MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Xã Bình Dương, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam. Ảnh: Báo Quảng Nam

Lịch sử bi tráng của một vùng đất trong 2 cuốn bút ký

Mi Lan LDO | 24/03/2023 15:25

Xã Bình Dương, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam đã trải qua những giai đoạn khốc liệt từ năm 1963-1974 khi Mỹ thực hiện Chiến tranh cục bộ, Chiến tranh đặc biệt và Việt Nam hóa chiến tranh.

Buổi ra mắt 2 cuốn bút ký “Bình Dương vùng đất anh hùng” và “Vườn mẹ” diễn ra sáng 24.3 tại Hà Nội trở nên đặc biệt trong không khí trang nghiêm và thành kính.

Nhà văn Nguyễn Quang Thiều – chủ tịch Hội nhà văn Việt Nam chia sẻ, trong cuộc đời mình – ông đã dự vô số những cuộc ra mắt sách, nhưng chưa từng có cuộc ra mắt nào đặc biệt như thế này. Buổi ra mắt sách giống như lễ tưởng nhớ hơn 4 nghìn người đã bị giết hại ở xã Bình Dương, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam.

Rất đông các cựu chiến binh, những người từng đến, từng làm việc, từng đi qua xã Bình Dương dù đang ở TP.HCM, hay Đà Nẵng, Quảng Nam đều có mặt đông đủ ở Hà Nội sáng 24.3, trong buổi ra mắt 2 cuốn sách.

Họ ngồi trong khán phòng để cùng nhau nhắc nhớ, cùng nhau kể những câu chuyện huyền thoại về vùng đất thấm đẫm máu xương của hơn 4 nghìn người đã ngã xuống trong chiến tranh chống Mỹ cứu nước.

Dân số xã Bình Dương (huyện Thăng Bình) thời điểm ấy có hơn 7 nghìn người, trong đó có 4.700 người bị giết hại, 1.000 liệt sĩ, 400 mẹ Việt Nam anh hùng. “Ở đó, không có gia đình nào là không có người hi sinh cho cách mạng”.

Theo nhà văn Nguyễn Quang Thiều, “Lịch sử vùng đất ấy bi tráng tới mức, mỗi gốc cây, ngọn cỏ đều có xương máu, đều có câu chuyện riêng. Nếu tôi đến xã Bình Dương, huyện Thăng Bình ở Quảng Nam, tôi không biết mình sẽ đi như thế nào. Tôi không biết chân mình có đủ sạch, tâm hồn và lương tri tôi có đủ sạch để đi qua vùng đất ấy”.

Nhiều câu chuyện xúc động về xã Bình Dương được kể lại. Xã nhỏ, ít dân, nhưng đã kiên cường đi qua 2 cuộc chiến, từ chống Pháp đến chống Mỹ. Từ năm 1963-1974, Mỹ thực hiện nhiều mô hình chiến tranh với quyết tâm bình định các vùng nông thôn.

Từ chiến tranh đặc biệt, chiến tranh cục bộ, Việt Nam hóa chiến tranh, Mỹ leo thang càn quét, đánh phá, đàn áp Bình Dương.

Mỹ tập trung hỏa lực liên tục bắn phá, kết hợp với các loại máy bay chiến đấu lùng sục, oanh kích ngày đêm. Nhưng giữ vững lời thề “Một tấc không đi, một ly không rời”, cán bộ và nhân dân xã Bình Dương kiên cường lao động sản xuất, chống trả quyết liệt những đòn hủy diệt của Mỹ.

Buổi ra mắt 2 cuốn bút ký “Bình Dương vùng đất anh hùng” và “Vườn mẹ” sáng 24.3 tại Hà Nội. Ảnh: Hào Hoa

Ông Lê Doãn Hợp – nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin Truyền thông chia sẻ, ông đã có dịp 3 lần đến xã Bình Dương, lần đầu đến đây ông đã khóc. Nghe những câu chuyện kể của Bí thư Đảng ủy xã Bình Dương, ông Lê Doãn Hợp lặng người trước những hi sinh, mất mát mà người dân nơi đây đã gánh chịu. Nhưng vượt lên trên tất cả gian lao, đau thương, là sự quật cường, kiên định, một lòng theo cách mạng.

Xã Bình Dương 2 lần được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang trong chiến tranh chống Mỹ (năm 1969, 1972) và một lần được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động trong thời bình năm 1985.

Giữa rất nhiều câu chuyện kể chân thực và xúc động về mảnh đất đầy huyền thoại của những người đến dự, 2 cuốn bút ký “Bình Dương vùng đất anh hùng” và “Vườn mẹ” đã được giới thiệu.

“Bình Dương vùng đất anh hùng” là tuyển tập những hình ảnh, bài thơ, bài ký, những câu chuyện với cảm xúc khác nhau về Bình Dương. Mỗi bài viết đều thấm đẫm ký ức, kỷ niệm về quá khứ oanh liệt của vùng đất đi qua 2 cuộc chiến với đầy đau thương và đầy chiến tích.

Bìa 2 cuốn bút ký được giới thiệu sáng 24.3. Ảnh: Hào Hoa

Cuốn bút ký “Vườn mẹ” là tuyển tập những bài viết về ý tưởng xây dựng công trình mang tên Vườn mẹ. Đây là ý tưởng của kỹ sư Phan Đức Nhạn, là không gian văn hóa tâm linh, lịch sử mang ý nghĩa chính trị, văn hóa, xã hội to lớn, giáo dục chủ nghĩa anh hùng cách mạng, truyền thống đấu tranh kiên cường của dân tộc.

Theo đó, dự án “Vườn mẹ” là không gian mở gồm công viên nghĩa trang cho các Mẹ Việt Nam Anh hùng của xã, bia tưởng niệm liệt sĩ, khu vực di tích lịch sử, trưng bày hiện vật.... nằm tái hiện cuộc sống và chiến đấu của nhân dân xã Bình Dương trong những năm kháng chiến gian khổ, hào hùng.

“Vườn mẹ” sẽ được thực hiện trên tinh thần xã hội hóa.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn