MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Hoa hậu Huỳnh Trần Ý Nhi. Ảnh: Sen Vàng

Kiến thức lịch sử không chỉ thách thức Hoa hậu Huỳnh Trần Ý Nhi

Bình An LDO | 04/08/2023 15:13

Tân Hoa hậu Huỳnh Trần Ý Nhi đang phải đối diện với khủng hoảng chưa từng có sau câu trả lời về 3 người nổi tiếng của Bình Định là “Em, nhà thơ Hàn Mặc Tử và vua Quang Trung”.

Loạt vụ việc sai kiến thức lịch sử bị chỉ trích

Ngoài việc bị chỉ trích dữ dội khi xếp bản thân nổi tiếng ngang hàng với những tên tuổi lớn của lịch sử, Huỳnh Trần Ý Nhi còn bị kêu gọi tẩy chay vì sai kiến thức.

Trong cuốn sách “Hoàng Đế Quang Trung, nhà quân sự kiệt xuất, danh tướng bách chiến bách thắng” của tác giả Đặng Việt Thủy ghi, vua Quang Trung quê gốc ở Nghệ An.

Cuốn "Hàn Mặc Tử thơ và đời" ghi nhà thơ Hàn Mặc Tử là người sinh ra ở Quảng Bình.

Việc tân hoa hậu trả lời sai, thái độ hời hợt, nông cạn khi nhắc đến những nhân vật lịch sử vĩ đại của dân tộc, khiến đề tài về lỗ hổng trong kiến thức lịch sử và việc học môn lịch sử lại một lần nữa gây tranh cãi.

Cũng trong cuộc phỏng vấn này, ngoài hoa hậu, ngay đến á hậu 1 cũng lúng túng khi MC đặt câu hỏi, “Hãy kể tên 5 người nổi tiếng của Nghệ An”.

Năm 2016, dư luận từng dậy sóng khi MC nổi tiếng Thanh Huyền từng cung cấp sai kiến thức lịch sử cơ bản trên sóng truyền hình. Tại chương trình S-Vietnam, khi bạn dẫn đặt câu hỏi, “Đố bạn biết vị tướng nào đã đánh thắng quân Nguyên Mông ba lần và đã có một trận chiến lẫy lừng trên sông Bạch Đằng?", MC Thanh Huyền đáp lại: "Chắc chắn là Ngô Quyền rồi, điều này thì người Việt Nam nào cũng biết".

Là kiến thức “người Việt Nam nào cũng biết”, nhưng MC Thanh Huyền đã trả lời sai, bởi thông tin ghi trên trang giới thiệu về Khu Di tích lịch sử quốc gia Bạch Đằng Giang của thành phố Hải Phòng ghi lại: danh tướng 3 lần đánh thắng quân Nguyên Mông trên sông Bạch Đằng là Trần Hưng Đạo.

Ngô Quyền – là vị tướng đánh thắng quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng năm 938.

Và thực trạng buồn khi giới trẻ thờ ơ với lịch sử

Từng có bộ phim “Những phóng viên vui nhộn” đề cập đến hiện trạng học sinh, sinh viên và giới trẻ ngày nay thờ ơ với bộ môn lịch sử.

Trong tập phim “Bài học lịch sử”, phim tái hiện trực tiếp việc môn lịch sử bị thất sủng, hàng nghìn bài thi lịch sử trong kỳ thi đại học đạt điểm 0.

Chuyên gia giáo dục từng nhiều lần bàn đến việc giảng dạy lịch sử trong trường học. Giới trẻ ngày càng thờ ơ với lịch sử. Phim lịch sử không ai xem. Trong ảnh là cảnh phim “Sống cùng lịch sử” không bán nổi 1 vé trong 1 suất chiếu. Ảnh: Đoàn phim cung cấp

Thế nhưng, trong chính tập phim này, nhiều tình tiết lịch sử đưa ra cũng bị sai lệch. Cụ thể, ngay phần đầu tập phim, nhân vật Hoàng Nghiêm nói, “Trần Quốc Toản bóp nát quả cam tại hội nghị Diên Hồng”.

Nhưng trong cuốn sách "Vị tướng trẻ dũng cảm Trần Quốc Toản" của nhà xuất bản Fahasa ghi, sự việc bóp nát trái cam của Trần Quốc Toản diễn ra tại Hội nghị Bình Than do vua Trần Nhân Tông triệu tập để bàn chiến lược chống trả quân Nguyên Mông sang xâm lược lần 2.

Cũng trong lời thoại của một nhân vật khác của tập phim nói, “Năm 1010, vua Lý Công Uẩn dời đô về Thăng Long, đặt tên nước là… Đại La”.

Trong cuốn "Đại Việt sử ký toàn thư" của tác giả Ngô Sĩ Liên viết, vua Lý Thái Tổ (Lý Công Uẩn) dời đô từ Hoa Lư về thành Đại La, rồi đổi tên Đại La thành Thăng Long.

Những tranh cãi xung quanh việc học lịch sử đã diễn ra trong thời gian dài, điểm lịch sử thấp ở mức báo động trong nhiều kỳ thi. Giới trẻ không còn mặn mà khi việc dạy lịch sử trong trường học bị cho là khô cứng, chỉ “đọc, chép và thuộc lòng”.

Ngay đến những bộ phim lấy đề tài lịch sử cũng kén khán giả, không ai xem.

Vụ việc tân hoa hậu và á hậu xếp "độ nổi tiếng" của mình ngang với những danh nhân lịch sử, nhắc tên họ với thái độ hời hợt đã khiến đạo diễn Trịnh Lê Phong gọi đây là "một thảm họa".

Trao đổi với phóng viên Lao Động, đạo diễn Bùi Tuấn Dũng cho rằng, " Việc giới trẻ cảm nhận về nhân vật lịch sử, về lịch sử dân tộc một cách hời hợt, thậm chí quay lưng, thờ ơ... là một thực trạng đáng buồn. Những nhà làm phim chúng tôi trong nhiều năm đã nỗ lực đưa nhiều câu chuyện lịch sử oai hùng của dân tộc lên màn ảnh, tuy nhiên sẽ phải cần thêm nhiều yếu tố khác để đưa khán giả đến rạp xem phim lịch sử".

Được biết, hiện có 2 dự án phim lịch sử đang được ấp ủ, trong đó nhà sản xuất Trương Ngọc Ánh làm phim về Hai Bà Trưng, đạo diễn Lương Đình Dũng lên kịch bản về thảm án Lệ Chi Viên liên quan đến án oan thảm khốc của gia tộc Nguyễn Trãi.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn