MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tác phẩm bột màu "Hà Nội đêm giải phóng" của Lê Thanh Đức năm 1954.

"Ký ức Hà Nội" qua từng tác phẩm hội hoạ, đồ hoạ trên nhiều chất liệu

Ái Vân LDO | 09/10/2021 11:47

 Nhân dịp kỷ niệm 67 năm ngày Giải phóng Thủ đô Hà Nội (10.10.1954 – 10.10.2021), Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam giới thiệu triển lãm trực tuyến với tên gọi “Ký ức Hà Nội”. Triển lãm trực tuyến trưng bày 25 tác phẩm hội họa, đồ họa bằng các chất liệu đa dạng như: sơn mài, sơn dầu, lụa, bột màu, màu nước, chì, khắc gỗ… được lựa chọn trong bộ sưu tập của Bảo tàng.

Với ngôn ngữ tạo hình phong phú mang phong cách, dấu ấn riêng cùng với trái tim và tình cảm sâu sắc dành cho mảnh đất "nơi lắng hồn núi sông ngàn năm", những họa sĩ đã đưa công chúng về với những ngày tháng lịch sử, khi Hà Nội kiên cường, anh dũng ngày đầu kháng chiến, kìm giữ, giam chân, tiêu hao sinh lực địch, bảo toàn lực lượng chuẩn bị cho cuộc kháng chiến lâu dài.

Đó là các tác phẩm ký họa, trực họa của các tác giả Nguyễn Văn Tỵ, Công Văn Trung, … Hay những tác phẩm nổi tiếng như Kháng chiến (cảnh tiêu thổ) của tác giả Lê Quốc Lộc; Thủ đô kháng chiến của tác giả Nguyễn Quang Phòng, Chiến lũy của tác giả Lê Anh Vân. Những ký ức về một thời hào hùng của quân và dân Thủ đô luôn mang đến những cảm xúc đầy tự hào cho người xem.

Tác phẩm “Ngã Tư Sở” của Nguyễn Văn Tỵ trên chất liệu chì, năm 1947.
Tác phẩm “Hà Nội kháng chiến” của Văn Giáo thể hiện bằng hình thức bột màu.
Tác phẩm “Thủ đô Kháng chiến” của Nguyễn Quang Phòng thể hiện bằng chất liệu sơn mài, năm 1999.
Tác phẩm “Chiến Lũy” của Lê Anh Vân thể hiện bằng chất liệu sơn dầu, năm 1984.
Tác phẩm “Kháng chiến (cảnh tiêu thổ) của Lê Quốc Lộc thể hiện bằng chất liệu sơn mài, năm 1960.
Tranh sơn dầu “Phố Hà Nội - 1946” của hoạ sĩ Bùi Xuân Phái

Trải qua 9 năm kháng chiến, Hà Nội hoà bình trong không khí rực rỡ cờ hoa đón chào đoàn quân về giải phóng Thủ đô, được tái hiện qua những tác phẩm như: “Hà Nội đêm giải phóng” của Lê Thanh Đức, “Phố Hàng Đường” của Trịnh Hữu Ngọc, “Ngày vui giải phóng” của Trần Khánh Chương… Bên cạnh đó, những ngày đầu sau khi hoà bình được thiết lập, không khí náo nức rộn ràng của quang cảnh Hà Nội trong các dịp lễ hội, hay nét hào hoa, thanh lịch và vẻ đẹp lao động của người Tràng An luôn được các tác giả ưu ái, khắc họa thành công qua nhiều tác phẩm như: “Xuân Hồ Gươm” của Nguyễn Tư Nghiêm, “Đan len” của Trần Văn Cẩn, “Trong lò than nhà máy điện Yên Phụ” của Trần Đình Thọ… 

Tác phẩm bột màu “Hà Nội đêm giải phóng” của Lê Thanh Đức năm 1954.
Tranh sơn dầu “Phố Hàng Đường” của Trịnh Hữu Ngọc năm 1960.
Tác phẩm khắc gỗ “Hà Nội giải phóng” của Trịnh Thiệp năm 1976.
Tác phẩm khắc gỗ “Giải phóng Thủ đô” của Đinh Lực năm 1984
Tác phẩm khắc thạch cao “Ngày vui giải phóng” của hoạ sĩ Trần Khánh Chương năm 1986.

Qua triển lãm này, công chúng cũng được chiêm ngưỡng các tác phẩm về những địa danh nổi tiếng của Hà Nội như: Nhà sàn Bác Hồ, Hồ Hoàn Kiếm, Đền Ngọc Sơn, Văn Miếu, Ô Quan Chưởng… Những danh lam thắng cảnh đẹp của Hà Nội dù qua bao nhiêu thăng trầm của lịch sử, vẫn luôn là những ký ức khó quên về Thủ đô với mỗi người.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn