MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Lễ hội Aza Koonh được công nhận là Di sản phi vật thể quốc gia. Ảnh: Phúc Đạt

Lễ hội Aza Koonh hồi sinh nơi rẻo cao A Lưới

PHÚC ĐẠT LDO | 17/01/2020 12:04

Lễ hội Aza Koonh - một trong những nghi lễ truyền thống, là Tết cổ truyền của đồng bào  Pa Cô - Tà Ôi có tuổi đời hàng trăm năm, được tổ chức nhằm tiễn đưa năm cũ và đón chào năm mới, chuẩn bị đón một vụ mùa mới. Nhờ quyết tâm của chính quyền và người dân, nét văn hóa truyền thống độc đáo này đã hồi sinh và trở thành Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.

Độc đáo Aza Koonh

Khi những hạt lúa, hạt ngô… đã được thu hoạch và cất vào kho của mỗi gia đình, đó cũng là lúc các bản làng trên dãy Trường Sơn (tỉnh Thừa Thiên - Huế) trẩy hội, cất lên những điệu khèn, điệu múa đón chào Tết Aza Koonh, còn được gọi với nhiều tên khác như Tết Aza, Tết cơm mới, lễ hội tri ân cây lúa.

Đến với thôn 4, Kê 2 (làng 2, xã Hồng Thủy, huyện A Lưới) vào một ngày cuối tháng Chạp, từ sớm con đường dẫn vào nhà văn hóa thôn đã đông đúc dân làng đến chuẩn bị cho ngày Tết trong những bộ trang phục truyền thống. Có mặt từ tinh mơ, ông Lê Hồng Khánh - già làng thôn 4, Kê 2 (xã Hồng Thủy) cho biết, ngày Tết Aza với đồng bào người Pa Cô rất quan trọng, cứ đến dịp này con cháu dù đi đâu hay làm gì cũng sắp xếp công việc trở về chung vui cùng bản làng.

Theo thông lệ, Tết Aza bắt đầu từ mồng 6.11 âm lịch và kéo dài cho đến hết ngày 24.12 âm lịch. Trong những ngày này, mỗi làng sẽ chọn một ngày đẹp nhất để tổ chức lễ Aza. Thường thì 2 ngày tốt nhất đó là ngày mồng 6.11 và ngày 24.12 âm lịch vì đó là thời điểm mặt trăng đẹp nhất. Đến với lễ hội Aza, người dân và du khách sẽ được chứng kiến người Pa Cô, dân tộc Tà Ôi tái hiện đầy đủ các bước nghi lễ như: A xa a rah (lễ tẩy rửa); Kâl laiq (lễ xua đuổi các linh hồn dữ); Cha chootq (lễ chuẩn bị); Lễ Kacoong tro (lễ mời mẹ lúa); Lễ cúng Aza (cúng các vị giống cây trồng); Lễ cúng cho Giàng Xứ (giàng sông, suối, gió, núi, mây, mưa, lửa, đất, đường xá...).

Trong các bước nghi lễ, lễ cúng Giàng A zel rất được người dân nơi đây xem trọng. Theo quan niệm của người Pa Cô, A zel có 2 vị thần là thần A Bum, A Boi ở trên trời có công mài nhẵn hình hài con người tạo nên các giống cây trồng vật nuôi, điều hòa khí hậu cho mùa màng tốt tươi, bội thu. Thần Tu looi taarr tooq (thần giun đất) ngự trị ở dưới đất, sinh sản lớp đất thịt màu mỡ và có công nuôi dưỡng các loại giống cây trồng tươi xanh, nặng bông, trĩu quả.
 
 Hồi sinh thành tiềm năng phát triển du lịch

Lễ hội Aza được tổ chức không chỉ tạ ơn các đấng thần linh theo phong tục mà còn là dịp để người dân ở các thôn bản ngồi quây quần bên nhau, trao đổi, chia sẻ những kinh nghiệm trong chăn nuôi, trồng trọt để giúp nhau phát triển. Đây là một nét tinh hoa văn hóa độc đáo được duy trì qua nhiều thế hệ đồng bào người Pa Cô.

Ông Phan Tiến Dũng - nguyên Giám đốc Sở VH-TT tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, trong kho tàng văn hóa của các dân tộc miền Tây tỉnh Thừa Thiên - Huế thì lễ hội Aza Koonh của người Pa Cô - Tà ôi là một trong những loại hình văn hóa đặc sắc. Có nhiều nghi lễ, điệu múa của bà con đồng bào ngày nay bị mai một. Nhằm phục dựng, tìm kiếm, bổ sung đầy đủ cho lễ hội, sở đã thu thập, bổ sung nguồn tư liệu về các điệu múa, điệu hát và nghi lễ trong dân gian đồng thời khuyến khích các già làng truyền dạy lại cho thế hệ trẻ.

Bà Nguyễn Thị Sửu - Bí thư huyện ủy A Lưới - cho biết, lễ hội Aza Koonh của đồng bào Pa Cô được công nhận là Di sản Văn hóa Phi vật thể cấp quốc gia không chỉ là niềm hạnh phúc, tự hào của chính quyền và nhân dân mà còn mở ra cơ hội, tiềm năng rất lớn trong việc phát triển kinh tế, văn hóa. Huyện A Lưới  xác định tầm nhìn 10 năm, 20 năm để phát triển du lịch với những thuận lợi vốn có. “Chúng tôi sẽ nghiên cứu lễ hội này đưa vào phục vụ du lịch cộng đồng, để cho du khách hóa thân, trực tiếp trải nghiệm vào không gian của lễ hội. Muốn làm được thì quan trọng là làm sao để người người, nhà nhà ở A Lưới đều biết và hiểu được những giá trị của lễ hội truyền thống. Giúp người dân sống được bằng làm du lịch từ lễ hội là một bài toán mà huyện đang xây dựng...” - bà Sửu nhấn mạnh.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn