MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Lễ hội Chùa Hương có thể mở cửa trở lại vào giữa tháng 2.2022. Ảnh: M.H

Lễ hội Chùa Hương có thể mở cửa trở lại?

Hương Mai LDO | 09/02/2022 11:14

Lễ hội chùa Hương có thể mở vào giữa tháng 2. Ban Quản lý Khu di tích - thắng cảnh Hương Sơn cũng đã lên phương án chuẩn bị các điều kiện về cơ sở vật chất để phục vụ du khách vào tham quan di tích, thắng cảnh.

Nghiêm túc phòng dịch

Ngày 8.2, trao đổi với Lao Động, ông Nguyễn Bá Hiển - Trưởng ban Quản lý Khu di tích - thắng cảnh Hương Sơn - cho biết, huyện Mỹ Đức chủ động mời các sở, ngành liên quan của thành phố Hà Nội về làm việc và thống nhất dự kiến ngày 16.2 tới, sẽ mở cửa đón khách đến tham quan di tích, thắng cảnh chùa Hương. Theo ông Nguyễn Bá Hiển, địa phương đã chuẩn bị các điều kiện về cơ sở vật chất để phục vụ du khách vào tham quan di tích, thắng cảnh chùa Hương. Bà con tiểu thương cũng đã chuẩn bị hàng hóa để phục vụ người dân vào lễ chùa.

Lễ khai hội chùa Hương được tổ chức vào ngày mùng 6 tháng Giêng. Ngoài ý nghĩa tâm linh, việc tổ chức lễ hội còn giúp thúc đẩy du lịch văn hóa của huyện Mỹ Đức cũng như Hà Nội. Việc mở cửa đón khách tham quan chùa Hương Sơn không chỉ là mong muốn của chính quyền sở tại, người dân xã Hương Sơn, mà còn là niềm mong mỏi của du khách thập phương trong việc thể hiện tín ngưỡng, tâm linh.

Trước đó, vào dịp Tết Nhâm Dần, theo đề nghị của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, UBND Huyện Mỹ Đức đã quyết định tạm dừng lễ hội chùa Hương năm 2022. Trong ngày 6.2 (tức Mùng 6 tháng Giêng) là ngày khai hội chùa Hương, lãnh đạo địa phương và các sư thầy đã thực hiện nghi lễ dâng hương tại chùa chính.

Đây cũng là ngày “mở cửa rừng” của người dân trong vùng. Để đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của nhân dân, Ban Quản lý Khu di tích - thắng cảnh Hương Sơn tạo điều kiện cho 1-2 đoàn đại diện cho nhân dân, thực hiện các nghi thức tâm linh tại các di tích trong khu vực chùa Hương. Những người tham gia phải thực hiện đầy đủ các quy định về phòng, chống dịch.

Ngày 5.2, theo ghi nhận của đoàn kiểm tra, huyện Mỹ Đức đã thực hiện nghiêm túc việc tạm dừng tổ chức lễ hội. Ngay từ cổng vào và các khu vực quanh di tích đều được lập các chốt chặn, có lực lượng ứng trực, nhắc nhở, vận động người dân và du khách chấp hành nghiêm các quy định của khu di tích. Khu vực suối Yến phong quang, không còn cảnh đò xếp hàng chờ đón khách; hàng quán khu vực đền Trình và chùa Thiên Trù, đường lên động Hương Tích cũng đóng cửa. Dọc suối Yến và các đường dẫn lên các di tích trong Khu di tích và thắng cảnh Hương Sơn sạch sẽ, gọn gàng, không có rác thải..

Thích ứng an toàn 

Ngay từ trước Tết Nguyên đán, UBND huyện Mỹ Đức và Ban quản lý khu di tích và thắng cảnh Hương Sơn đã chủ động xây dựng phương án quản lý hoạt động lễ hội, làm sao vừa đáp ứng nhu cầu tâm linh, tín ngưỡng của nhân dân, vừa bảo đảm yêu cầu về phòng, chống dịch COVID-19. Các đơn vị đã đồng loạt xây dựng kế hoạch siết chặt phòng dịch mùa lễ hội, phân công cụ thể các đơn vị triển khai nhiệm vụ ngăn chặn từ xa việc tập trung đông người vào các ngày chính hội, đúng với chỉ đạo, hướng dẫn của Trung ương và thành phố.

Theo ông Nguyễn Bá Hiển, trong trường hợp chùa Hương mở cửa đón khách trở lại vào ngày 16.2, Ban quản lý sẽ tiếp tục bố trí các trạm kiểm soát đầy đủ và đặt ra những quy định đối với du khách. Khi đến tham quan tại khu di tích và thắng cảnh Hương Sơn, du khách phải quét mã QR Code ở các điểm khai báo y tế. Ngoài ra, bến đò cũng hạn chế số khách, các nhà đò cũng không được chở quá số khách quy định. Tại các điểm tương tự cũng hạn chế các đoàn khách tới và du khách không được ở lại quá lâu tại một điểm.

Trước đó, để tiếp tục thực hiện nghiêm các yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 đồng thời nâng cao năng lực, hiệu quả công tác quản lý và tổ chức lễ hội năm 2022, Cục Văn hóa cơ sở đã tham mưu Bộ VHTTDL ban hành văn bản hướng dẫn tạm thời thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 trong hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch.

Theo đó, văn bản yêu cầu tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch, lễ hội trước, trong và sau Tết Nguyên đán; đảm bảo phục vụ nhân dân đón Tết vui tươi, lành mạnh, an toàn, phù hợp với nếp sống văn minh, phong tục tập quán, truyền thống văn hóa của dân tộc và tình hình dịch bệnh COVID-19 của từng địa phương.

Nhằm đảm bảo an toàn, văn minh cho du khách tham dự các hoạt động lễ hội, các địa phương cần chủ động hướng dẫn các biện pháp phòng, chống dịch trong tổ chức hoạt động lễ hội nhằm đảm bảo phù hợp với quy định của ngành Y tế tại địa bàn theo phương châm “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”.

Bên cạnh đó, đẩy mạnh tuyên truyền trực quan giới thiệu nguồn gốc của lễ hội, di tích và các nhân vật được thờ phụng, tôn vinh; về các giá trị, ý nghĩa của tín ngưỡng và nghi lễ truyền thống. Vận động nâng cao ý thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành và nhân dân nghiêm túc thực hiện các quy định của Nhà nước về tổ chức lễ hội trong năm 2022 nhằm đảm bảo công tác phòng, chống dịch COVID-19, tuyệt đối không chủ quan, mất cảnh giác, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu, thực hiện nghiêm sự chỉ đạo của cấp trên.

Trong dịp Tết Nhâm Dần 2022, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội thành lập 3 đoàn kiểm tra công tác quản lý và tổ chức lễ hội; kiểm tra công tác phòng, chống dịch trong hoạt động di tích và lễ hội trên địa bàn thành phố Hà Nội Xuân Nhầm Dần 2022, theo chỉ đạo của Trung ương và Thành phố Hà Nội về tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch bệnh và bảo đảm đón Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm. Trước đó, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội cũng đã “kích hoạt” hệ thống kiểm tra, giám sát công tác quản lý và tổ chức lễ hội trên địa bàn thành phố với việc công bố rộng rãi đường dây nóng phản ánh thông tin liên quan đến hoạt động trên; tổ chức 3 đoàn kiểm tra liên ngành, thực hiện kiểm tra công tác phòng chống dịch trong hoạt động di tích và lễ hội từ ngày 5.2.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn