MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Làng Cựu trên 500 năm và nghệ thuật đánh thức tình yêu di sản

Việt Văn LDO | 18/05/2020 15:15

Là một ngôi làng có bề dày trên 500 năm tuổi nhưng làng Cựu (Phú Xuyên, Hà Nội) lại đang đứng trước nguy cơ mai một dần đi những giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể. Ngày 22.5 tới, triển lãm tranh “Bóng di sản” mang đến nỗi niềm của 9 họa sĩ về số phận ngôi làng.  

Giống như họa sĩ trẻ Nguyễn Minh bơi ngược dòng với khát vọng sáng tạo, các họa sĩ cùng nhóm 33A của Minh sau một số triển lãm gây dấu ấn với người xem như “Ngó lúa vàng”, “Hơi thở Biển” lần này mang đến một “Bóng di sản” khá độc đáo.

Một bức tranh của Mạnh Tưởng về làng Cựu trên 500 năm.

Đây là dự án “dài hơi” của các nghệ sĩ 33A với các di sản vật thể và phi vật thể trên khắp mọi miền đất nước với chủ đề: Đánh thức di sản.

Và triển lãm đầu tiên của dự án này chính là “Bóng di sản” là câu chuyện về Làng Cựu (Phú Xuyên, Hà Nội) - một ngôi làng cổ có tuổi đời trên 500 năm với những biệt thự pha lẫn giữa kiến trúc Việt cổ và kiến trúc Pháp độc đáo và riêng biệt, với nghề truyền thống may mặc từng may trang phục cho cả các viên chức Pháp và người Việt thời xưa, từng thuê kiến trúc sư Pháp thiết kế biệt thự, nay cần những giải pháp cấp bách để bảo tồn giá trị di sản.

PGS, TS Nguyễn Thị Thu Phương, chuyên gia nghiên cứu văn hóa, nhóm trưởng viết dự án “Thành phố sáng tạo” khi về làng Cựu đã nhận ra kiến trúc kết hợp Đông- Tây độc đáo của làng, sự sống của làng Cựu “rất mong manh”. Với góc độ chuyên gia, chị đã đề nghị nhóm tư vấn tác động tới chính quyền địa phương phải giữ làng Cựu, chia sẻ với họ,  đánh động ý thức dân làng. Bởi việc bảo tồn kiến trúc liên quan đến chủ sở hữu. Nhưng chủ sở hữu hoặc đã ra nước ngoài, hoặc đi chỗ khác sinh sống. Những người làm thuê xưa kia nay giàu lên, phá cổng, phá bờ tường ngôi nhà, xây bể nước, phá vỡ không gian kết cấu mang giá trị di sản…

Chị Phương đã đề nghị phải giữ làng Cựu như là một điểm đến trong dự án, đầu tư từ 5-15 năm, mời các chuyên gia nước ngoài  đến lưu giữ, phục chế lại kiến trúc xưa. Có một duyên may là những bức ảnh của chị Phương đã nhận được sự đồng cảm của nhóm họa sĩ 33A.

Họ đã về đây điền dã trong ba ngày tìm hiểu, quan sát, thấm đẫm cái hồn của ngôi làng để kể những câu chuyện bằng tranh.

Một bức tranh của Minh Đông về làng Cựu trên 500 năm.

Họa sĩ Nguyễn Minh (Minh phố) cho biết: Các di sản văn hóa là nguyên liệu để cho nghệ sĩ sáng tạo. Cái khó và cũng là thử thách cho các nghệ sĩ là cũng với những nguyên liệu ấy, bạn phải mang được vào đó hơi thở đương đại của một tư duy mới, mà không làm biến dạng hoặc mất đi tinh thần, giá trị của di sản đó, nếu không - bạn sẽ luôn dập khuôn đi theo lối mòn với cách vẽ, cách tạo hình đã có từ trước. Bên cạnh việc tạo ra cái mới, cái đương đại ấy thì người nghệ sĩ vẫn phải “trình làng” những phong cách, những đặc trưng đã tạo nên dấu ấn cá nhân.

Thông qua triển lãm, các nghệ sĩ 33A mong muốn gửi thông điệp đến công chúng: “Bóng di sản” phải chăng chỉ còn là những chứng tích vật thể và phi vật thể của một thời kỳ, một vùng miền văn hóa đã đang bị lãng quên, bị phai mờ, hay vẫn là dòng chảy của một giá trị văn hóa bền vững, mãi trường tồn, như mạch nước ngầm thấm đẫm trong mỗi chúng ta?”

Hơn 50 tác phẩm của 9 họa sĩ (Dương Tuấn, Bùi Văn Tuất, Chu Viết Cường, Minh Đông, Cấn Mạnh Tưởng, Đạt Phú, Tuấn Đạt, Nguyễn Thế Long và Nguyễn Minh (Phố) sẽ được trưng bày tại nhà triển lãm 29 Hàng Bài (Hà Nội) từ ngày 22.5 đến 26.5. 2020. Khách mời đặc biệt: Họa sĩ Trần Huy Oánh, còn viết lời tựa triển lãm là họa sĩ Lê Thiết Cương.

Mỗi họa sĩ sẽ thể hiện tiếng nói riêng của mình qua tác phẩm từ hiện thực đến bán trừu tượng, và cả ý niệm mang tính đương đại. Nếu

Tuấn Đạt ám ảnh về cổng làng thì Dương Tuấn đau đáu nếu một ngày nào đấy những ngôi nhà này, những mái cổng này những bờ tường rêu phong cổ kính này hoàn toàn mất đi thì sẽ ra sao?. Thế Long đã thay thế  chữ Lộc bằng chữ Vạn trong bộ ba Phúc Lộc Thọ để tạo nên một ý nghĩa khác. Mạnh Tưởng lại có những quan sát tinh tế về sự mong manh của một ngôi làng trên 500 năm. Trong khi Bùi Văn Tuất yêu vẻ đẹp của làng quê tĩnh lặng và yên bình thì Minh Đông cố gắng pha trộn (mix) hiện thực làng và suy nghĩ trong tâm tưởng cá nhân vào những bức tranh panorama ấn tượng…Nguyễn Minh (Phố) thì vẫn như mọi khi biến ảo trong sử dụng các thủ pháp để tạo ra nhiều tầng ý nghĩa trong tác phẩm…

Sáng tạo là không giới hạn và mỗi nghệ sĩ đang vươn tới những chân trời rộng mở của riêng mình.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn