MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Sự kiện “Con đường âm nhạc” của nghệ sĩ Thanh Lam. Ảnh: Hoà Nguyễn

Làm “nóng” lại không gian văn hoá trong nước sau giãn cách

Hải Minh LDO | 02/11/2021 06:30

Sau một thời gian giãn cách do tình hình dịch bệnh, nhiều chương trình, hoạt động văn hóa đã trở lại làm nóng không gian văn hoá trong nước. Các đơn vị nghệ thuật đã tổ chức sự kiện chỉn chu, bài bản trong điều kiện an toàn và không ngừng nỗ lực tìm cách tiếp cận khán giả. 

Bùng lên sức sống

Sau những chuỗi ngày dài “cửa đóng then cài”, Nhà hát Lớn Hà Nội như được thổi bùng lên sức sống bởi những đêm diễn với nhiều vở nổi tiếng, giá trị đã được khẳng định như: “Người tốt nhà số 5” (Nhà hát Kịch Việt Nam), “Ai là thủ phạm” (Nhà hát Tuổi trẻ), “Bạch đàn liễu” (Sân khấu Lucteam), “Phải có ba đồng” (Nhà hát Kịch Hà Nội), “Chí Phèo - Thị Nở” (Sân khấu Lệ Ngọc), “Chén thuốc độc” (Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam)... Đây là loạt hoạt động hướng đến chào mừng Tuần lễ kỷ niệm “100 năm sân khấu kịch nói Việt Nam 1921 - 2021”.

Tối 30.10, sự kiện “Con đường âm nhạc” của ca sĩ Thanh Lam đã diễn ra không có khán giả, các đại biểu cũng đảm bảo các điều kiện phòng, chống dịch COVID-19 trong đó có tiêm đầy đủ 2 mũi vaccine phòng COVID-19. Trong chương trình, ca sĩ Thanh Lam đã bùng cháy với hơn 10 bài hát, phác họa “con đường âm nhạc” của mình. Khán giả xem truyền hình thực sự thích thú khi được nghe những ca khúc quen thuộc gắn liền với tên tuổi Thanh Lam. Nữ ca sĩ đã thực sự bùng nổ, “cháy” hết mình trong các phần trình diễn.

Tháng 11 tới, một sự kiện lớn của văn hóa trong nước được chờ đợi là Liên hoan phim Việt Nam lần thứ XXII cũng sẽ diễn ra từ ngày 18-20.11.2021 tại thành phố Huế.

Sân khấu nỗ lực trở lại

Dịch tạm lắng, toàn ngành văn hoá nói chung cũng như sân khấu kịch nói riêng đang nỗ lực trở lại với đời sống thường nhật. Tại cuộc hội thảo “100 năm hình thành và phát triển nghệ thuật sân khấu kịch Việt Nam - Những vấn đề đặt ra, định hướng và giải pháp phát triển”, nhiều ý kiến được đưa ra xoay quanh vấn đề làm sao để sân khấu lại sáng đèn, mỗi vở diễn lại chạm được vào cảm xúc của khán giả? Bởi giờ đây, khi khán giả có quá nhiều sự lựa chọn thì việc tìm đến rạp hát không đơn thuần chỉ để xem những gì diễn ra trên sân khấu mà là để thưởng thức nghệ thuật. Vì vậy, mỗi nhà hát, nghệ sĩ đều phải tự mày mò, hoàn thiện mình nhằm nâng cao sức cạnh tranh nếu còn tha thiết với sân khấu.

Theo NSND Trung Hiếu - Giám đốc Nhà hát Kịch Hà Nội, trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay, không chỉ kịch nói mà các loại hình nghệ thuật và giải trí khác trên toàn thế giới đều gặp rất nhiều khó khăn. Việc tìm lối đi và cách ứng phó trong tình hình dịch bệnh là thử thách vô cùng lớn... Đứng trước thử thách đó, Nhà hát Kịch Hà Nội đã có những bước chuyển mình để khắc phục và thay đổi hiện trạng.

Định hướng của nhà hát trong hiện tại và tương lai là trở thành một nhà hát đa năng lấy kịch nói làm trung tâm. Không chỉ kiên định với sở trường là các tác phẩm chính kịch, nhà hát còn mở rộng và phát triển những chủ đề mới, thể loại mới để tiếp cận khán giả nhanh hơn, phù hợp hơn.

NSƯT Sĩ Tiến - Phó Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ - cho biết, Nhà hát luôn đề cao yếu tố con người, liên tục đào tạo để hoàn thiện hơn về mặt kỹ thuật, kỹ năng và cách tiếp cận với khán giả ở một trình độ cao. Nhà hát Tuổi Trẻ cũng như những nhà hát khác trong cả nước đang nỗ lực bảo tồn và duy trì sân khấu kịch kinh điển, đồng thời tiếp nhận, phối hợp và quy nạp những phương pháp, thủ pháp hiện đại.

Trên sân khấu đã xuất hiện những yếu tố của tạp kỹ, của nghệ thuật video, đưa kịch nói tiếp cận điện ảnh, nghệ thuật trình diễn, sắp đặt, những trò chơi, ca vũ dân gian... Đây không chỉ là nỗ lực để duy trì sự tồn tại cho kịch nói, mà còn là những thể nghiệm và thực nghiệm, góp phần đẩy kịch nói lên một tầm cao mới, trở thành nhân tố không thể thiếu của nghệ thuật đương đại.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn