MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ông Nguyễn Quang Thạch - người gần 2 thập kỉ vận động thực hiện sách hóa nông thôn. Ảnh nhân vật cung cấp

Khuyến đọc mang niềm hy vọng cho xã hội

TRẦN TUẤN (thực hiện) LDO | 21/04/2023 19:00

Nhân ngày Sách Việt Nam (21.4), phóng viên Báo Lao Động đã có cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Quang Thạch - người Việt đầu tiên đoạt Giải Vua Sejong về xóa mù chữ (The UNESCO King Sejong Literacy Prize) năm 2016, là người dày công thực hiện chương trình “sách hóa nông thôn”.

Xin ông cho biết, sau hơn 15 năm (từ 2007) chính thức xây dựng tủ sách, đến thời điểm này kết quả của kế hoạch “sách hóa nông thôn” của mình đã đạt được như thế nào?

- Các mô hình thư viện mà "Sách hóa nông thôn" nghiên cứu và ứng dụng đều dễ dàng nhân rộng bởi các thành viên xã hội gồm thành viên các dòng họ, giáo xứ, cha mẹ học sinh, cựu học sinh cũng như các gia đình nông thôn có vợ, chồng là công chức, doanh nhân.

Mặc dù các loại tủ sách dễ làm, chi phí khởi động tủ sách từ 1 đến 5 triệu đồng,  được truyền thông dày đặc, cùng vận động chính sách mềm từ địa phương lên cấp bộ ngành nhưng kết quả chưa lớn.

Tôi từng nghĩ rằng, sau chuyến đi bộ xuyên Việt của mình vào năm 2015, hàng chục triệu người Việt gồm cha mẹ học sinh, cựu học sinh….sẽ nhân rộng tủ sách đến tất cả lớp học trên cả nước trong vài năm nhưng sau tám năm mới khoảng 30% lớp học nông thôn có tủ sách; Hàng triệu người lớn ở các giáo xứ, giáo họ sẽ phát triển Tủ sách Giáo xứ và hàng chục  ngàn dòng họ sẽ xây dựng tủ sách, nhưng thực tế ít hơn nhiều.

Điều đó chứng tỏ phần lớn người Việt thiếu sách ở tuổi học trò dẫn đến họ không thấu hiểu vai trò của sách đối với con trẻ.

Là trưởng nhóm vận động Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành công văn số 6841 vào cuối năm 2015 về đổi mới thư viện và phát triển văn hóa đọc trong nhà trường phổ thông, mầm non, ông  thấy đã có những thay đổi nào trong hệ thống trường học?

- Với công thức mỗi cha mẹ học sinh góp 30.000 đến 50.000 đồng hoặc 5 cựu học sinh góp 240.000 - 300.000 đồng đủ khởi động một Tủ sách Phụ huynh/ Tủ sách Lớp em là việc dễ dàng. Nhưng dường như các sở giáo dục đã không chỉ đạo sát việc này dẫn đến số trường học tự huy động kinh phí từ cha mẹ, cựu học sinh làm tủ sách không nhiều như mong đợi.

Ngoại trừ chính quyền địa phương tỉnh Nam Định đã nhân rộng tủ sách đến hơn 12 ngàn lớp học. Hàng chục ngàn tủ sách được nhận rộng khác là nhờ tài trợ từ bên ngoài.

Triết lý thiết kế của Sách hóa nông thôn là để cư dân địa phương tự lực tạo dựng tủ sách cho con cái họ, bên ngoài chỉ là phần nhỏ như là yếu tố tác động có điều kiện.

Điều tôi không mong đợi là khá nhiều trường học đề nghị các cá nhân, tổ chức hỗ trợ sách để đáp ứng các tiêu chí về hoạt động thư viện chứ không thực sự khuyến khích học sinh đọc sách. Bởi vậy, chúng tôi tiếp tục tìm kiếm các giải pháp để vận động xã hội và ngành giáo dục phát triển thư viện và khuyến đọc thực chất.

Theo ông, việc đọc sách ngay từ những ngày thơ ấu có tác dụng thế nào trong việc hình thành nhân cách và tìm kiếm cơ hội việc làm sau này? 

Bà Khúc Thị Hoa Phượng - Giám đốc Nhà Xuất bản Phụ nữ Việt Nam khuyến đọc tại Trường TPTH Nội trú A Lưới, tỉnh Thừa Thiên - Huế. Ảnh: Huế Tuấn

- Con trẻ không được nuôi dưỡng giá trị sống bằng nghe sách, bằng lời ru chứa lòng trắc ẩn từ nhỏ, không được đọc nhiều sách về những danh nhân, về sự tử tế, về tinh thần hòa ái, lại bị game, phim ảnh bạo lực ám chiếm, dẫn đến dễ bạo lực với bạn bè.

Nền nghe và đọc sách từ mầm non đến cấp 3 mỏng, thậm chí không có, thì khi lên đại học chỉ tập trung vào giáo trình, ít vốn từ vựng dẫn đến khó học ngoại ngữ… dẫn đến những cử nhân, kỹ sư có bằng cấp nhưng nghèo nàn kiến thức, kỹ năng, giá trị sống, khát vọng sống.

Cuối cùng, họ phải chấp nhận tìm kiếm sinh kế bằng những công việc không cần nhiều kỹ năng, kiến thức như chạy grab, tham gia đội quân xuất khẩu lao động.

Thật lãng phí tuổi thanh xuân, lãng phí tài chính của cha mẹ, thậm chí gây nợ nần cho gia đình. Đặc biệt lãng phí nguồn nhân lực của xã hội.

Do đó, để trẻ tiếp cận với sách từ nhỏ và duy trì việc đọc sách, nhất là những cuốn sách nuôi dưỡng tính nhân văn, thúc đẩy khát vọng sống tốt đẹp trong xã hội hiện đại là rất cần thiết. Điều đó sẽ góp phần tạo ra những con người tử tế và có ích cho xã hội.

Một thực tế hiện nay là cả người lớn và trẻ em đều rất nghiện xem điện thoại, tivi mà ít dành thời gian đọc sách, điều đó ảnh hưởng gì đến tiến trình Sách hóa Nông thôn?

- Chúng ta cần đối mặt thực tế rằng việc đọc sách và cơ hội tiếp cận sách của con trẻ bị bủa vây bởi những nan đề.

Ông bà và cha mẹ được giáo dục trong hệ thống giáo dục triệt tiêu mầm đọc từ nhỏ cùng với nạn đói sách kéo dài hàng chục năm, bởi vậy người ta không xem đọc sách là tự học và tối cần thiết;

Nhiều trẻ lớn lên trên nền gia đình ít đọc, thầy cô giáo không khuyến đọc và trường học thiếu sách; Tình trạng ly hương của hàng triệu cha mẹ dẫn đến nhiều trẻ thiếu vắng sự quan tâm và theo dõi hàng ngày của người thân. Ba nan đề diễn tiến trong nhiều thập niên dẫn đến điện thoại thông minh, tiktok, youtube, game, phim bạo lực trở thành “thức ăn độc hại” dễ dàng thâm nhập con trẻ vì năng lực tự kháng của các em rất thấp.

Như vậy, việc đưa sách đến tay trẻ và khuyến đọc tiếp tục gặp khó khăn trên toàn xã hội.

Theo ông, cần có giải pháp gì để phát triển văn hóa đọc sâu, rộng hơn nữa trong cộng đồng, xã hội, đặc biệt là vai trò của các nhà xuất bản, nhà sách và tầng lớp trung lưu xuất thân nông thôn?

- Hàng triệu cử nhân, kỹ sư xuất thân nông thôn hãy nghĩ đến thế hệ con cháu ở quê mà hành động đưa sách về lớp học trường cũ, về dòng họ, giáo xứ…

Các nhà sách, nhà xuất bản cần về nông thôn, miền núi khuyến đọc như Nhà xuất bản Phụ nữ đã làm trong nhiều năm qua.

Những người có tri thức nên dành thời gian đến các trường học khuyến đọc như dịch giả Nguyễn Quốc Vương, anh Đỗ Tiến Thành… bởi  khuyến đọc mang niềm hy vọng cho xã hội.

Chiều sâu của Nông thôn mới là mỗi gia đình nông dân có vài trăm đầu sách và mỗi người lớn đọc ít nhất 5 đầu sách/năm, trẻ em đọc ít nhất 20 đầu sách chất lượng/năm.

Muốn con trẻ Việt Nam được nghe và đọc sách như trẻ em các nước phát triển, thiết kế giáo dục Việt Nam phải tương đương họ.

Muốn công dân Việt Nam có nhiều phát kiến, học sinh, sinh viên phải được đào tạo như học sinh, sinh viên Tây Âu, Mỹ, Nhật Bản, Do Thái.  

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn