MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Các đại biểu thảo luận tại diễn đàn “Bảo vệ bản quyền các tác phẩm báo chí”. Ảnh: Đông Du

Lập trung tâm bảo vệ bản quyền tác phẩm báo chí để tránh vi phạm tràn lan

ĐÔNG DU LDO | 05/11/2020 15:19

Để ngăn chặn các tình trạng vi phạm bản quyền tràn lan hiện nay, tại diễn đàn “Bảo vệ bản quyền các tác phẩm báo chí” diễn ra ngày 5.11, các đại biểu đều đồng thuận về việc các cơ quan báo chí cần có một trung tâm bảo vệ bản quyền.

Ngày 5.11, tại TPHCM, Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức diễn đàn “Bảo vệ bản quyền các tác phẩm báo chí” với mục đích tạo ra một diễn đàn để các cơ quan quản lí, cơ quan báo chí trao đổi, đề xuất, tìm ra các giái pháp, từng bước giải quyết được vấn đề này, góp phần xây dựng và phát triển môi trường báo chí lành mạnh, trung thực và tôn trọng bản quyền...

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Hoàng Vĩnh Bảo chủ trì diễn đàn, với sự tham gia của lãnh đạo Cục Báo chí, Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử, Cục Bản quyền tác giả và hơn 100 đại biểu đến từ các cơ quan báo chí, Sở Thông tin và Truyền thông, các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghệ, báo chí, truyền thông, quảng cáo toàn quốc.

Diễn đàn diễn ra với nhiều đề tài, tham luận bàn về vấn đề vi phạm bản quyền cũng như đưa ra các kiến nghị, đề xuất các giải pháp góp phần từng bước ngăn chặn và xử lí vấn đề vi phạm bản quyền.

Vi phạm bản quyền báo chí đang tràn lan, khó xử lí

Phát biểu tại diễn đàn “Bảo vệ bản quyền các tác phẩm báo chí”, Tiến sĩ Trịnh Tuấn Thành - Phó Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả cho biết, hiện nay luật về quyền tác giả, các quyền liên quan đang từng bước được tôn trọng. Tuy nhiên, ông nhận định tình trạng xâm phạm bản quyền tác giả, quyền liên quan vẫn còn đang diễn ra tràn lan ở nhiều lĩnh vực, làm ảnh hưởng đến sự sáng tạo.

Tại diễn đàn, đại diện các cơ quan báo chí cũng nêu ra những khó khăn và hướng giải quyết trong việc bảo vệ bản quyền.

Cụ thể, nhà báo Đinh Đức Thọ bày tỏ lo ngại về việc hiện nay có quá nhiều trang web 3 không: Không ngõ người quản lý, cơ quan chủ quản, không rõ địa chỉ và không có giấy phép. Các trang web này tự ý lấy các tác phẩm báo chí để sử dụng mà không xin phép. Các cơ quan báo chí cũng rất khó khăn hoặc không biết phải liên hệ với ai để xử lí chuyện vi phạm bản quyền.

Không chỉ các trang web 3 không mà ngoài ra nhiều trang tin điện tử, mạng xã hội... cũng tự ý lấy tin bài, sản phẩm để đăng tải mà chưa xin phép các cơ quan báo chí.

Ông Nguyễn Thanh Vân - Phó Trưởng ban kiểm tra Đài Truyền hình Việt nam chia sẻ về việc các đơn vị, công ty vi phạm sản phẩm, hình ảnh logo VTV. Ảnh Đông Du

Ông Nguyễn Thanh Vân - Phó Trưởng ban kiểm tra Đài Truyền hình Việt Nam cho biết có 2 công ty đã phải bồi thường 500 triệu đồng vì khai thác trái phép phim “Bí thư Tỉnh ủy” và “Chạy án” của VTV.

Ngay đầu năm 2020, VTV cũng yêu cầu một công ty truyền thông bồi thường thiệt hại gần 300 triệu đồng do khai thác trái phép chương trình của VTV trên YouTube…

Ông Nguyễn Thanh Lâm - Cục trưởng Cục Báo chí (ngoài cùng bên phải) cùng các đại biểu thảo luận về thực trạng vi phạm bản quyền báo chí và hướng giải pháp. Ảnh: Đông Du

Lập trung tâm bảo vệ bản quyền báo chí

Ông Lê Quang Tự Do, Cục trưởng Cục Phát thanh truyền hình và thông tin điện tử chia sẻ rằng, một cơ quan báo chí không thể một mình chống lại tình trạng vi phạm bản quyền, mà cần có một bộ phận chuyên nghiệp.

Bộ phận này phải gồm cả các chuyên gia pháp lý xử lý việc này. Tiếp theo, tiến tới hình thành một liên minh hoặc một trung tâm bảo vệ bản quyền tác phẩm báo chí.

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Hoàng Vĩnh Bảo chỉ đạo diễn đàn. Ảnh: Đồng Du

Phát biểu kết luận và chỉ đạo diễn đàn, Thứ trưởng Bộ thông tin và Truyền thông Hoàng Vĩnh Bảo đánh giá tình trạng vi phạm bản quyền ở báo in hiện nay rất ít, nhưng báo điện tử rất nhiều và đang bị sao chép thông tin rất nhanh.

Để đưa ra giải pháp, Thứ trưởng Hoàng Vĩnh Bảo cho rằng trước hết chính bản thân các cơ quan báo chí phải liên kết với nhau để thực hiện đúng quy định pháp luật. “Liên minh” này ngoài cơ quan báo chí còn phải có cơ quan quản lý, các doanh nghiệp công nghệ… Mỗi cơ quan đều có thế mạnh riêng, cần ngồi lại với nhau trên cơ sở hợp đồng chia sẻ quyền lợi. Nhưng cho dù có “liên minh” thì các cơ quan báo chí cũng phải có cơ chế tự bảo vệ mình trước tiên.

Bên cạnh đó, các cơ quan báo chí phải hình thành bộ phận phát hiện, lưu vết để gửi về trung tâm. Thứ trưởng Hoàng Vĩnh Bảo đánh giá cao các cơ quan báo chí hiện nay đã làm điều này.

Ngoài ra, các cơ quan phải thực hiện nghiêm, không vi phạm bản quyền của nhau để cùng đấu tranh với các trang thông tin điện tử vi phạm.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn