MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhóm nam Kpop - RIIZE được chú ý trước khi ra mắt. Ảnh: SM

Lí do chuyện thần tượng vượt khó để thành công dần biến mất khỏi Kpop

An Nhiên LDO | 27/02/2024 08:24

Ngày nay, trong quá trình ra mắt của các thần tượng Kpop, không dễ dàng để tìm thấy các câu chuyện thành công sau khi trải qua nhiều khó khăn.

Theo Newsis, nếu như trong quá khứ, khán giả không ít lần rơi nước mắt khi chứng kiến sự nỗ lực của nhiều nhóm nhạc, trong đó có BTS khi họ còn là tân binh, và câu chuyện họ vượt qua khó khăn để thành công như thế nào.

Tuy nhiên, thật khó để tìm thấy những câu chuyện như vậy trong quá trình ra mắt của các nhóm nhạc thần tượng Kpop ở hiện tại. Số lượng này nếu có cũng khá ít ỏi, chủ yếu đến từ các nhóm nhạc thần tượng trực thuộc công ty vừa và nhỏ.

Báo Hàn nêu lí do là vì hiện nhiều thần tượng đã nhận được sự chú ý ngay cả trước khi ra mắt và đạt được kết quả tốt ngay sau khi chính thức trình làng sản phẩm tới công chúng. RIIZE của SM và TWS của Pledis (HYBE) là những ví dụ điển hình cho điều này.

Ngoài ra, còn có nhiều dự đoán về sự xuất hiện của các thần tượng xuất thân tài phiệt trong Kpop, trong đó có Annie Moon (cháu ngoại của Chủ tịch tập đoàn Shinsegae) - người được kì vọng sẽ ra mắt với vai trò thành viên của nhóm nhạc nữ dưới trướng The Black Label.

Annie Moon dự kiến ra mắt trong nhóm nhạc nữ của The Black Label. Ảnh: Instagram

Theo truyền thông, với xu hướng này, khả năng một thần tượng xuất thân nghèo khó và trở nên nổi tiếng trở nên vô cùng hiếm hoi.

Về vấn đề này, nhà phê bình văn hóa Im Hee Yoon cho biết: “Đã có lúc ngay cả những thần tượng đến từ các công ty nhỏ cũng có thể lật ngược tình thế, đạt được thành công trên các bảng xếp hạng với những bài hát và màn trình diễn hay.

Tuy nhiên, hiện tượng này đã giảm đáng kể trong những năm gần đây. Các nhóm như ZB1 và ​​RIIZE đã bán được hàng trăm nghìn cho tới hàng triệu album ngay khi ra mắt. Đó là bởi vì các công ty lớn đã bắt đầu thực hiện việc quảng bá kể từ những ngày nhóm chưa ra mắt”.

Newsis nhấn mạnh, cùng với cơn sốt Kpop, vị thế của các nghệ sĩ Kpop đã thay đổi rất nhiều và Chính phủ nước này cũng bắt đầu quảng bá Kpop trong các sự kiện văn hóa và sân khấu ngoại giao. Vì vậy, nhiều người hiện đang coi Làn sóng Hàn Quốc (Hallyu), tập trung vào Kpop - ngành công nghiệp cốt lõi ở Hàn Quốc.

Với vị thế ngày càng tăng của các thần tượng Kpop trong nước và toàn cầu, ngay cả những người xuất thân trong gia đình tài phiệt cũng đang lấn sân Kpop và nhiều thần tượng đã trở thành ngôi sao nổi tiếng ngay từ khi còn là thực tập sinh.

Mức độ phổ biến này được định lượng bằng số người theo dõi và lượt thích trên mạng xã hội. Như với BTS, Blackpink và NewJeans, dễ dàng nhận ra những con số này ảnh hưởng trực tiếp đến độ nổi tiếng của thần tượng. Đó cũng là lí do các thương hiệu xa xỉ hiện nay nhanh chóng chọn các ngôi sao Kpop làm đại sứ.

Ra mắt vào năm 2022 nhưng NewJeans nhanh chóng nổi tiếng. Ảnh: ADOR

“Những câu chuyện vượt qua khó khăn không còn phù hợp với những người tự hào về số lượng người theo dõi khủng trên mạng xã hội và nổi tiếng ngay từ những ngày đầu mới ra mắt” - nhà phê bình Im Hee Yoon nhấn mạnh.

Trên thực tế, các thực tập sinh có xuất thân đa dạng đều đã được sàng lọc trong quá trình thử giọng, đào tạo và lựa chọn thành viên ra mắt trong các chương trình thử giọng công khai. Vì quá trình này đã được chia sẻ với người hâm mộ nên không cần phải kể những câu chuyện khó khăn hay sự cạnh tranh giữa các nhóm nhạc mới ra mắt.

“Ở thời đại này, không có thời gian để mọi người theo dõi quá trình các thần tượng vượt qua khó khăn và trưởng thành. Nhiều người chỉ muốn được nhìn thấy tài năng của thần tượng ngay lập tức. Giờ đây, khi đầu tư nhiều tiền hơn vào chất lượng nội dung, nội dung tốt sẽ tự nhiên xuất hiện” - Im Hee Yoon nói.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn