MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Cảnh trong phim "Người đàn bà tuyệt vời” trình chiếu tại Haniff 2018.

Không bám rễ cội nguồn sẽ khó đi xa

Việt Văn LDO | 06/02/2019 12:00
Điện ảnh Việt Nam đang ở đâu trên bản đồ điện ảnh quốc tế? Đó là câu hỏi có thể được lý giải một phần qua sự kiện Liên hoan phim quốc tế Hà Nội (Haniff 2018). Các tác phẩm mới nhất, xuất sắc nhất của thế giới ở một đẳng cấp rất cao và hẳn giúp các nhà làm phim Việt nhiều bài học nghề quý giá. Nó cũng giúp chúng ta nhận ra điện ảnh Việt thiếu và yếu những gì…

Sự bao dung và lòng nhân ái

Không phải phim Việt không có tính nhân ái và lòng bao dung nhưng rõ ràng, nó không được đẩy lên mạnh mẽ như bộ phim Nhật “Gia đình trộm cắp” - đạo diễn Hirokazu Kore-eda. 

 Không phải vô cớ, tờ The Hollywood Reporter (Mỹ) gọi là: "Màn trình diễn ấn tượng chưa từng thấy với một phim nghệ thuật thuần khiết”. Một gia đình trộm cắp nhưng lại thương yêu nhau hết mực cùng động viên nhau vượt qua những khó khăn của cuộc sống. Đúng ra họ không phải là gia đình theo đúng nghĩa đen mà là những con người cùng khổ có cơ duyên gặp nhau và sống cùng nhau ấm áp và yêu thương. 

Hay như “Người phụ nữ tuyệt vời” của đạo diễn Sebastián Lelio (Chi Lê) là câu chuyện về  một phụ nữ chuyển giới vừa làm công việc bồi bàn vừa nuôi giấc mơ trở thành ca sĩ cũng cất lên tiếng nói mạnh mẽ về khát vọng, sự bao dung và lòng nhân ái. 

Sáng tạo, mới mẻ nhưng phải gắn “hồn cốt dân tộc”

Còn nhớ, một đạo diễn người Anh nổi tiếng khi sang Việt Nam  từng nói: Theo thời gian khán giả sẽ không còn nhớ toàn thể bộ phim mà chỉ còn nhớ những chi tiết đắt giá.

Phim Việt Nam trong những năm gần đây lại không nhiều chi tiết ấn tượng để ám ảnh người xem…

Điện ảnh là nghệ thuật tổng hợp và người ta không chỉ nhăm nhăm xem câu chuyện mà cách kể với những ký hiệu học nghệ thuật là then chốt.  Nếu nhiều phim Việt Nam vẫn kể theo lối xưa cũ, thậm chí dễ dãi thì nhiều đạo diễn trẻ nước ngoài đặt yếu tố ngôn ngữ điện ảnh để kể chuyện lên hàng đầu.

Ví dụ như “Muối đang rời xa biển” (Salt is leaving the sea) của một đạo diễn trẻ Indonesia thì đi vào một đề tài độc và khó. Đó là tình yêu của nữ tu và mục sư. Câu nói đau đớn của vị mục sư: “Chúa khuyến khích mỗi người chọn con đường riêng của mình mà họ cảm thấy hạnh phúc” cuối phim làm người xem xúc động và như cái neo khiến người xem nhớ rất lâu về bộ phim này.

Cụm từ “đậm đà bản sắc dân tộc” chúng ta dùng nhiều, nhưng buồn thay rất ít phim Việt ngoài một số phim trước đây của các đạo diễn gạo cội như Hồng Sến, Trần Vũ, Hải Ninh, Đặng Nhật Minh… đạt được tiêu chí này. Những phim Việt gần đây chiếu rạp mang tính thương mại rõ và bị lây lan, ảnh hưởng của phim Mỹ, phim Hàn rất rõ.

Có quan niệm làm phim không quốc tịch ảnh hưởng tới nhiều đạo diễn trẻ Việt làm phim độc lập. Họ chỉ mượn mảnh đất - không gian sống và nhân vật người Việt để nói những câu chuyện xa lạ ở đâu đó, thậm chí kỳ quái để hy vọng chuyển tải những thông điệp toàn cầu… Nhưng xét cho cùng, nếu phim anh không bám vào gốc rễ, cội nguồn văn hóa dân tộc thì khó mà tiến xa được.

Xem phim nước ngoài tại một số cuộc thi  và nhất là tại Haniff 2018 thấy rõ tính văn hóa bản địa mạnh mẽ của nó. Nhiều phim nước ngoài đều là đại sứ văn hóa cho quốc gia họ, với những nét văn hóa độc đáo, riêng biệt. Ví dụ như không gian vật lý, những phong tục tập quán riêng và đặc biệt những bài hát với giai điệu quyến rũ trong phim “Bức thư gửi Tổng thống” của Afganistan làm khán giả hiểu thêm về vùng đất này. 

Tạm nhìn từ một liên hoan phim,  có thể thấy,  điện ảnh Việt còn phải làm rất nhiều việc, không chỉ là cố gắng lấp đầy phòng chiếu bằng những bộ phim mang tính thị trường - giải quyết nhu cầu giải trí mang tính thời điểm của khán giả mà còn phải đầu tư những bộ phim nghệ thuật thể hiện tính nhân bản, sự bao dung và thấm đẫm văn hóa Việt.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn