MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Phim “King the Land” - Khách sạn vương giả có rating cao nhưng nội dung cũ kĩ. Ảnh: Nhà sản xuất

“King the Land” và loạt phim Hàn Quốc có tỉ suất người xem cao, giá trị nghệ thuật thấp

An Nhiên LDO | 08/08/2023 08:10

Truyền thông bày tỏ sự lo ngại khi các phim Hàn Quốc như “King the Land” (Khách sạn vương giả) thành công về tỉ suất người xem, nhưng giá trị nghệ thuật không cao.

Phim Hàn Quốc rating cao dù nội dung tranh cãi

Tối 6.8, tập cuối phim hài lãng mạn “King the Land” (Khách sạn vương giả/YoonA, Lee Junho đóng chính) lên sóng với tỉ suất người xem cao nhất kể từ khi phát sóng với mức 13,8%, theo Nielsen Korea.

Trong tập này, Cheon Sa Rang (YoonA) quyết định rời khỏi King Hotel và mở khách sạn của riêng mình để có thể tiếp tục tình yêu với Gu Won (Lee Jun Ho) một cách đường hoàng. Phim khép lại với đám cưới lãng mạn của cặp đôi.

Daum đánh giá, tình tiết nữ chính rời công ty và khởi nghiệp được thêm vào cuối phim, song cái kết của “Khách sạn vương giả” không khác nhiều so với công thức “hoàng tử - lọ lem” điển hình, khi cặp đôi chính kết hôn và chung sống hạnh phúc mãi mãi. Dù vậy, tác phẩm vẫn lập kỉ lục về tỉ suất người xem.

Phim kết thúc đúng như mô tuýp “hoàng tử - lọ lem” điển hình. Ảnh: Nhà sản xuất

Báo Hàn nhận định, thành tích này cho thấy phim đã làm tốt nhiệm vụ giải trí cho người xem và công thức “hoàng tử - lọ lem” vẫn có thể tạo được sự chú ý nhất định nếu phim sở hữu dàn diễn viên ăn ý, đẹp đôi, đông người hâm mộ như YoonA - Lee Junho.

Xét về mặt thương mại, “Khách sạn vương giả” có thể là một tác phẩm thành công, tuy nhiên, xét về mặt nghệ thuật, phim không để lại giá trị lớn. Theo Daum đánh giá, thời gian qua, không chỉ “Khách sạn vương giả” mà nhiều phim truyền hình tại Hàn Quốc đang chọn mô tuýp khá cũ để triển khai.

Từ phim “Cậu út nhà tài phiệt”, “Công ty quảng cáo“ tới “Bác sĩ Cha”... đều chỉ tập trung việc thu hút khán giả vào các yếu tố bề nổi (tạo chú ý truyền thông, rating...), thay vì tập trung thử nghiệm những đề tài mới hay tạo ra những giá trị, chất lượng nghệ thuật khác biệt.

Điều này cho thấy các đơn vị sản xuất đang chọn hướng đi an toàn, và gặt hái thành công với những kết thúc sáo rỗng điển hình, mất đi bản sắc cần thiết cho một tác phẩm, khiến khán giả dễ xem, dễ quên, không đọng lại nhiều bài học, thông điệp cần có.

Cần thay đổi chiến lược

Bên cạnh loạt phim gây tranh cãi, truyền hình Hàn Quốc vẫn có những tác phẩm được đánh giá cao như “Người mẹ tồi của tôi” hay “Ác quỷ”, “Nghệ thuật săn quỷ và nấu mì”, “Những người ứng cứu đầu tiên”... sở hữu đề tài mới mẻ, có chất lượng nội dung cao.

Bên cạnh đó, màn nhập vai ấn tượng, phản ứng hóa học ăn ý của dàn diễn viên cũng là điểm cộng, giúp các dự án nói trên đạt tỉ suất người xem cao, dù khung chiếu phải đối đầu với nhiều đối thủ nặng kí.

Phim “Ác quỷ” của Kim Tae Ri được khen về nội dung, diễn xuất. Ảnh: Nhà sản xuất

Theo Daum, để tác phẩm nâng cao chất lượng, thay vì chỉ tập trung vào các nội dung đơn giản, phù hợp với khán giả trung niên, cao tuổi, các nhà sản xuất nên thay đổi chiến lược, mang đến những đề tài mới cho khán giả, đặc biệt là thế hệ trẻ.

Vì thực tế, một tác phẩm thành công, ngoài việc mang đến sức hút đại chúng thì giá trị thương hiệu, chất lượng nghệ thuật cũng cần phải nâng cao, để tránh việc trở thành những dự án dễ bị lãng quên.

Như chia sẻ của nhà phê bình văn hóa Ha Jae Geun với The Korea Times trước đó, để tồn tại trong thị trường đang ngày càng thu hẹp, các nền tảng OTT (Over the top - dịch vụ phát trực tuyến), đài truyền hình cần tập trung vào việc tạo ra những bộ phim có chất lượng tốt hơn.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn