MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bảo Tháp Kỳ Lân Tự - nơi biểu diễn show thực cảnh. Ảnh: Quỳnh Trang

Làm mới sản phẩm, du lịch Ninh Bình tìm cách níu chân du khách

QUỲNH TRANG LDO | 11/04/2024 09:51

Được mệnh danh là “Hạ Long trên cạn” với nguồn tài nguyên du lịch phong phú, Ninh Bình là địa danh được nhắc đến nhiều trên bản đồ du lịch Việt Nam và thế giới những năm gần đây. Mỗi năm Ninh Bình đón hàng triệu lượt du khách, tuy nhiên, doanh thu từ du lịch chưa cao, các sản phẩm du lịch còn chưa đa dạng, phong phú.

Nhiều tiềm năng nhưng ít sản phẩm

Với 1.821 di tích, trong đó có 298 di tích cấp tỉnh, 81 di tích cấp quốc gia (trong đó có 3 di tích cấp quốc gia đặc biệt), đây là những tiềm năng, lợi thế lớn của Ninh Bình trong phát triển du lịch, có thể tạo nên những sản phẩm du lịch đặc thù, có khả năng cạnh tranh và tạo nên thương hiệu riêng cho du lịch Ninh Bình.

Theo báo cáo của Sở Du lịch tỉnh Ninh Bình, năm 2023, tỉnh đã đón hơn 6,5 triệu lượt khách tham quan, đạt mức tăng trưởng 77% so với năm trước. Mức doanh thu từ du lịch đạt hơn 6.516 tỉ đồng, gấp đôi so với năm 2022. Dù ngành du lịch Ninh Bình trong những năm qua không ngừng tăng trưởng cao, nhưng các sản phẩm du lịch vẫn còn đơn điệu, chưa mang nét đặc trưng, bản sắc của vùng đất Cố đô.

Theo ông Phạm Duy Phong - Phó Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Ninh Bình, hiện tại chương trình tour của hầu hết các công ty lữ hành tại đây tập trung vào 3 hoạt động chính: Đi thuyền, đạp xe và tham quan đền, chùa. “Hoạt động ngồi thuyền trên sông ngắm cảnh hang động, núi đá được lặp lại ở nhiều điểm du lịch như: Khu du lịch sinh thái Tràng An, Khu du lịch Tam Cốc... Sự thiếu vắng, khan hiếm các hoạt động văn hóa như biểu diễn nghệ thuật, triển lãm văn hóa, khiến các đơn vị lữ hành gặp khó khăn trong việc thiết kế các chương trình du lịch dài ngày, mặt khác phần nào cũng sẽ tạo ra khó khăn trong việc đưa du khách quay trở lại Ninh Bình” - ông Phong cho biết.

Từng bước tạo sự bứt phá, mới lạ

Phố cổ Hoa Lư là điểm nhấn du lịch đêm, thu hút không chỉ người dân trong tỉnh mà còn nhận được sự quan tâm của khách du lịch khi về tham quan Ninh Bình. Tại đây thường xuyên diễn ra các hoạt động văn hóa, văn nghệ về đêm như: Biểu diễn âm nhạc trên hồ Kỳ Lân, nhảy sạp...

Ông Trần Văn Trường - Trưởng ban Quản lý Phố cổ Hoa Lư (TP Ninh Bình) - cho biết, dù mới đưa vào hoạt động chưa lâu nhưng Phố cổ Hoa Lư đã nhận được nhiều lời khen của du khách trong và ngoài nước. “Để thu hút du khách đến tham quan và sử dụng các dịch vụ vào buổi tối, đơn vị đã tổ chức nhiều chương trình nghệ thuật truyền thống như hát chèo, hát xẩm, chầu văn, hay các trò chơi dân gian, từ đó tạo nên sự mới mẻ, đa dạng cho du khách, giúp họ cảm nhận được trọn vẹn những giá trị, không gian của núi non, sông nước Ninh Bình” - ông Trường chia sẻ.

Không chỉ tại Phố cổ Hoa Lư mà trên địa bàn tỉnh Ninh Bình hiện nay đã xuất hiện nhiều hoạt động, điểm tham quan, giải trí về đêm như: Tour du lịch xem động vật hoang dã ban đêm ở Cúc Phương (huyện Nho Quan), “chuyến xe di sản” ngắm thành phố Ninh Bình về đêm, tour khám phá chùa Bái Đính về đêm, phố đi bộ Tam Cốc kết hợp ẩm thực quán bar, nhà hàng... tạo cho du khách những hoạt động, trải nghiệm mới lạ, thú vị và hấp dẫn.

Thời gian tới đây, Ninh Bình sẽ tổ chức chuỗi hoạt động nghệ thuật, văn hóa, du lịch nổi bật kỷ niệm 10 năm Quần thể danh thắng Tràng An được UNESCO ghi danh. Đây sẽ là điểm nhấn để Ninh Bình tiếp nối mạch nguồn xây dựng đa dạng, phong phú sản phẩm du lịch, giải trí để thu hút du khách và thúc đẩy các hoạt động kinh tế đi kèm.

Mục tiêu đến năm 2025, Ninh Bình thu hút được 8 triệu lượt khách du lịch, tổng thu du lịch đạt trên 8.000 tỉ đồng. Đến năm 2030, thu hút 12 triệu lượt khách, trong đó có 2 triệu khách quốc tế, tổng thu du lịch đạt 18.660 tỉ đồng.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn