MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ca sĩ Đoan Trường: “Tôn trọng văn hoá nước bạn là giữ văn hoá và hình ảnh đất nước mình”. Ảnh: NSCC

“Không chỉ nghệ sĩ, ai đi nước ngoài cũng không được làm xấu hình ảnh quốc gia”

NGỌC DỦ LDO | 29/08/2022 06:41

Nhiều nghệ sĩ, nhà nghiên cứu văn hoá đã có những chia sẻ về quy chế của Sở Văn hóa - Thể thao TPHCM trong việc quản lý, xét duyệt công chức, viên chức của sở và các đơn vị trực thuộc đi nước ngoài. Trong đó có việc nghệ sĩ đi nước ngoài không được làm xấu hình ảnh quốc gia.

Quyết định số 1673/QĐ-SVHTT về ban hành Quy chế quản lý và xét duyệt công chức, viên chức, người lao động tại Sở VHTT và các đơn vị trực thuộc đi nước ngoài do ông Trần Thế Thuận - Giám đốc Sở VHTT TPHCM ký vào ngày 18.8.

Bản quy chế có hiệu lực từ ngày 22.8, quy định rõ đối tượng và nguyên tắc xét duyệt đi nước ngoài dành cho công chức, viên chức chính thức và tập sự, nhân viên hợp đồng, các huấn luyện viên, vận động viên và văn nghệ sĩ ký hợp đồng làm việc với sở và các đơn vị trực thuộc.

Trong từng quy chế đều có những quy định cụ thể ứng với các trường hợp khác nhau. Đa phần, các quy định được chia làm 2 dạng gồm cá nhân đi nước ngoài vì việc công và cá nhân có việc riêng.

Ở khoản 2, điều 9 quy định đối với các cá nhân đi nước ngoài vì việc riêng phải có đơn xin phép, ghi rõ mục đích của chuyến đi và nguồn kinh phí thực hiện. Ngoài ra, việc chấp thuận hay không của cơ quan đều phải thể hiện bằng văn bản. 

Ở khoản 2, điều 11 về trách nhiệm, nghĩa vụ của người đi nước ngoài có một số quy định như: Chấp hành luật pháp Việt Nam và luật pháp của quốc gia (vùng lãnh thổ) khi đi nước ngoài; Giữ gìn hình ảnh quốc gia, dân tộc khi ở nước ngoài; Báo cáo cho lãnh đạo trường hợp không đi nước ngoài hoặc ở quá thời gian xin phép; Không được đưa thân nhân khi đi công tác trường hợp có lý do đặc biệt hoặc do yêu cầu công tác thì phải báo cáo...

Trước vấn đề này nhiều nghệ sĩ đã có những góp ý, bày tỏ quan điểm về quy chế này, nhất là việc “giữ gìn hình ảnh quốc gia khi đi nước ngoài”.

Việc giữ hình ảnh quốc gia không chỉ riêng nghệ sĩ

NSND Ngọc Giàu - Chủ tịch Hội sân khấu TPHCM đánh giá đây là việc làm cần thiết và nên có để giúp nghệ sĩ ý thức hơn trong việc giữ gìn hình ảnh quốc gia khi tham gia công tác, du lịch sang nước ngoài.

Ông Giàu bày tỏ: “Chúng ta là người Việt Nam khi ra nước ngoài thì luôn phải có ý thức tuân thủ pháp luật của đất nước sở tại dù đó là nghệ sĩ hay người dân. Đồng thời, chúng ta phải giữ được thuần phong mỹ tục của Việt Nam khi đến nước bạn. Nghệ sĩ luôn phải chú ý đến đạo đức và luật pháp trong văn hóa ứng xử. Ai cũng có sai phạm nhưng cố gắng tiết chế, tránh những sai phạm không đáng có khi sang nước ngoài du lịch hoặc công tác”.

Nghệ sĩ Ngọc Giàu đánh giá sở dĩ cần nhấn mạnh chuyện nghệ sĩ phải giữ hình ảnh khi sang nước ngoài bởi: “Nghệ sĩ là những người có sức ảnh hưởng và độ nổi tiếng nhất định nên ý thức đó cũng phải lớn hơn một chút. Ngay ở trong nước thì nghệ sĩ cũng phải cố gắng giữ hình ảnh của mình tốt nhất khi xuất hiện trước công chúng. Việc nghệ sĩ luôn chú ý đến đạo đức và luật pháp trong văn hóa ứng xử để tập thành thói quen trong văn hóa ứng xử chứ không phải đợi đến lúc mọi chuyện xảy ra thì mới nhớ”.

Tiến sĩ văn hoá Hoàng Long cho rằng: “Việc quảng bá, gìn giữ hình ảnh quốc gia là nhiệm vụ chung của toàn dân, không ai được quyền cho rằng chúng ta là dân thường nên trách nhiệm giữ gìn hình ảnh quốc gia được xem nhẹ. Tuy nhiên, với những nghệ sĩ, họ có sức ảnh hưởng lớn, những việc làm sai trái của họ gây ra có sự tác động đến khán giả, người hâm mộ nên việc ban hành quy chế không phải để siết chặt, bắt ép hay làm khó nghệ sĩ mà để họ ý thức hơn về vai trò, ngành nghề, sức ảnh hưởng và trách nhiệm của mình.

Vài năm nay, showbiz Việt xảy ra một số sự cố đáng tiếc của các nghệ sĩ khi đi nước ngoài lưu diễn, du lịch. Vậy, thiết nghĩ quy chế này ban hành là điều cần thiết. 

MC Hồng Phúc - người vừa trở về sau chuyến đi Mỹ công tác và thăm gia đình cũng bày tỏ quan điểm: “Tôi đồng ý với quy chế nghệ sĩ đi nước ngoài không được làm xấu hình ảnh quốc gia. Nếu một nghệ sĩ vi phạm pháp luật ở nước ngoài, nhiều người sẽ dễ đánh đồng, dễ quy chụp về nghệ sĩ Việt”.

Nghệ sĩ cần làm gì để tránh những ồn ào không đáng có khi đi nước ngoài?

Tiến sĩ văn hoá Hoàng Long đưa ra giải pháp: “Nghệ sĩ đầu tiên phải ý thức được vai trò, nghề nghiệp của mình. Hơn nữa, phải chuẩn bị các kiến thức, một số quy định khi đến quốc gia và vùng lãnh thổ mà mình dự kiến đi để tránh những ồn ào không đáng có. 

Nếu gặp sự cố ngoài ý muốn phải liên hệ ngay với những đơn vị có thể giúp đỡ hỗ trợ như Đại sứ quán, phía trưởng đoàn, không nên tự ý xử lý nếu không hiểu biết, am hiểu về những quy định ở nước bạn. Song song với việc gìn giữ hình ảnh, nghệ sĩ cũng nên quảng bá hình ảnh Việt Nam thông qua chia sẻ về văn hoá, trang phục... đến nước bạn”.

NSƯT Quốc Cơ chia sẻ: “Đầu tiên khi sang nước ngoài, điều quan trọng nhất chúng ta phải hiểu được cách sống của họ bằng cách lên mạng xem cách ứng xử, văn hoá nước bạn. Điều quan trọng hơn hết là chúng ta không làm những việc sai trái liên quan đến hình ảnh đất nước và con người Việt Nam”.

Theo ca sĩ Đoan Trường: “Nghệ sĩ khi đến với các quốc gia có những đạo giáo riêng như Đạo Hồi, đạo Hindu thì phải chú ý về hình ảnh, cách ăn mặc, giao tiếp. Đặc biệt khi vào đền đài, tháp... họ yêu cầu mặc đồng phục bên đó thì cũng cần phải tôn trọng văn hoá nước bạn. Tôn trọng văn hoá nước bạn là giữ văn hoá và hình ảnh đất nước mình. 

Đi đâu, người ta sẽ hỏi “bạn đến từ đâu”. Vậy nên, không chỉ nghệ sĩ mà bất cứ công dân Việt Nam nào cũng vậy, tránh những phiền phức xảy ra, tránh những việc đụng chạm, cử chỉ thân mật để người bản xứ hiểu lầm.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn