MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Để kéo du khách, các địa phương không nên chạy theo cuộc đua đại hạ giá mà bỏ qua việc quan trọng là tạo sản phẩm mới. Ảnh: Thuỳ Trang

Kích cầu du lịch hay cuộc đua đại hạ giá?

Thuỳ Trang LDO | 15/06/2020 07:54

Việc đồng loạt đại hạ giá sẽ tạo nên một cuộc cạnh tranh khốc liệt giữa các doanh nghiệp, giữa các địa phương trên cả nước bởi “miếng bánh” thị trường du lịch nội địa quá nhỏ.

Miễn phí tham quan từ danh lam thắng cảnh, bảo tàng đến giảm giá sâu khi lưu trú ở khách sạn 4 sao, 5 sao,... - hàng loạt địa phương tung “món ngon” để kích cầu du lịch. Thế nhưng, nếu giảm đến 25% mà không có khách thì cũng chẳng giải quyết được gì, trong khi doanh nghiệp khó có thể tăng chất lượng dịch vụ, khi còn đang gặp khó do khủng hoảng dịch. 

Đại hạ giá 50% đến 100% các loại dịch vụ du lịch

Quảng Ninh đưa ra chương trình kích cầu với loạt sản phẩm giảm giá, từ miễn phí 100% tham quan vịnh Hạ Long, Khu Di tích danh thắng Yên Tử, Bảo tàng Quảng Ninh vào các ngày lễ, kỷ niệm năm 2020 đến giảm 50% phí tham quan các điểm du lịch trên trong tháng 6, 7. Du khách khi đến Quảng Ninh qua Cảng Hàng không quốc tế Vân Đồn sẽ được miễn phí tham quan vịnh Hạ Long, Khu di tích danh thắng Yên Tử và dịch vụ xe buýt miễn phí… 

Từ 1.6 đến 30.9, 32 đơn vị du lịch tại Quảng Nam sẽ cung ứng 200 phòng lưu trú khách sạn từ 3 đến 5 sao tại Hội An, Mỹ Sơn, Phú Ninh, cùng với 100 suất tour free & easy, đón tiễn sân bay và lưu trú 3 ngày/2 đêm khách sạn hoàn toàn miễn phí cho các y bác sỹ tuyến đầu chống dịch. Chưa hết, nhiều voucher miễn phí bữa ăn chính, giải khát, quà lưu niệm từ các cửa hàng lưu niệm, các nhà hàng tại phố cổ Hội An cũng được gửi tặng cho du khách như tham quan miễn phí tại các điểm du lịch như phố cổ Hội An, đền tháp Mỹ Sơn, du lịch sinh thái Phú Ninh, làng rau Trà Quế, du lịch sinh thái Cẩm Thanh, Cù Lao Chàm... Không nằm ngoài cuộc đua này, từ tháng 5 Đà Nẵng đã quyết định miễn phí vé cho khách du lịch đến tham quan danh thắng Ngũ Hành Sơn và các công trình văn hoá, bảo tàng trên địa bàn thành phố gồm Bảo tàng Điêu khắc Chăm, Bảo tàng Đà Nẵng và Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng trong 3 tháng.

Vẻ như, tất cả các địa phương đều tự tin, rằng giảm giá  là một trong những giải pháp để tăng cường thu hút khách du lịch, phục vụ phát triển kinh tế xã hội, tạo ra gói sản phẩm có tính cạnh tranh đối với các điểm đến khác trong khu vực, đồng thời gián tiếp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp dịch vụ, du lịch do ảnh hưởng của dịch COVID-19.

Tuy nhiên, ông Trần Trọng Kim - Chủ tịch hội đồng tư vấn Du lịch lại đưa ra con số đáng chú ý: Theo nghiên cứu, nếu giảm giá 25% hay giảm sâu hơn nữa, không có khách thì cũng không giải quyết được bài toán tổng thể. Trong khi đó, việc bị ảnh hưởng sau dịch bệnh đang khiến doanh nghiệp khó khăn mọi bề nên để tăng chất lượng dịch vụ là điều khó, nói dễ, nhưng chưa biết làm được đến đâu. Chưa kể, nếu làm không tốt, đến khách nội địa cũng sẽ một đi không trở lại, khiến điểm đến và cả doanh nghiệp “chết lâm sàng”.  

Cạnh tranh khốc liệt, khó càng thêm khó

Khách du lịch nội địa đang được xác định là thị trường chính của Việt Nam, hiện có khoảng 20 triệu người. Đây là còn số Chủ tịch Hội đồng tư vấn Du lịch cho rằng khá khả quan nhưng “miếng bánh” này vẫn rất nhỏ. Trong khi đó, địa phương nào cũng đua nhau giảm giá thì việc bắt tay nhau, kích cầu vô tình trở thành cuộc cạnh tranh khốc liệt.

Theo khảo sát, có 30% doanh nghiệp du lịch tại Việt Nam đã đóng cửa và dự kiến thời gian đến sẽ có thêm 30% doanh nghiệp nữa sẽ phá sản. “Có những khách sạn 5 sao tại Hội An giảm giá chỉ còn 500 đến 800 nghìn/đêm. Các khách sạn lớn cạnh tranh nhau chưa xong thì những khách sạn nhỏ hơn, doanh nghiệp ở phía dưới sẽ khó lòng mà cầm cự được”, ông Kim nhận định. Đồng tình với quan điểm này, ông Nguyễn Sự - nguyên Bí thư Hội An nhắc nhở: “Chúng ta cần đặt ra câu hỏi, việc tập trung vào đại hạ giá du lịch toàn quốc có phải kích cầu hay tạo ra một cuộc cạnh tranh về giá? Riêng ngành khách sạn từ 5 đến 3 sao đều hạ giá thì 2 sao, 1 sao và du lịch cộng đồng hạ đến mức nào để thu hút khách? Rồi chúng ta sẽ trụ đến bao giờ?

Trong thời điểm hiện tại theo tôi, chúng ta cần tái cơ cấu lại sản phẩm để phù hợp với khách nội địa thay vì giảm giá. Bên cạnh đó, các địa phương cần tạo ra sự kiện cho điểm đến. Nói nghe rất to nhưng chỉ cần làm nhỏ thôi như Hội An có thể làm chương trình học hát đồng giao hằng đêm ở phố cổ, chơi bài chời, tổ chức lặn biển, câu cá..., đó cũng là sự kiện. Chính điều đó sẽ kéo được du khách đến chứ không cần đến giảm giá. Các sự kiện đó không chỉ doanh nghiệp làm mà chính quyền cùng với ngân sách nhà nước phải đóng vai trò “bà đỡ” để đồng hành, giúp vượt qua giai đoạn khó khăn này”.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn