MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nghi thức hát quốc ca của đội tuyển Việt Nam trước một trận đấu ở vòng loại World Cup 2022. Ảnh: Trung Thu

Không được phép ngăn chặn việc phổ biến Quốc ca Việt Nam!

Mai Hương LDO | 08/12/2021 12:30
Nghi thức hát Quốc ca mở đầu trận đấu giữa tuyển Việt Nam và Lào tại AFF Cup 2020 phát trên YouTube, mạng xã hội... không được bật tiếng đã khiến khán giả bức xúc. Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch đã yêu cầu tất cả các cá nhân, tổ chức thực hiện nghiêm, không được có bất kỳ hành vi nào ngăn chặn việc phổ biến Quốc ca Việt Nam.

Điều hết sức phi lý!

Những khán giả theo dõi trận đấu giữa tuyển Việt Nam và Lào tại AFF Cup 2020 trên nền tảng số YouTube, mạng xã hội... đã bức xúc khi nghi thức hát Quốc ca đã bị tắt tiếng và trên màn hình hiện lên dòng chữ: “Vì lý do bản quyền âm nhạc, chúng tôi buộc lòng phải tắt tiếng ở phần lễ chào cờ. Sau lễ chào cờ, tín hiệu âm thanh sẽ trở lại bình thường. Mong quý vị và khán giả thông cảm”. Tuy nhiên, nếu theo dõi trận đấu trên sóng truyền hình thì khán giả vẫn có thể nghe rõ bài hát “Tiến Quân Ca” - Quốc ca.

Nhiều ý kiến khán giả cho rằng, dù bất kỳ lý do gì đi chăng nữa thì việc ngắt tiếng phần hát Quốc ca của các cầu thủ trong trận đấu này là không thể chấp nhận được. Bởi lẽ, Quốc ca là hồn cốt của dân tộc, không thể vì lý do cá nhân “đánh gậy” bản quyền mà xâm phạm vào tác phẩm âm nhạc đã ghi sâu trong trái tim nhân dân Việt Nam.

Liên quan đến vụ việc tắt tiếng bài hát Quốc Ca ở lễ chào cờ trong trận đấu của tuyển Việt Nam, nhà báo Nguyễn Lưu chia sẻ: “Đây là điều hết sức đáng tiếc. Trước đây, tôi từng nhiều lần lên tiếng về việc phát bài hát Quốc ca bị sai nốt nhạc, nhưng không ngờ rằng đến mức độ phải tắt tiếng bài Quốc Ca như trận đấu hôm 6.12. Đó là điều hết sức phi lý.

Ca khúc “Tiến Quân Ca” đã được gia đình cố nhạc sĩ Văn Cao hiến tặng Nhân dân và Tổ quốc. Quốc ca phải được phát một cách trang trọng ở bất kỳ các hoạt động nào, trong đó có hoạt động thi đấu thể thao quốc gia và quốc tế.

Người hâm mộ đang có những phản ứng dữ dội. Việc tắt tiếng bài hát Quốc ca là không chấp nhận được. Tôi cho rằng, các cơ quan chức năng phải có trách nhiệm xử lý vụ việc này một cách hài hoà, bởi Quốc ca là danh dự của dân tộc Việt Nam”. 

Không ai được phép ngăn chặn việc phổ biến Quốc ca

Trao đổi với Lao Động, họa sĩ Văn Thao - con trai cố nhạc sĩ Văn Cao - khẳng định, trước khi gia đình hiến tặng nhân dân và Tổ quốc ca khúc “Tiến Quân Ca” vào năm 2016, gia đình chưa bao giờ ký kết, làm việc hay nhận 1 đồng nhuận bút nào về bản quyền với bất kỳ một đơn vị nào.

Tất cả các hãng băng đĩa muốn ghi âm, ghi hình đều phải được sự đồng ý của tác giả, phải ký hợp đồng với tác giả. Vì vậy, việc các hãng băng đĩa “đánh bản quyền” ca khúc “Tiến Quân Ca” khi không ký bản quyền với tác giả là vi phạm. “Gia đình chúng tôi đã hiến tặng ca khúc “Tiến Quân Ca” cho cả nước và nhân dân nên tất cả các tổ chức hay bất kỳ đơn vị, cơ quan truyền thông đều có quyền sử dụng ca khúc. Không ai có quyền thu tiền bản quyền ca khúc này. Cũng không có bất kỳ bản thu “Tiến Quân Ca” nào có chữ ký của gia đình chúng tôi” họa sĩ Văn Thao bày tỏ.

Hoạ sĩ Văn Thao cho biết thêm, nếu có đơn vị nào thu tiền bản quyền “Tiến Quân Ca”, Nhà nước buộc phải vào cuộc mà cụ thể là Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch, bởi đây là cơ quan quản lý về vấn đề văn hoá quốc gia và cũng là đơn vị tiếp nhận và có trách nhiệm gìn giữ, phát huy giá trị ca khúc này.

Câu chuyện khán giả không được nghe Quốc ca khi xem tuyển Việt Nam thi đấu từng được đề cập trong một số trận đấu tại vòng loại thứ 3 World Cup 2022 cũng như vòng loại U.23 Châu Á 2022. Nguyên nhân của sự cố này đến từ câu chuyện bản quyền âm nhạc trên các nền tảng số, khi một đơn vị đã “nhanh tay” đăng ký sở hữu bản quyền ca khúc “Tiến quân ca” trên hệ thống Content ID của YouTube. Hệ thống này cung cấp công cụ để “quét” các video vi phạm bản quyền, báo cáo cho chủ sở hữu. 

Theo thông tin từ Lao Động, đơn vị “sở hữu” bản quyền “Tiến quân ca” trên hệ thống Content ID của YouTube cũng… không đánh bản quyền. Các đơn vị tiếp sóng, khai thác trận đấu đã chủ động tắt tiếng để “né tránh” phòng việc tiếp tục bị đánh bản quyền.

Sáng 7.12, lãnh đạo Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch đã làm việc với các cơ quan liên quan về sự việc doanh nghiệp ngắt âm thanh Quốc ca Việt Nam trong trận đấu giữa đội tuyển Việt Nam và tuyển Lào tại AFF Cup 2020  trên một số nền tảng số trái quy định pháp luật.

Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch nêu quan điểm: “Ca khúc “Tiến Quân Ca” là Quốc ca của Việt Nam. Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch có trách nhiệm thực hiện chức năng quản lý Nhà nước và phải thực hiện các biện pháp cần thiết gìn giữ phát huy giá trị của Quốc ca.

Pháp luật của Việt Nam quy định nghiêm cấm bất kỳ tổ chức, cá nhân nào, dưới bất kỳ hình thức nào có hành vi ngăn chặn, cản trở việc phổ biến tác phẩm này một cách trực tiếp hay gián tiếp (bao gồm trên mạng) theo quy định pháp luật. Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch yêu cầu tất cả các cá nhân, tổ chức thực hiện nghiêm, không được có bất kỳ hành vi nào ngăn chặn việc phổ biến Quốc ca Việt Nam”.

Theo nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha, những sự việc trên cho thấy, quyền tác giả tác phẩm hay bản ghi vẫn là chủ đề gây tranh cãi mà chưa có hồi kết. Bản thân tác giả, cụ thể ở đây là các nhạc sĩ không phải người nào cũng hiểu rõ, đôi khi là mơ hồ về Luật Bản quyền để có thể bảo vệ “đứa con” của mình. Chính vì thế, họ thường phó thác cho Trung tâm Bảo vệ Quyền tác giả Âm nhạc Việt Nam (VCPMC) để đại diện thay mặt giải quyết những tranh chấp (nếu có) xảy ra cũng như đảm bảo quyền lợi cho chính tác phẩm mà tác giả tâm huyết. 

Với trường hợp “Tiến Quân Ca”, gia đình nhạc sĩ Văn Cao thông qua Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch đã hiến tặng cho Nhà nước từ lâu. Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch cũng có đôi phần thiếu sót khi không nắm rõ, theo dõi được hết các hoạt động văn hoá để có hướng chỉ đạo sát sao, hay cùng phối hợp tìm giải pháp giải quyết triệt để vấn đề. Mai Châu

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn