MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Cảnh phim “Em và Trịnh” chụp lại từ trailer của phim.

Làm phim về nhân vật - Hãy ứng xử cho đúng luật

Việt Văn LDO | 17/09/2022 11:16

Trên một số trang mạng đăng tin luật sư Nguyễn Thị Diễm Phượng - đại diện pháp lý của giáo sư (GS) Michiko Yoshii - đã gửi công văn yêu cầu nhà sản xuất phim “Em và Trịnh” xin lỗi về việc sử dụng hình ảnh của bà trong phim khi chưa xin phép. Theo luật sư, trong quá trình thực hiện phim, êkíp hoàn toàn không liên lạc và xin phép với GS Michiko. Việc đưa những chi tiết về đời tư của nhân vật Michiko ảnh hưởng khá nhiều đến cuộc sống của bà.

Ứng xử thiện chí, nhân văn của GS Michiko

Nét nhân văn của GS Michiko là ở chỗ bà đã không lên tiếng khi phim đang phát hành vì không muốn ảnh hưởng đến việc trình chiếu thương mại của tác phẩm.

Vì nếu bà lên tiếng phản đối, các nhà sản xuất của bộ phim có thể bị đối diện với một khả năng xấu nhất là bộ phim bị dừng chiếu. GS Michiko chỉ lên tiếng khi bộ phim đã kết thúc thời gian chiếu rạp, có doanh thu cao.

Và theo như luật sư của bà trả lời trang zingnews.vn, thì GS Michiko chỉ muốn nhận lời xin lỗi công khai từ phía nhà sản xuất. Nếu sau một tuần, bà không nhận được phản hồi từ nhà sản xuất thì luật sư mới gửi đơn ra tòa để khởi kiện.

Rõ ràng, ứng xử của GS Michiko rất thiện chí và có thể nói là khá nhẹ nhàng, vì bà hoàn toàn có thể khởi kiện ngay lập tức.

Trước đó, danh ca Khánh Ly cũng than phiền về một số chi tiết hư cấu trong phim như chi tiết bà “đút” sữa chua cho nhạc sĩ Trịnh Công Sơn vì đời thường bà không làm chuyện đó ngay cả đối với chồng, con. Ca sĩ nổi tiếng Thanh Thúy cũng phủ nhận việc bà mặc sườn xám và cùng Trịnh Công Sơn đi về trong ngõ tối, thậm chí bà nói với một vài tờ báo rằng đó là thời gian mẹ bà mất nên bà để tang mẹ, đi hát chỉ mặc toàn áo dài trắng và đen. Cả đời, chưa bao giờ mặc áo sườn xám và búi tóc như thế. Bà cũng “dị ứng” với hình ảnh một nam, một nữ đi về trong ngõ hẻm tối...

Sau đó, ông Lương Công Hiếu - đại diện nhà sản xuất của phim - đã lên tiếng xin lỗi và nhấn mạnh êkíp không có ý định bôi xấu nhân vật nào.

Trách nhiệm và ứng xử của nhà làm phim

Điều 38 của Bộ luật Dân sự quy định “Quyền bí mật đời tư của cá nhân được tôn trọng và được pháp luật bảo vệ”.

Vì thế, khi làm một bộ phim về tiểu sử nhân vật đặc biệt là những nhân vật nổi tiếng, nhà làm phim (chủ yếu là nhà sản xuất và đạo diễn) phải rất thận trọng. Và không chỉ nhân vật chính mà cả các nhân vật có liên quan, nhân vật phụ cũng phải quan tâm, thực hiện đúng Luật.

Với nhân vật còn sống thì phải liên hệ trực tiếp, còn nhân vật đã qua đời phải tìm gặp người thân - gia đình của họ. Bắt buộc giữa nhà sản xuất và nhân vật phải có hợp đồng cam kết rõ ràng để nhân vật đồng ý cho đưa họ lên phim với tên thật. Nhân vật có quyền được xem kịch bản phân cảnh, đồng ý hay không đồng ý các chi tiết và có thể đề nghị bỏ họ ra nếu thấy hình ảnh về họ bị sai lạc, hay bóp méo. Còn với nhân vật đã chết thì nhà làm phim phải ký hợp đồng với người thân của họ.

Trong hợp đồng, dĩ nhiên là phải có chế tài xử phạt nếu có sự vi phạm sau này.

Một đạo diễn nói với tôi, có lần anh ta làm phim về một nhân vật nổi tiếng đã ở tuổi U80, không phải ký hợp đồng giấy nhưng phải “hợp đồng” miệng có ghi âm để làm bằng chứng về sự đồng ý của nhân vật. “Án tại hồ sơ” mà. Anh cho biết thêm, diễn viên chưa đọc kịch bản, chưa biết vai diễn thì họ không bao giờ ký hợp đồng. Họ không được quyền xem nháp phim sau khi dựng nhưng đạo diễn không được thay đổi, bóp méo vai diễn của họ. Chỉ được phép cắt ngắn để phục vụ nội dung phim chứ không được dùng thủ pháp thay đổi nhân vật mà họ thể hiện.

Trường hợp danh ca Khánh Ly, đoàn làm phim đã liên lạc, cho xem kịch bản và bà không đồng ý một số phân cảnh. Tuy nhiên, các cảnh bà phản đối vẫn được giữ khi phim phát hành. Còn với ca sĩ Thanh Thúy, cũng được đoàn phim nhờ một nhạc sĩ ở bên đó hỏi về trang phục của bà lúc đó, bà đã nói hết, nhưng sau lên phim lại khác.

Thật đáng buồn trước những ứng xử như vậy của đoàn làm phim, dù sau này đại diện nhà sản xuất xin lỗi; nhưng sự đã rồi! Và bản thân nhân vật và người thân phải lãnh hậu quả tinh thần, nó có thể không cân đo, đong đếm được - nhưng là một sự tổn thương không nhỏ.

Ai đó biện minh rằng phim là hư cấu, sao cứ đòi phải giống thật 100%. Xin thưa, nếu thế sao đề tên thật người ta vào phim mà không đổi tên? Liệu nhà làm phim đã tính hết hệ lụy khi đưa những chuyện tình cảm riêng tư của họ lên phim khi giờ đây họ đã yên bề gia thất? Liệu nhà làm phim đã biết yêu thương nhân vật của mình chưa?

Ở đây trách nhiệm của nhà sản xuất là rõ, khi họ phải lo ký hợp đồng, làm việc với các nhân vật nhưng đạo diễn phải chịu trách nhiệm liên đới. Vì phim là của đạo diễn, đạo diễn phải ký hợp đồng với nhà sản xuất chịu trách nhiệm về chất lượng nghệ thuật của bộ phim với nhân vật và đầy đủ các yếu tố khác.

Trong câu chuyện kể trên, dĩ nhiên không ai buộc tội nhà sản xuất và đạo diễn cố tình, nhưng rõ ràng đấy là cách hành xử thiếu chuyên nghiệp, khó mà chấp nhận được.

Rất may cho đoàn làm phim là những nhân vật nổi tiếng kể trên đều ứng xử rất thiện chí, nhân văn, không muốn làm to chuyện, chứ không nhà làm phim đã gặp nhiều rắc rối, khi đó bộ phim cũng khó có thể đoạt doanh thu khủng như vậy.

Vụ việc kể trên là bài học kinh nghiệm đắt giá cho các nhà làm phim Việt đã và đang có ý định làm phim về nhân vật. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn