MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Cảnh phim “Miền ký ức” của đạo diễn Bùi Kim Quy. Ảnh chụp lại từ trailer phim

LHP Quốc Tế Busan, vị thế và ảnh hưởng văn hóa của Hàn Quốc ở Châu Á

Bùi Trí Hiếu (nhà phê bình điện ảnh) LDO | 09/10/2021 08:50

Ngày 6.10,  khai mạc Liên Hoan Phim Busan lần thứ 26 tại Hàn Quốc. Một lần nữa, LHP Busan lại mở ra cơ hội cho các nhà làm phim đầu tay tại khắp Châu Á và trên thế giới được thử sức cũng như giao lưu, trao đổi ý tưởng trên một sân chơi chung. Nhờ đó, các nhà làm phim trẻ phần nào nhận thức được khả năng cũng như vị trí của mình trên thị trường quốc tế và góp phần định hình tương lai bản thân trên con đường điện ảnh.

Cội nguồn và vị thế của LHP Busan

Đã được một phần tư thế kỷ trôi qua kể từ LHP Busan lần thứ nhất khai mạc năm 1996. Mỗi lần đều có ít nhất hơn 150 phim tham dự, cho thấy tiềm lực kinh tế đáng tự hào của Hàn Quốc trong hơn hai thập kỷ trở lại đây. Địa điểm tổ chức cũng là một trong số những bãi biển đẹp nhất xứ Hàn, bãi biển Haeundae-gu.

Nơi đây đã trở thành trung tâm giao lưu nghệ thuật hàng năm tại Châu Á, sánh vai về quy mô so với các LHP Venice, Berlin, Cannes ở Châu Âu. Tất nhiên, chất lượng phim cũng là một vấn đề đáng quan tâm nếu xét về khía cạnh nghệ thuật. Nhưng LHP Busan tập trung khai thác tiềm lực của các nhà làm phim đầu tay, cũng tức là sự đổi mới hay nói cách khác là xu hướng mới.

Khác với lục địa già, nơi chứa đựng chiều sâu của nghệ thuật và văn minh lâu đời tích lũy mà một nước Châu Á nhỏ bé khó lòng theo kịp. Hàn Quốc thuở ban đầu với tham vọng trở thành con rồng của Châu Á, mong muốn cạnh tranh sát sao với Nhật Bản, Trung Quốc, và trở thành trung tâm kinh tế, văn hóa, xã hội; đã tạo nên LHP Busan như một sân khấu phô bày tiềm lực kinh tế trong khu vực và thu hút nhân tài cũng như giới đầu tư trên toàn thế giới.

Sau 25 năm, làn sóng Hàn Quốc đã tràn ngập thế giới, hiếm có nơi nào mà giới trẻ không biết đến K-POP, phim Hàn hoặc văn hóa Hàn Quốc. Ngày nay, xu hướng các nhóm nhạc bắt chước ban nhạc Hàn nở rộ khắp Châu Á mà trong đó Trung Quốc đã trở thành vị khách “thường niên” với hàng trăm học viên tham gia các chương trình đào tạo ban nhạc kiểu Hàn. Thậm chí, các thanh thiếu niên Âu-Mỹ đã trở thành nguồn fan hâm mộ lớn trên thế giới của thị trường âm nhạc xứ Hàn.

Đôi nét về các giải thưởng chính của LHP Busan

Giải Xu Hướng Mới, là giải thưởng lâu đời nhất LHP Busan (kể từ LHP thứ nhất),  dành cho hai phim đầu tay xuất sắc nhất, mỗi phim được thưởng 30.000 USD, mỗi nhà làm phim được tham dự từ 1-2 phim;

Giải Sonje, cũng là giải thưởng lâu đời tương tự như Giải Xu Hướng Mới, dành cho phim ngắn xuất sắc nhất Hàn Quốc và Châu Á, giải thưởng trị giá 20 triệu Won (17.000 USD);

Giải Flash Forward (Giải Chuyển Tiếp), mới thành lập năm 2009, dành cho phim hay nhất trong số phim được trình chiếu ở phần tranh giải, giải thưởng trị giá 30.000 USD;

Giải Kim Jiseok, bắt đầu từ năm 2017 để kỷ niệm cố chủ tịch Kim Jiseok kiêm nhà sáng lập LHP Busan, nhằm chọn hai nhà làm phim xuất sắc nhất tại Châu Á và thưởng 10.000 USD cho mỗi người;

Giải Mecenat dành cho đạo diễn phim tài liệu xuất sắc nhất Hàn Quốc và Châu Á, giải thưởng trị giá 10 triệu Won (8.500 USD);

Giải KNN, hay còn gọi là giải khán giả bình chọn, dành cho phim được khán giả yêu thích nhất trong hạng mục Giải Xu Hướng Mới, giải thưởng trị giá 20.000 USD dành cho nhà làm phim…

Vẫn còn nhiều giải thưởng khác chưa được nêu ra trên đây nhưng qua các phần thưởng này đã cho thấy LHP Busan đã có độ ảnh hưởng nhất định tại khu vực Châu Á. Thông qua tiềm lực tài chính khổng lồ được thể hiện tại LHP Busan, không khó hiểu khi hàng trăm nhà làm phim háo hức tham gia. Điều này giống như một câu trả lời trần trụi của Hàn Quốc bằng “tiền” và “quy mô” so với tiêu chuẩn “đẳng cấp” và “tài năng” ở các sân chơi điện ảnh của Châu Âu và Mỹ.

Phim Việt và xu thế

Trong số các giải thưởng nêu trên, chỉ có hai phim Việt Nam từng có cơ hội “chen chân” tại LHP Busan là Áo lụa Hà Đông (2006) của đạo diễn Lưu Huỳnh, đoạt giải KNN và Ròm (2019) của đạo diễn Trần Thanh Huy, đoạt giải Xu hướng mới. Nếu xem các LHP Venice, Berlin, Cannes ở Châu Âu hay LHP Oscar của Mỹ là đẳng cấp của các nhà làm phim hàng đầu thế giới; thì LHP Busan là sân khấu của những người trẻ mới vào nghề.

Năm nay, phim “Miền ký ức” của đạo diễn trẻ Bùi Kim Quy dự thi ở hạng mục “Xu hướng mới” đem đến niềm hy vọng về một thành công cho điện ảnh Việt. Một bộ phim có nhiều lớp lang ý nghĩa với sự tìm tòi về ngôn ngữ điện ảnh đưa ra nhiều gợi mở về sự sống, cái chết, về sự nhận chân giá trị trong cuộc sống.

LHP Busan mang chất trẻ nhiều, là cơ hội cho những đạo diễn trẻ. Mong sao nhiều hình ảnh đẹp về đất nước, con người Việt Nam ngày càng  được giới thiệu ra thế giới.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn