MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Lễ hội chùa Hương. Ảnh: H.M

Lễ hội tại Hà Nội thích ứng thế nào với dịch bệnh?

Hải Minh LDO | 18/01/2022 10:52

Trước tình hình dịch bệnh COVID-19 chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, hàng loạt lễ hội lớn tại Hà Nội như Hội Gò Đống Đa, chùa Hương, Hội Gióng đền Sóc, Lễ hội Hai Bà Trưng… có xu hướng dừng hoặc thu gọn quy mô tổ chức trong dịp Tết Nhâm Dần nhằm đảo bảo công tác phòng, chống. 

Thu gọn quy mô tổ chức

Trao đổi với Lao Động, ông Nguyễn Bá Hiển, Trưởng ban Quản lý khu di tích - thắng cảnh Hương Sơn (Mỹ Đức, Hà Nội), mùa lễ hội năm 2022 sẽ không tổ chức lễ khai hội chùa Hương vào ngày 17.2 (tức mùng 6 tháng Giêng âm lịch), để đảm bảo an toàn trong phòng chống dịch COVID-19. Theo đó, chùa Hương sẽ bắt đầu mở cửa đón khách từ ngày 2.2 (tức mùng 2 tháng Giêng âm lịch), trong ngày đó du khách đến sẽ được miễn phí vé tham quan vãn cảnh chùa.

Ông Nguyễn Bá Hiển cho biết, đơn vị đã xây dựng sẵn kế hoạch tổ chức lễ hội chùa Hương 2022. Tuy nhiên, đến gần thời diểm diễn ra lễ hội, Ban quản lý sẽ tuỳ vào tình hình thực tế để điều chỉnh sao cho phù hợp. Nếu tình hình dịch bệnh ở mức độ 2, nằm trong tầm kiểm soát thì sẽ đảm bảo được an toàn cho người dân và du khách. Còn trong trường hợp tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp không đảm bảo an toàn cho du khách, Ban tổ chức sẽ dừng việc đón du khách tham quan chùa Hương.

Đối với phần lễ sẽ thực hiện nội bộ. Ban quản lý di tích phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện phần lễ như thường niên. Hoạt động cầu quốc thái dân an vẫn sẽ được thực hiện vào ngày mùng 6 âm lịch chính hội. Tuy nhiên, đối với những hoạt động ở phần hội sẽ hạn chế. Nhưng hoạt động văn hoá, vui chơi tụ tập đông người sẽ cắt giảm, gần như không tổ chức. Còn lại những hoạt động nhỏ khác chủ yếu phục vụ cuộc sống bà con nhân dân địa phương bán hàng, đáp ứng nhu cầu của du khách.

Hội Gióng đền Sóc, di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO vinh danh diễn ra từ 6-8 tháng Giêng, năm nay cũng không thể tổ chức. Lãnh đạo UBND huyện Sóc Sơn có văn bản dừng tổ chức hoạt động lễ hội đầu xuân 2022 cho tới khi có thông báo mới. Sóc Sơn là địa phương có những ổ dịch phức tạp, khoảng hơn 400 khu vực thực hiện cách ly y tế phòng COVID-19.

Theo UBND huyện Sóc Sơn, chính quyền địa phương đã quyết định dừng không tổ chức hoạt động lễ hội đầu Xuân 2022 từ nay cho đến khi có thông báo mới. Căn cứ tình hình dịch bệnh COVID-19, các hoạt động du lịch, thể thao; hoạt động tại di tích, thư viện... sẽ được thực hiện theo tinh thần tại Văn bản số 3862/HD-BVHTTDL của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Ông Nguyễn Nam Nho, Giám đốc Trung tâm quản lý Khu du lịch - di tích đền Sóc Sơn xác nhận không tổ chức lễ hội với quy mô lớn như mọi năm, thay vào đó chỉ tổ chức nội bộ. Theo ông Nguyễn Nam Nho, dù không tổ chức lễ hội, Trung tâm vẫn mở cửa để dân làng dâng hương, dâng lễ vật và thực hiện nghi thức tế lễ với quy mô hạn chế tập trung đông người. Nghi thức dâng lễ vật của dân làng mang giá trị tâm linh, cầu mùa màng tươi tốt cần được duy trì. 

UBND thành phố Hà Nội vừa ban hành Quyết định công nhận điểm du lịch Di tích quốc gia đặc biệt đền Hai Bà Trưng, xã Mê Linh, huyện Mê Linh. Tuy nhiên lãnh đạo huyện Mê Linh đã quyết định dừng tất cả các lễ hội và thu gọn quy mô tổ chức, trong đó có lễ hội Hai Bà Trưng do lo ngại tình hình dịch COVID-19.

Thích ứng phù hợp với tình hình dịch

Vào thời điểm Tết Nguyên đán năm 2021, một loạt lễ hội lớn tại thành phố Hà Nội như lễ hội Gò Đống Đa (Đống Đa), lễ hội chùa Hương (huyện Mỹ Đức), lễ hội Đền Hai Bà Trưng (huyện Mê Linh), lễ hội Gióng tại đền Sóc (huyện Sóc Sơn)... cũng dừng tổ chức do lo ngại các nguy cơ về dịch COVID-19. 

Năm nay, trong bối cảnh dịch bệnh chưa có dấu hiệu hạ nhệt, Hà Nội đã có chỉ thị về việc tổ chức phục vụ Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, trong đó yêu cầu việc tổ chức các lễ hội đúng quy định, đảm bảo phòng chống dịch. UBND thành phố Hà Nội chỉ đạo Sở Văn hoá và Thể thao tăng cường kiểm tra, giám sát việc tổ chức các hoạt động văn hóa, du lịch, lễ hội trong dịp Tết Nguyên đán, bảo đảm lành mạnh, phù hợp với thuần phong, mỹ tục, phong tục, tập quán, điều kiện sống của từng địa phương và phòng, chống dịch bệnh. 

Thời gian qua, do lo ngại tình hình dịch bệnh, nhiều địa phương của Hà Nội như Mỹ Đức, Mê Linh, Sóc Sơn, Đông Anh cũng đã có những kế hoạch điều chỉnh quy mô tổ chức lễ hội sao cho phù hợp với tình hình dịch bệnh. Theo ông Nguyễn Bá Hiển, nếu trong trường hợp số ca mắc tại địa phương tăng cao, Ban quản lý sẵn sàng dừng tổ chức lễ hội để đảm bảo an toàn sức khoẻ cộng đồng. Ông Hiển khẳng định: “Nếu tình hình dịch bệnh trên địa phương căng thẳng, chúng tôi sẵn sàng đề xuất dừng tổ chức lễ hội. Phục vụ tín ngưỡng là chính nhưng vẫn phải đảm bảo yếu tố về phòng chống dịch bệnh”.

Trước đó, Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch đã có công văn đề nghị Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Sở Văn hóa và Thể thao; Sở Văn hóa, Thông tin, Thể thao và Du lịch; Sở Du lịch các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tham mưu, trình Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định việc tạm dừng tổ chức các loại hình lễ hội và hoạt động bắn pháo hoa nổ trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn