MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm phát biểu tại buổi họp báo ngày 12.10.

Lành mạnh không gian văn hoá trên nền tảng xuyên biên giới

Mỹ Linh  LDO | 13/10/2022 11:00

Nghị định 71/2022/NĐ-CP có hiệu lực từ 1.1.2023 được cho là một công cụ hữu hiệu nhằm làm lành mạnh không gian văn hoá trên nền tảng xuyên biên giới. Hôm qua, 12.10, Bộ Thông tin và Truyền thông đã họp báo về Nghị định này.

Nguy cơ rủi ro từ các nền tảng xuyên biên giới

Với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ truyền dẫn Internet băng rộng, các dịch vụ truyền hình xuyên biên giới của các doanh nghiệp nước ngoài dang xâm nhập vào thị trường trong nước, đưa các nội dung không biên tập đến người xem trong nước, có thu tiền qua tài khoản ngân hàng. Các dịch vụ điển hình đang được cơ quan quản lý quan tâm theo dõi, như: WeTV, IQIYI của Trung quốc, Netflix, Apple TV, Disney Plus... Đặc điểm chung của các dịch vụ truyền hình xuyên biên giới là cung cấp các nội dung giải trí nước ngoài hết sức đa dạng cho mọi lứa tuổi, gồm phim điện ảnh, phim truyền hình, phim tài liệu, phim hoạt hình, các loại trò chơi truyền hình thực tế, các chương trình thể thao quốc tế. Trên thực tế, các nội dung này đã đáp ứng nhu cầu của một bộ phận khán giả trẻ ở khu vực thành thị. 

Tuy nhiên, về nguy cơ rủi ro đối với nội dung không biên tập theo quy định Việt Nam là rất lớn và có thể tác động lâu dài đến nhận thức của người dân cả nước. Đã có số phim trên dịch vụ Netflix có các nội dung vi phạm chủ quyền lãnh thổ Việt Nam, xuyên tác lịch sử như: Phim tài liệu Việt Nam War hay gần đây nhất, ngay đầu tháng 10, Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử đã có văn bản yêu cầu Netflix gỡ phim Little Women khỏi kho ứng dụng ở Việt Nam do có nội dung xuyên tạc lịch sử.

Theo thống kê từ Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử, thị trường truyền hình trả tiền qua ứng dụng có doanh thu năm 2021 tăng trưởng 300% (hơn 700 tỉ đồng) so với năm 2020. Song, doanh thu của các nền tảng xuyên biên giới như Netflix, WeTV, Apple TV, IQIYI, Iflix ước tính gấp đôi tổng doanh thu của 22 doanh nghiệp nội. Trong khi đó, họ không phải thực hiện các nghĩa vụ tài chính, hành chính nào ở thị trường Việt Nam.

Tránh bảo hộ ngược

Nghị định số 71 sửa đổi, bổ sung gồm 4 Điều, trong đó Điều 1 sửa đổi 14 Điều, bổ sung thêm 1 Điều của Nghị định số 06/2016/NĐ-CP. 

Các quy định sửa đổi, bổ sung tập trung cụ thể hóa các quy định quản lý dịch vụ, đặc biệt đối với dịch vụ phát thanh, truyền hình trên mạng Internet chỉ cung cấp gói dịch vụ theo yêu cầu (OTT TV VOD), không cung cấp kênh chương trình; quản lý nội dung cung cấp trên dịch vụ (gồm nội dung theo yêu cầu, chương trình, kênh chương trình). 

Nghị định số 71 khẳng định quan điểm quản lý dịch vụ OTT TV VOD, gồm cả doanh nghiệp  nước ngoài cung cấp xuyên biên giới tới người sử dụng tại Việt Nam. 

Theo đó, các doanh nghiệp nước ngoài cung cấp dịch vụ OTT TV xuyên biên giới vào Việt Nam phải được cấp phép. Đối với loại hình dịch vụ OTT TV, DN có thể lựa chọn 2 mô hình cung cấp dịch vụ: OTT TV cung cấp cả kênh trực tuyến, nội dung theo yêu cầu (VOD) và OTT TV chỉ cung cấp VOD (OTT TV VOD). 

Nghị định còn bổ sung thêm một Điều 20a của Nghị định số 06/2016/NĐ-CP (khoản 11 Điều 1 Nghị định số 71/2022/NĐ-CP) quy định về biên tập, phân loại, biên dịch nội dung VOD. Trong đó, đối với phim: Doanh nghiệp được chủ động thực hiện hoạt động phân loại phim theo tiêu chí phân loại do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định khi đáp ứng các điều kiện thực hiện phân loại phim theo quy định của Chính phủ và tự chịu trách nhiệm về kết quả phân loại. Trong trường doanh nghiệp không có năng lực, điều kiện để thực hiện thì đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch hoặc cơ quan được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ủy quyền thực hiện phân loại đối với phim chưa được cấp Giấy phép phân loại phim hoặc Quyết định phát sóng; 

Đối với hoạt động biên dịch các phim, chương trình nước ngoài: Không bắt buộc, trong trường hợp thực hiện biên dịch, phải bảo đảm tôn trọng, bảo tồn sự trong sáng của tiếng Việt, bảo đảm không vi phạm các điều cấm theo quy định pháp luật Việt Nam. Quy định này cũng áp dụng đối với việc biên dịch kênh chương trình nước ngoài.

Tại buổi họp báo ngày 12.10, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm. Cho biết: Chính phủ vừa ban hành Nghị định 71 về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 06 về quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ phát thanh truyền hình. Với nghị định này, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ thị trường truyền hình trả tiền qua ứng dụng Internet trong nước sẽ có cơ hội cạnh tranh bình đẳng với các doanh nghiệp xuyên biên giới. 

“Các quy định pháp luật mới được sửa đổi, bổ sung sẽ đưa các doanh nghiệp về một mặt bằng chung để quản lý, tránh việc ‘bảo hộ ngược’, chỉ quản lý doanh nghiệp trong nước mà buông lỏng doanh nghiệp xuyên biên giới,” Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm nhấn mạnh.

Còn ông Nguyễn Hà Yên, Phó Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử thông tin “Theo Nghị định 06 trước đây, phạm vi quy định chỉ bao gồm hoạt động cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền trên Internet thông qua các địa chỉ web thì nay sửa đổi bổ sung thêm ‘ứng dụng Internet’. Điều đó có nghĩa là các ứng dụng di động OTT xuyên biên giới giờ đây không thể nằm ngoài vòng pháp luật. Khung khổ pháp lý mới hiện tại là cơ sở để kiến tạo một cuộc đua bình đẳng hơn”.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn