MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Du lịch Sa Pa chắc chắn nhanh chóng khởi sắc trở lại. Ảnh: H.T

Kích cầu du lịch nội hậu COVID-19: Trải nghiệm Việt Nam an toàn, hấp dẫn

NGUYỄN HỒNG LDO | 02/10/2020 07:52

Ngành du lịch Việt đang tìm cách phục hồi bằng đợt kích cầu lần 2 sau “cú đấm bồi” của dịch bệnh COVID-19 cuối tháng 7. Thay vì áp dụng “bài” giảm giá, những giải pháp trong đợt kích cầu cũ được cho là không còn phù hợp với tình hình mới sẽ được thay đổi với chủ đề “Trải nghiệm Việt Nam an toàn, hấp dẫn”.

Phải an toàn và hấp dẫn

Bày tỏ quan điểm trong buổi toạ đàm “Kích cầu du lịch nội địa - Trải nghiệm Việt Nam an toàn, hấp dẫn” tổ chức tại Hà Nội hạ tuần tháng 9, ông Hà Văn Siêu - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch (TCLD) cho biết, kích cầu du lịch là điều cần để kéo theo sự khởi sắc của ngành du lịch trong những tháng cuối năm 2020. Tuy nhiên, yếu tố an toàn vẫn phải đặt lên hàng đầu.

Chương trình kích cầu du lịch nội địa của Bộ VHTTDL phát động từ tháng 5 đã đạt hiệu quả tích cực nhờ sự đồng lòng của địa phương, doanh nghiệp lữ hành. Chỉ tính riêng tháng 5 đến tháng 7, du lịch nội địa phục hồi ngoạn mục. Tuy nhiên, khi dịch bùng phát trở lại, ngành du lịch lại “hứng chịu”. “Với đợt kích cầu lần hai này, chúng ta đã có kinh nghiệm trong việc đảm bảo an toàn cho du khách” - ông Hà Văn Siêu khẳng định. Bà Nguyễn Lê Hương - Phó TGĐ Vietravel nhìn nhận, do ảnh hưởng tâm lý nên khách du lịch e ngại hơn về nguy cơ bùng phát các đợt dịch tiếp theo. An toàn khi đi du lịch là yếu tố quan trọng, nhất là phải có những kế hoạch cụ thể nhằm giúp người dân yên tâm. Trong khi đó, bà Trần Thị Nguyện - GĐ kinh doanh Sun World (Tập đoàn SunGroup) - cho rằng, “sống chung với dịch” là xu hướng tất yếu mà DLVN cần phải quan tâm cấp thiết, đúng như chỉ đạo thực hiện “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch an toàn, vừa phát triển kinh tế - xã hội của Thủ tướng Chính phủ. Tuy nhiên, mục tiêu này không hề dễ dàng khi hầu hết doanh nghiệp du lịch đã bị tổn thất nặng nề, còn tâm lý du khách lo ngại sau khi đợt dịch thứ 2: “Trong giai đoạn này, chúng tôi thống nhất rằng, an toàn và hấp dẫn là 2 tiêu chí “bất di bất dịch” cần được đảm bảo trong toàn bộ các sản phẩm du lịch nhằm thu hút du khách”.

Liên minh để cùng sáng tạo

Theo ông Hà Văn Siêu, các doanh nghiệp và địa phương cần phải liên minh để cùng nhau sáng tạo, xây dựng nên những gói kích cầu mới, chương trình du lịch hấp dẫn. Giai đoạn trước có những sản phẩm tốt cũng nhờ liên kết giữa các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ. Còn với đợt kích cầu này, các bên cần bắt tay hợp tác để cho ra đời những sản phẩm linh hoạt, tạo sự tin tưởng cho du khách, hấp dẫn về mặt nội dung.

Ông Vũ Thế Bình - Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam - cho rằng, ở đợt kích cầu du lịch đầu tiên, toàn bộ sức mạnh của ngành Du lịch đã được sử dụng để hạ giá sản phẩm, dịch vụ du lịch hết mức có thể. Tuy nhiên, ở lần 2 khi các doanh nghiệp du lịch đang “kiệt sức” và “đã có rất nhiều giải pháp kích cầu được đưa ra từ đợt dịch lần đầu tiên nhưng hiện không còn phù hợp, đặc biệt mức giảm giá tour tuyến, dịch vụ khó có thể thấp hơn”.

Đề xuất về các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp vượt khó, ông Vũ Thế Bình chia sẻ thêm, doanh nghiệp du lịch có thể đề xuất Chính phủ quan tâm bằng cách giảm thuế VAT, thuế thu nhập, lùi thời gian nộp thuế, cho vay tiền... Hiện nay, 10 - 15% doanh nghiệp lữ hành giải thể, người lao động vẫn chưa tiếp cận được nhiều đến chính sách hỗ trợ của Nhà nước. Chính quyền địa phương cũng cố gắng hỗ trợ doanh nghiệp du lịch, giảm phí tham quan, vé, lệ phí hoạt động để các doanh nghiệp có thêm trợ lực tiếp tục hoạt động, thế nhưng vẫn cần thêm chia sẻ với doanh nghiệp dù mức hỗ trợ còn thấp. Ngoài ra, phải hỗ trợ doanh nghiệp bồi dưỡng, đào tạo nhân lực để chuẩn bị nguồn nhân lực tốt cho ngành trong tương lai. Đối với doanh nghiệp du lịch, các doanh nghiệp cần uyển chuyển hoạt động sao cho phù hợp với diễn biến của dịch bệnh, ví dụ như áp dụng mạng xã hội, các kênh trực tuyến để bán vé và tiếp cận khách hàng thay vì những phương thức truyền thống trước nay… Ông Dương Hoài Nam - GĐ Văn phòng khu vực miền Bắc - Vietjet Air - bày tỏ sự lạc quan, du lịch nội địa đã có tín hiệu khởi sắc và từ ngày 30.9, Vietjet Air khai thác lại đường bay quốc tế từ Seoul về Việt Nam.

Ông Đinh Ngọc Đức - Vụ trưởng Vụ Thị trường du lịch - Tổng Cục du lịch cho biết: Bộ VHTTDL tiếp tục phát động chiến dịch kích cầu du lịch nội địa với yêu cầu đảm bảo an toàn cho khách du lịch, đẩy mạnh truyền thông các kênh địa phương. Bộ chú trọng đến sự liên kết giữa các ngành cung cấp dịch vụ, các địa phương cần đẩy mạnh hình thức du lịch gần gũi thiên nhiên, đảm bảo quyền lợi của khách. Bên cạnh đối tượng khách Việt Nam, thời gian tới, cần chú trọng khai thác khách nước ngoài sinh sống và làm việc tại Việt Nam.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn