MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bối cảnh phim “Đào, phở và piano”. Ảnh: Đoàn phim cung cấp

Không bỏ lỡ nguồn thu du lịch từ các bối cảnh phim

ANH TUẤN LDO | 21/09/2023 14:56

Trên thế giới, các phim trường không chỉ có chức năng quay phim mà còn là nơi khai thác du lịch, tạo nguồn thu cho doanh nghiệp và địa phương. Bỏ qua các bối cảnh phim, chúng ta đang bỏ lỡ cơ hội tạo dựng nguồn thu bền vững, gắn kết giữa điện ảnh và du lịch...

Đầu tư tiền tỉ làm bối cảnh rồi dỡ bỏ

Khởi quay từ tháng 12.2022 đến tháng 4.2023, “Đào, phở và piano” là một trong những phim điện ảnh đáng chú ý do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đặt hàng Công ty Cổ phần Hãng phim truyện 1 sản xuất. Phim trường hoành tráng, tái hiện chân thực bối cảnh Hà Nội mùa đông năm 1946 trong cuộc chiến đấu 60 ngày đêm bảo vệ Thủ đô. Trên diện tích 6.000m2, đoàn phim đã dựng lại con phố Khâm Thiên hoang tàn, đổ nát vì bom đạn chiến tranh.

Ông Vũ Việt Hưng - họa sĩ chính chịu trách nhiệm thiết kế bối cảnh phim “Đào, phở và piano” - nói: “Ban đầu chỉ là một bãi đất trống, chúng tôi tự làm mọi thứ: gạt nền, đổ nhựa, làm đường, tạo hình các căn nhà, hình thành một khu phố cổ 2 mặt tiền.

Phim trường có tỉ lệ 1:1, dài 120 mét, rộng 9 mét. Sau khi tạo mới các chi tiết thì làm thủ thuật để chúng trông cũ kỹ phù hợp với mốc thời gian. Tôi nghĩ đến thời điểm này, ngoài phim “Huyền sử thiên đô” về Thái sư Trần Thủ Độ thì chưa có phim trường nào ở Việt Nam lớn và trọn vẹn, không dựa vào các yếu tố xung quanh như rừng, núi như thế này”.

Tuy nhiên, sau khi hoàn tất quá trình quay, đoàn phim phải dỡ bỏ hoàn toàn bối cảnh, trả lại không gian nguyên trạng vì đó vốn là đất đi thuê.

Biên kịch Đặng Thu Trang - Hãng phim truyện Việt Nam - cảm thấy rất tiếc vì “đã mất công dựng bối cảnh hoành tráng như thế mà không giữ được để làm du lịch, cho công chúng chiêm ngưỡng mà lại phá đi. Nếu đem so sánh từ tư liệu lịch sử còn sót lại, họa sĩ và đoàn phim “Đào, phở và piano” đã phục dựng khá sát hiện trường Hà Nội thời điểm đó. Phim được đầu tư kỹ về bối cảnh như vậy cũng xứng đáng là một điểm nổi bật khiến khán giả yêu, trân trọng công sức của người làm nghệ thuật. Bối cảnh này quay xong mà bỏ đi thì phí lắm. Làm thành điểm check-in có phải tốt không?”.

Một dự án khác cũng có bối cảnh hoành tráng là “Đất rừng phương Nam”. Đạo diễn Nguyễn Quang Dũng cho biết, đại cảnh chợ nổi miền Nam xưa được dựng tại rừng tràm Trà Sư (An Giang) với hàng chục chiếc ghe thuyền trên kênh rạch, hai bên là nhà cửa, phố xá, chợ nổi tấp nập. Đoàn phim tự thiết kế 70%, tổng số nhân sự tham gia lên đến 300 người. Nhưng sau khi phim quay xong cũng phải trả lại nguyên trạng để địa phương tiếp tục khai thác làm du lịch sinh thái.

Ở nước ta, nhiều bối cảnh phim dựng lên rất hoành tráng, nhưng khi phim đóng máy đều bỏ đi. Phim trường “Kong: Đảo đầu lâu” do Hollywood dàn dựng, sau đó Khu du lịch sinh thái Tràng An khai thác du lịch được một thời gian rồi cũng dỡ bỏ.

Học cách nước ngoài khai thác bối cảnh phim làm du lịch

Trên thế giới, các phim trường không chỉ có chức năng quay phim mà còn là nơi khai thác du lịch, tạo nguồn thu cho doanh nghiệp và địa phương.

Là nền điện ảnh có thế mạnh dòng phim cổ trang, Trung Quốc đã xây dựng hàng chục phim trường cổ trang trên khắp cả nước, không chỉ phục vụ quay phim mà còn khai thác du lịch.

Trung Quốc sở hữu phim trường rộng nhất thế giới là phim trường Hoành Điếm ở tỉnh Chiết Giang. Với diện tích lên đến 330ha, phim trường Hoành Điếm bao gồm 13 điểm quay, với những cung điện nguy nga theo tỉ lệ 1:1 đáp ứng đầy đủ nhu cầu từ phim cổ trang đến bối cảnh dân quốc như: Tử Cấm Thành, Tần Vương Cung, Thanh Minh Cung, khu Quảng Châu Hồng Kông, khu văn hóa Hoa Hạ, Mộng Huyễn Cốc, chùa Bích Trí Đàm…

Nơi đây hoàn toàn không thu phí của các đoàn phim mà chỉ kinh doanh du lịch gồm dịch vụ nhà hàng, khách sạn, cho thuê đạo cụ, trang phục chụp ảnh. Phim trường Hoành Điếm có vô vàn các dịch vụ du lịch để níu chân du khách...

Trung Quốc cũng còn có hàng chục phim trường khác vừa để phục vụ quay phim vừa khai thác du lịch như phim trường Vô Tích ở tỉnh Giang Tô, phim trường Trác Châu ở Bắc Kinh, phim trường Nam Hải ở tỉnh Quảng Đông, phim trường Tượng Sơn ở tỉnh Giang Nam.

Tại Hàn Quốc, đảo Nami từ lâu là điểm đến yêu thích của du khách vì nhiều người muốn tận mắt chứng kiến bối cảnh quay bộ phim truyền hình đã trở thành hiện tượng châu Á “Bản tình ca mùa Đông”. Dù bộ phim đã thực hiện xong từ 20 năm trước, nhưng đến nay những bối cảnh kinh điển từng làm nao lòng biết bao khán giả như hàng cây thẳng tắp với con đường tuyết trắng, những hồ nước hay rừng cây vẫn được giữ nguyên.

Người Hàn Quốc còn đặt những tấm biển chỉ dẫn, bức tượng của 2 nhân vật chính để du khách biết được những địa điểm cụ thể nào trên đảo Nami từng xuất hiện trong “Bản tình ca mùa đông”.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn