MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bánh phồng Sơn Đốc vang danh hàng trăm năm qua.

Kỳ thú chuyện chiếc bánh phồng trở thành Di sản quốc gia

Kỳ Quan LDO | 30/03/2019 07:30
Ngày 23.3, tỉnh Bến Tre tổ chức lễ công bố và đón nhận Bằng chứng nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia cho “Nghề làm bánh phồng Sơn Đốc” (ấp Sơn Đốc, xã Hưng Nhượng, huyện Giồng Trôm). Từ chiếc bánh dân dã làm từ gạo nếp địa phương trở thành loại đặc sản lừng danh được biết đến trong và ngoài nước là cả câu chuyện dài lý thú.

Bánh phồng là loại bánh làm từ gạo nếp, khá phổ biến ở vùng Tây Nam bộ. Nhưng hễ nhắc đến bánh phồng ngon, người dân miền Tây sẽ nhắc ngay đến bánh phồng Sơn Đốc nổi tiếng từ câu phương ngôn “Bánh tráng Mỹ Lồng và bánh phồng Sơn Đốc”.

Theo các tài liệu lịch sử, danh tiếng “Bánh phồng Sơn Đốc” đã có hơn 100 năm qua. Danh tiếng ấy được những người thợ làm bánh ở Sơn Đốc gìn giữ, lưu truyền cho nhiều thế hệ con cháu và phát triển rực rỡ đến ngày nay.

Chỉ từ gạo nếp, trộn với nước cốt dừa và đường, đem “quết” thành bột, rồi cán thành từng chiếc bánh nhỏ, phơi khô,… Những chiếc bánh tròn xinh, béo thơm từ gạo nếp và đậm đà hương vị từ nước cốt dừa của “xứ dừa” đã làm say lòng bao thực khách suốt hàng trăm năm qua.

Nhọc nhằn nhưng thú vị nghề làm bánh phồng.

Bánh phồng Sơn Đốc có thể ăn sống hoặc nướng, nhưng ngon nhất là nướng trên lửa rơm hoặc than hồng. Bánh sau khi nướng có hương thơm nhẹ dịu và giòn khi ăn, ngon nhất là ăn bánh cùng với tách trà nóng, thơm lừng.

Có lẽ cái chất mộc mạc, thủy chung của người làm nghề được gói ghém trong chiếc bánh vẹn nguyên hương vị quê dừa đã giúp cho danh tiếng “bánh phồng Sơn Đốc” ngày càng lan xa, cả trong và ngoài nước.

Ngày nay khi có rất nhiều loại bánh “Tây, Tàu” tràn ngập thị trường, nhưng bánh phồng Sơn Đốc vẫn có chỗ đứng vững chắc của mình. Với tất cả những điều tốt đẹp đó, bánh phồng Sơn Đốc hoàn toàn xứng đáng được vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.

Hiện nghề làm bánh phồng ở Sơn Đốc không chỉ mang về giá trị kinh tế cho địa phương, tạo việc làm cho hàng trăm lao động tại chỗ mà còn giúp phát triển du lịch địa phương.

Du khách, đặc biệt là khách quốc tế, thích khám phá, tận mắt chứng kiến những nét độc đáo của làng nghề truyền thống. Rồi tự tay nướng bánh, thưởng thức bánh còn nóng hổi…

Bánh phồng Sơn Đốc được bày bán nhiều nơi.

Ông Võ Văn Chôm, một lão nông gần 100 tuổi ở Sơn Đốc, kể: Hồi còn nhỏ ông đã thấy ông bà nội làm bánh phồng. Nhưng hồi đó chỉ làm bánh phồng vào dịp Tết, chỉ được ăn bánh khi Tết đến. Hiện con trai ông Chôm là anh Võ Văn Thành (Ba Thành) đang tiếp tục nghề làm bánh phồng của cha ông để lại.

Anh Ba Thành cho biết, bây giờ nhiều công đoạn làm bánh đã được “cơ giới hóa” thay cho cách làm thủ công trước đây. Quết bánh phồng đã có máy trợ lực, trợ sức, chứ không còn bằng chân.

HTX bánh phồng Sơn Đốc đã được thành lập từ năm 2001. Bánh phồng Sơn Đốc cũng đã đăng ký thương hiệu từ năm 2002. Ông Phạm Văn Hát - Chủ nhiệm HTX - cho biết: Làng nghề có hơn 30 hộ theo nghề làm bánh truyền thống của gia đình. HTX đã có được nhãn hiệu, từ đó dễ dàng hơn trong việc tìm đầu ra.

Sản phẩm bánh phồng Sơn Đốc hiện có mặt nhiều trên thị trường các tỉnh miền Tây và miền Đông Nam bộ và vươn xa hơn. Bánh phồng Sơn Đốc cũng bắt đầu được tiêu thụ ở nước ngoài, những nơi có đông bà con Việt kiều.

Với việc được công nhận là Di sản quốc gia, những chiếc bánh phồng Sơn Đốc càng khẳng định chỗ đứng trên thị trường, đưa hương vị làng nghề ngày càng vươn xa, góp phần giữ gìn và khẳng định bản sắc văn hóa xứ Dừa nói riêng, Việt Nam nói chung. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn