MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Phim Kiều. Ảnh: NSX

“Kiều” và nước đi mạo hiểm của những người dám dấn thân

NGỌC DỦ LDO | 12/04/2021 13:36
“Kiều” ra mắt nhân dịp kỷ niệm 200 năm ngày mất của đại thi hào Nguyễn Du, do Mai Thu Huyền sản xuất, đạo diễn. Vì “Truyện Kiều” quá đồ sộ nên êkíp chỉ chọn một trích đoạn để phóng tác, đó là mối tình tay ba giữa Thúy Kiều (Mỹ Duyên), Thúc Sinh (Lê Anh Huy đóng) và Hoạn Thư (Cao Thái Hà). Làm phim dựa trên cảm hứng của tác phẩm kinh điển là rất khó đối với các nhà làm phim Việt, chính vì thế tranh luận xảy ra là điều tất yếu.

“Kiều” có làm tốt được thông điệp?

“Kiều” mở màn bằng phân cảnh Thúy Kiều phải bán mình chuộc cha và em trai và bị Mã Giám Sinh lừa vào chốn thanh lâu, rồi tìm cách trốn khỏi Tú Bà (Phương Thanh). Chấp nhận làm kỹ nữ mang lời ca, tiếng hát cho người, Kiều được xem như một “báu vật” để Tú Bà có thể chiêu dụ khách đến thanh lâu. Một lần, nàng được Tú Bà đưa ra ngoài và gặp Thúc Sinh - một người hành nghề buôn lụa. Xiêu lòng trước tài sắc của Kiều, Thúc Sinh tìm cách cứu nàng ra khỏi lầu xanh và cùng Kiều “mai danh ẩn tích” để sống. Ở quê nhà, Hoạn Thư (Cao Thái Hà) khi biết chồng mình có nhân tình đã vô cùng oán hận, lên kế hoạch trả thù.

Nhìn chung, diễn xuất của dàn sao trong Kiều khá tròn vai. Trong đó, Mỹ Duyên và Anh Huy là 2 cái tên lần đầu chạm ngõ điện ảnh nên trong nét diễn đôi khi vẫn còn non. Bù lại, cả hai được đánh giá tốt về ngoại hình. Trong một số phân đoạn, Mỹ Duyên nỗ lực diễn xuất qua ánh mắt và những cảnh Kiều bị làm nhục giữa lầu xanh toát lên vẻ tủi hổ, cam chịu. Ở cảnh nhận ra Thúc Sinh là chồng Hoạn Thư, Mỹ Duyên đẩy được cảm xúc người xem khi Kiều rơi vào tâm trạng đau xót, phẫn uất. Trong khi đó, Anh Huy có ngoại hình với chiều cao 1m91 vào vai Thúc Sinh được lý tưởng hóa với vóc dáng cao lớn, điển trai, giỏi võ công. Tuy nhiên, một số phận đoạn diễn xuất chưa có dấu ấn, đặc biệt là cảnh Thúc Sinh bị dồn vào thế bên nghĩa, bên tình, chưa bộc lộ hết nỗi đau nhân vật.

Hai nhân vật tạo được dấu ấn trong phim là Hoạn Thư của Cao Thái Hà và Hoạn Bà của NSND Lê Khanh. Hà làm tốt tâm lý nhân vật từ chỗ dịu dàng, chung thủy đến sắc lạnh, gai góc khi phát hiện chồng có nhân tình mới. Trong cảnh chứng kiến Thúc Sinh ngoại tình, cô khắc họa được nỗi bẽ bàng, chua xót qua ánh mắt. Lối “đánh ghen” của nhân vật cũng có sự thay đổi với nguyên tác. Không còn những trận đòn roi, Hoạn Thư bắt Kiều phải vừa đàn vừa chứng kiến nàng và Thúc Sinh ân ái. Phân đoạn này, tâm lý nhân vật được thể hiện đa dạng, Cao Thái Hà thể hiện một người đắc ý nhìn “người thứ ba” đau khổ và sau đó lại đau xót khi nhận ra chồng vẫn hết lòng vì người tình.

Hoạn Bà - mẹ của Hoạn Thư (NSND Lê Khanh) nổi bật trong tuyến phản diện, người đứng sau kế hoạch trả thù của con gái. Không có nhiều đất diễn nhưng lại tỏa sáng khi thể hiện qua ánh mắt, cử chỉ của một nhân vật nhẫn tâm, quyết đoán. Nhân vật Đạm Tiên (Mai Thu Huyền đóng) xuất hiện xuyên suốt phim, giúp Kiều vượt qua nhiều tình huống nguy khốn. Đây là nhân vật được làm mới hoàn toàn, diễn xuất của Mai Thu Huyền ổn nhưng êkíp có phần lạm dụng nhân vật này quá đà.

Một điểm cộng nổi bật là ca khúc “Kiều mệnh khúc” do Bùi Lan Hương thể hiện. Âm nhạc ca khúc vang lên, chạm và đẩy cảm xúc của người xem. Và phim có sự đầu tư bối cảnh, khi quay tại nhiều địa điểm, những cảnh quay đại cảnh về núi non, sông hồ đẹp mắt và ấn tượng...

Nhìn chung, êkíp của Kiều đã có sự nỗ lực trong việc đưa một tác phẩm cổ trang lên màn ảnh rộng và thông qua đó, mong khắc họa khát vọng tự do, được sống và yêu của người phụ nữ dù ở xã hội, thời đại nào.

Nước đi mạo hiểm và chữ “dám”

Công tâm mà nói, “Kiều” thật sự đã nỗ lực rất nhiều với trong một lát cắt nhỏ của “Truyện Kiều”. Tuy nhiên, việc lấy cảm hứng từ một tác phẩm kinh điển khiến phim cũng gặp không ít tranh luận từ khán giả.

Chỉ chọn một lát cắt trong cuộc đời 15 năm lưu lạc của Kiều, với thời lượng 90 phút, phim khó lòng diễn tả trọn vẹn được câu chuyện trong mối tình của Kiều - Thúc Sinh - Hoạn Thư. Chính vì thế, nhịp phim có phần vội vã, chóng vánh. Chuyện tình Kiều, Thúc Sinh diễn tiến khá nhanh, khi cao trào giữa chuyện tình tay ba nổ ra, các nhân vật chỉ chia sẻ nỗi niềm qua vài lời thoại và kết phim số phận nàng Kiều còn lửng lơ. Ngoài ra, vì áp lực thời lượng, êkíp đã phải cắt bỏ nhiều cảnh quay khiến nhiều phân đoạn chuyển cảnh đột ngột, bị cụt cảm xúc...

Êkíp của phim đã tự làm khó mình khi lấy cảm hứng từ Truyện Kiều để làm phim, bởi tác phẩm này đã đi sâu vào tiềm thức bao thế hệ người Việt. Mỗi người Việt đều thuộc ít nhất một vài câu Kiều, hoặc tên của những nhân vật trong tác phẩm văn học này. Bởi vậy, gần như trong đầu mỗi người Việt đã tự định hình cho mình hình ảnh về các nhân vật trong tác phẩm này. Tuy nhiên, khi lên phim Việt sáng tạo hình ảnh nhân vật, câu chuyện rất dễ gây tranh cãi.

Trước đó, Mai Thu Huyền luôn nhắc đi nhắc lại rằng, đoàn phim không chuyển thể Truyện Kiều mà chỉ “lấy cảm hứng”. Tuy nhiên, tâm lý khán giả lại khác. Họ xem “Kiều” vì tò mò và vì mong muốn biết Truyện Kiều được đưa lên phim thế nào. Và rồi khi phim có phần khác với nguyên tác nên tâm lý chung của khán giả là hụt hẫng. Ngoài ra, với những người yêu Truyện Kiều, họ sẽ mặc định rằng phim phải tôn trọng nguyên tác và không được làm sai, làm mới bất kỳ nội dung hay nhân vật nào. Bởi thế, “Kiều” ra mắt không giống tưởng tượng nên đã tạo nên luồng tranh cãi dữ dội.

Với khán giả muốn tìm tòi cái mới thì “Kiều” của Mai Thu Huyền đã làm tốt chưa? “Kiều” mong muốn truyền tải khát vọng tình yêu, tự do của con người nhưng chưa rõ nét thông điệp này, một phần vì vẫn còn loay hoay giữa việc giữ gìn cái cũ hay sáng tạo cái mới. Tất nhiên, kịch bản đề cao tính nữ quyền trong tình yêu của Kiều là ý tưởng không tệ. Và nếu được tính toán kỹ lưỡng hơn ở khâu phát triển kịch bản thì có lẽ “Kiều” sẽ tốt hơn.

Điều đáng khen nhất với “Kiều”, chính là biết con đường chọn rất mạo hiểm nhưng êkíp vẫn dám thử sức, dấn thân để thấy mình được và chưa được điều gì, từ đó có thể tìm cho mình hướng đi phù hợp hơn...

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn