghỉ hưu, rảnh rang nên lên mạng, “chém gió”.

Anh cười khà khà: Ông cũng như tôi và bao người khác ai chả có nhu cầu được chia sẻ, được kết nối, ít ai chịu được sự cô đơn. Nhất là người về hưu, nếu không chuẩn bị tâm thế trước sẽ rất buồn và cảm thấy mình bị quên lãng. Nên lên mạng đăng “tút”, khoe mình cũng là để khẳng định mình vẫn sống, vẫn tồn tại. Nhưng như cái ông thầy giáo gì viết mạng ấy, chơi Facebook phải biết “tu mạng”, nghĩa là chấp nhận, chịu đựng được cư dân mạng “ném đá” về ý kiến của mình đưa ra.

Khi nào không chịu được thì block họ, chứ đụng chuyện nhỏ xíu đã nhảy lên thì làm sao chơi được. Vả lại, tâm lý của nhiều người là rất thích “ném đá” người khác giỏi hơn, danh tiếng hơn để thỏa mãn tâm lý tự ti, đố kỵ của họ và cũng để khoe mình, vì có khi nhờ chê bôi, đả kích người nổi tiếng mà thiên hạ biết đến mình. Nên xét cho cùng, chửi cũng là một cách để tồn tại.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn